Và dù thời tiết có mưa đúng giờ “vàng” thì khán phòng Nhà hát Lớn cũng không còn một chỗ trống. Điều đó khiến nhạc sĩ Nguyễn Cường vô cùng cảm kích.
“Tôi thật cảm động khi thấy khán phòng chật ních khán giả đến ủng hộ chương trình của tôi, tại nơi trang trọng, thanh lịch nhất nước ta - Nhà hát lớn Hà Nội. Những người sành điệu và lịch lãm nhất Thủ đô - còn gì hạnh phúc hơn là được trình diễn, chia sẻ những tác phẩm âm nhạc của mình trước các bạn.
Cũng không “hoa mỹ” để khán giả phải tò mò nhiều, nhạc sĩ Nguyễn Cường giới thiệu luôn về nội dung chương trình: Tuổi thơ tôi Hà Nội như một câu chuyện kể về âm nhạc của tôi, hành trình sáng tác của tôi 40 năm qua, và cũng là để diễn tả ý đồ, quan điểm của tôi về nghệ thuật. Các bạn sẽ được nghe rất nhiều ca khúc mang âm hưởng dân gian, đó là niềm yêu quý nhất của tôi vì tôi là người Việt Nam, tôi yêu nhạc Việt Nam, tôi yêu tất cả các ca khúc dân ca…
Ngoài những ca khúc về tuổi thơ tôi, đêm nhạc sẽ có những bài hát mang âm hưởng dân ca đồng bằng Bắc Bộ, và chắc chắn là không thể thiếu những ca khúc về Tây Nguyên”.
Chính vì vậy, khán giả đã được nghe một Thanh Lam trữ tình trong những ca khúc về Hà Nội, một Tùng Dương với những ca khúc về biển, tổ quốc cuộn trào sóng, một Siu Black "đốt cháy" những ca khúc về Tây Nguyên. Và dù, chưa nghe, khán giả cũng đoán được "lửa" của chương trình sẽ thắp từ những giọng ca này, sự "bùng nổ" của đêm nhạc sẽ đến với màn song ca của Tùng Dương - Siu Black thì chương trình vẫn có những điểm nhấn khó quên khác.
Với mỗi nhạc sĩ, việc giới thiệu tác phẩm mới luôn là điều khiến họ phải trăn trở. Vì sự xuất hiện lần đầu ấy, luôn cần có ấn tượng để được nhớ đến, nhắc đến và tiếp tục cuộc hành trình chinh phục người nghe.
Còn nhạc sĩ Nguyễn Cường thì mỗi "đứa con tinh thần, cứ đủ 18 tuổi là tôi cho ra đường. Mỗi đứa, sẽ có một số phận riêng mà mình không biết trước được. Thậm chí, muốn quan tâm cũng không được".
Khúc độc thoại Thị Màu được dàn dựng tiểu cảnh
Song, chắc hẳn ông cũng nhiều cân nhắc khi đưa ra hai tác phẩm mới trong chương trình lần này. Đó là Khúc độc thoại thị Màu và Bi ca Trọng Thủy. Nhạc sĩ Nguyễn Cường gọi đây là hai cuộc "giải oan" cho Thị Màu và Trọng Thủy.
Ông hỏi khán giả và tự trả lời cho cái tên "thị Màu" ở đâu mà ra? "Vì sao lại gọi Thị Màu mà không phải Thị Hoa, Thị Liễu, có bao giờ các bạn nghĩ như vậy? Văn minh của chúng ta rất cần sự phồn thực, màu mỡ để sinh sôi, Thị Màu là cô gái đầy tự tin, khát sống, khát yêu… và trong bài hát của mình tôi minh oan cho Thị Màu, sẽ chỉ có em “Khúc độc thoại Thị Màu” và cô sẽ nói với mọi người rằng xuân sang tôi chỉ mong được như con cá vàng, con chim chìa vôi hát…” - nhạc sĩ Nguyễn Cường bày tỏ quan điểm.
Còn với chàng Trọng Thủy, đó là mối tình đẹp với Mỵ Châu. Vẻ đẹp từ hình ảnh cái chết của Trọng Thủy đã làm sáng viên ngọc Mỵ Châu được nhạc sĩ ví như mối tình giữa Romeo và Juliet Việt Nam khiến ông bị "khuất phục", dù câu chuyện đó vẫn còn có những yếu tố lịch sử khiến nhiều người suy nghĩ.
Cũng chính vì thế, trước đêm diễn, nhạc sĩ có dự báo rằng giới thiệu Bi ca Trọng Thủy sẽ có thể gây nhiều tranh cãi nhưng ông viết tác phẩm trên tinh thần yêu cái đẹp của mối tình ấy và bỏ qua hết những vấn đề "bên lề".
Bi ca Trọng Thủy được mở màn với tiếng trống đầy tính đặc tả tiếng vó ngựa, gợi lại khung cảnh của cuộc chạy đuổi giữa Trọng Thủy - Mị Châu đến cái giếng "minh oan". Và tiếng kèn sona đầy da diết, hòa cùng với tiếng hát của NSƯT Việt Hoàn đã làm nhiều khán giả xúc động trong câu hát: "Mỵ Châu, nay em ở đâu? Còn yêu nhau hãy trở về bên tôi"
Thường thì khán giả đến với nghệ sĩ vì "ăn quen món" chứ món "lạ" chỉ là để thưởng thức cho nó... lạ miệng. Nhưng với một nhạc sĩ, việc giới thiệu ca khúc mới luôn là việc phải làm. Và có thể nói, nhạc sĩ Nguyễn Cường đã thành công ngay từ "buổi ra mắt" với những tác phẩm mới của mình. Đó vừa là giá trị của đêm nhạc, vừa là giá trị dành cho riêng nhạc sĩ.
Có lẽ vì thế, đêm nhạc cũng khá thuần "chất" là chỉ có âm nhạc. Những dự định về talk show với Trần Tiến không diễn ra nhiều, dự định "hồi tưởng" lại giọng ca Y Moan, một phần làm nên mảng âm nhạc Tây Nguyên, của Nguyễn Cường cũng vắng bóng.
Song, trên hết, nhiều cảm xúc đã đến với nhạc sĩ Nguyễn Cường trong tối 13/8, từ hồi hộp, chờ mong, đến đón nhận, hào hứng, hạnh phúc. Nếu đêm nhạc được ví như một bữa tiệc, thì nhạc sĩ Nguyễn Cường đã trải qua cảm giác từ “say” đến “lịm” người trước những sự thể hiện của các ca sĩ với những tác phẩm của mình.
Tuổi thơ tôi Hà Nội sẽ diễn ra đêm thứ hai vào tối 14/8.
Một số hình ảnh tại đêm nhạc:
Ca sĩ Đào Mác thể hiện Mẹ ơi, gác xép nhà xưa
Nhóm cỏ lạ
Thanh Lam với Cho tình yêu bay lên
Vũ Thắng Lợi trong Lời chào mùa Hè
Phần giao lưu ngắn gọn giữa Siu Black, Nguyễn Cường và Trần Tiến
Siu Black với Thênh thênh Oong ơi
Tùng Dương với Hò biển
Màn song ca rực lửa của Tùng Dương và Siu Black trong Ly cà phê Ban Mê