Cuốn Ngẫu hứng Trần Tiến. Ảnh: Thanh Hà
Đêm nhạc "Hà Trần hát Trần Tiến" sẽ diễn ra vào ngày 30.9 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội với sự tham gia chủ đạo là ca sĩ Trần Thu Hà, cháu gái nhạc sĩ Trần Tiến. Điều đặc biệt trong đêm nhạc của nhạc sĩ Trần Tiến lần này là ngoài những ca khúc mới sẽ được giới thiệu còn có cuốn sách Ngẫu hứng Trần Tiến ra mắt bạn đọc.
Như đúng với tính cách của nhạc sĩ du ca, trong cuốn sách có rất nhiều câu chuyện hoàn toàn ngẫu hứng, những kỷ niệm đan xen giữa cuộc sống thực tại của ông ở Vũng Tàu cho đến những ký ức về tuổi thơ, cha mẹ và những "sơ sảy dại dột" khi ông nhận lời ngồi ghế giám khảo chương trình truyền hình thực tế Bước nhảy hoàn vũ.
Nhạc sĩ Trần Tiến năm 12 học sinh lớp 6 trường Tô Hiệu, Hà Nội
Mở đầu cuốn sách, nhạc sĩ Trần Tiến tự nhận mình là nhạc sĩ kỳ lạ nhất, khi không có văn bản bài hát, không ra album, không mặn mà làm liveshow, ra sách nhạc…mà vẫn là nhạc sĩ nổi tiếng, được nhiều khán giả yêu thương. Đây cũng là lý do khiến "nhạc sĩ du ca" cảm thấy ân hận và cảm thấy tội nghiệp cho ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, khi bị dư luận chê hát sai lời ca “Chiếc vòng cầu hôn” mà vẫn ẵm giải thưởng một tỷ đồng ở chương trình Bài hát yêu thích.
Nhạc sĩ tự nhận đó là do lỗi của ông khi không bao giờ in nhạc để các ca sĩ cũng như khán giả biết và hát cho đúng nhạc, đúng lời. Và điều đó khiến ông cảm thấy áy náy và không phải với những khán giả đã yêu mến nhạc của ông. Ông xin lỗi họ vì điều đó và tự nhận mình: “Ích kỷ, vô trách nhiệm, kiêu căng…”.
Cũng với lời tự bạch trong cuốn sách, nhạc sĩ Trần Tiến còn cảm thấy mình dại dột khi có lần vì nể nang mà nhận lời ngồi làm giám khảo cuộc thi Bước nhảy hoàn vũ.
Nhạc sĩ nói trong cuốn sách: “Các em ấy nhảy thế nào thì mình nói thế, nhảy điệu latin thì phải nhìn mông, vú có nảy lửa không, chả nhẽ bảo: Cái vòng hai, vòng ba nảy lửa? Ngày hôm sau các comments xô vào phản ứng, bảo mình nói bậy, giới truyền thông vớ được tin sốt dẻo, đổ dầu thêm cho lửa cháy bùng thành xì căng đan để mời khách và bán quảng cáo”.
Nhạc sĩ Trần Tiến và mẹ, ảnh chụp năm 1984
Điều này khiến nhạc sĩ cảm nhận rõ mình đã lỗi thời, đã già. Cay đắng và chua xót, khi ông cảm thán mà rằng: “Tôi chợt hiểu ra điều mà lây nay quen sống trong hào quang quên mất. Tôi đã già. Những khán giả yêu tôi cũng già, hoặc đã về trước, nơi cõi vĩnh hằng bình yên. Tôi vẫn còn ngồi đây tí tởn với “Bước nhảy hoàn vũ”. Sao không hoàn vũ đi, nhạc sĩ hết thời ơi?”.
Không chỉ là những câu chuyện, scandal ông vướng vào cùng những tâm tư mà ông chia sẻ. Ngẫu hứng Trần Tiến còn có rất nhiều câu chuyện được ông kể đầy ngẫu hứng, trong trí nhớ của cơn say, được ông lượm lặt cho vào sách. Chuyện mẹ ông là cô tiểu thư xinh nhất nhì Hà Thành, bố ông là người đàn ông tỉnh lẻ nhưng lại học trường Tây và có giọng hát mê hồn cùng điệu nhảy claquette điêu nghệ. Chuyện về ngày ông đi chiến trường và có vài lần chết hụt để người ta đã bó chiếu đưa đi chôn. Chuyện nhậu lai rai cả tối với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hay với những nhạc sĩ cùng thời.
Nhạc sĩ Trần Tiến (từ trái qua phải) ca sĩ đạo diễn Việt Hương, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Lê Việt Hòa, nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu...
Ngoài những câu chuyện vụn vặt trong cuộc sống nhạc sĩ Trần Tiến còn cho biết lý do ra đời ca khúc “Chị tôi” được lấy cảm hứng từ đâu. Ca khúc ấy theo nhạc sĩ Trần Tiến, được lấy cảm hứng, hay chính xác hơn là một phần đời của người chị gái nhạc sĩ. Người chị thứ 3, đi dạy học xa và mãi về cuối đời, nghỉ hưu mới trở về căn nhà của bố mẹ để sống và không lấy chồng…
Có thể thấy, cuốn sách dù không tuân theo một logic, trật tự nào về thời gian nhưng độc giả vẫn cảm nhận một Trần Tiến chân chất, vụng dại nhưng cũng hết mình với âm nhạc, bạn bè và nghệ thuật. Một Trần Tiến đầy ngẫu hứng và bản năng.