Gia đình hoàng gia Thái Lan, từ trái sang: công chúa (người quỳ), vua, hoàng hậu và hoàng thái tử. Ảnh: zenjournalist.com |
Ông Bhumibol, 86 tuổi, sốt cao và bị chẩn đoán nhiễm trùng máu nên các bác sĩ yêu cầu ông ở lại Bệnh viện Siriraj để được điều trị đặc biệt.
Thông báo từ văn phòng ngự tiền Hoàng gia Thái cho hay sau khi uống thuốc, huyết áp của nhà vua ổn định lại và ông đã hạ sốt. Tuy nhiên hiện không rõ nhà vua sẽ phải ở lại bệnh viện trong bao lâu.
Ngày 15/9, ông Bhumibol vừa xuất viện sau hơn một tháng điều trị bệnh bao tử. Nhà vua cũng ở bệnh viện này trong gần 4 năm từ năm 2009 tới tháng 8/2013 vì nhiều chứng bệnh khác nhau.
Ông hiếm khi xuất hiện trước công chúng kể từ năm 2013. Ông thường sống ở điện Klai Kangwon, hay “Dưỡng tâm điện” ở thị trấn ven biển Hua Hin, cách Bangkok 200km về phía nam.
Nhà vua rất được tôn sùng ở Thái Lan, nhưng ông đã không lên tiếng trong cuộc khủng hoảng chính trị gần nhất ở nước này vào tháng 11/2013 khi các nhóm đối lập xuống đường đòi Thủ tướng Yingluck Shinawatra từ chức.
Cuộc khủng hoảng kết thúc bằng màn đảo chính quân sự không đổ máu hôm 22/5.
Sau 68 năm trị vì, nhà vua Bhumibol hiện là vị quân chủ có thời gian ở ngôi dài nhất còn sống. Hình ảnh ông xuất hiện ở khắp mọi nơi tại Thái Lan, từ những tấm biển lớn ở sân bay, tới các bức tường của những quán bar ở Pattaya.
Trong một cuốn sách vừa xuất bản, A kingdom in crisis (Một vương quốc trong khủng hoảng), tác giả người Scotland Andrew MacGregor Marshall cho rằng những bất ổn chính trị ở Thái Lan trong thời gian qua có liên hệ trực tiếp tới câu hỏi ai sẽ là người kế vị ông Bhumibol.
Đông cung thái tử hiện giờ, Vajiralongkorn, không đủ uy tín vì thói ăn chơi trác táng nên bị coi là một tay chơi nhiều hơn là một nhà vua tương lai.
Được cho là người thân cận với thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra, ông Vajiralongkorn không được lòng tầng lớp ưu tú, quý tộc và giàu có của Thái Lan, những người muốn em gái ông, công chúa Sirindhorn, lên kế vị, theo Marshall.
Marshall từng làm phóng viên cho Hãng Reuters trong 17 năm, là người rất am hiểu Hoàng gia Thái Lan. Ông xin thôi việc vào tháng 6/2011 sau khi Reuters từ chối đăng loạt bài nhạy cảm của ông về Hoàng gia Thái, nơi vẫn áp dụng luật về tội khi quân trừng phạt nghiêm khắc những ai phỉ báng hoàng tộc.
Các tư liệu của Marshall bao gồm hàng trăm công hàm ngoại giao mật của Mỹ bị tiết lộ trên WikiLeaks. Một trong số đó, dẫn lời đại sứ Mỹ tại Thái Lan từ 2004 tới 2007 Ralph Leo Boyce, nói “nhà vua sẽ không thể trị vì mãi, và Thaksin từ lâu đã đầu tư vào tương lai của thái tử”.
Không chỉ bởi các đấu đá chính trị, vì nhiều lý do, Hoàng gia Thái Lan vốn là một định chế quan trọng của đất nước song đã giảm bớt vai trò trong thời gian qua.
Luật về tội khi quân cũng cản trở quá trình thừa kế có thể diễn ra suôn sẻ. Do không ai dám nói về việc nhà vua sớm muộn rồi sẽ băng hà. Quá trình thừa kế trở thành một "điểm tối" bí ẩn không có tranh luận, đánh giá hay đồng thuận ở trong dân chúng lẫn giới cầm quyền.
Tài sản khổng lồ của hoàng tộc cũng là một vấn đề phức tạp khác. Forbes nói gia đình hoàng gia sở hữu khối tài sản 30 tỉ USD, nhưng Marshall cho rằng con số còn lớn hơn thế.
“Hoàng gia Thái Lan hết sức giàu có, kiểm soát khoảng 40 tỉ USD tài sản, đó là ước tính thận trọng. Vì thế ở khía cạnh nào đó, cuộc khủng hoảng Thái Lan chính là cuộc chiến quyết định ai trở thành vị quân chủ tiếp theo” - Marshall bình luận.