Nhà tù nhốt hơn 1 vạn phạm nhân khủng bố IS ở Syria: Tiềm ẩn nguy cơ vượt ngục

GD&TĐ - Cuộc khủng hoảng nhà tù ở Đông Bắc Syria là một sản phẩm của cuộc chiến chống IS. Khi nhóm khủng bố này bị đánh lui, mất dần quyền kiểm soát những dải lãnh thổ cuối cùng tại Syria hồi tháng 3, các chiến binh Kurd từ đó phải chịu trách nhiệm về số phận của khoảng 11.000 nam giới và hàng chục nghìn phụ nữ, trẻ em.

Tù nhân đông đến nỗi không có đủ chỗ cho tất cả nằm xuống
Tù nhân đông đến nỗi không có đủ chỗ cho tất cả nằm xuống

Nhiều người trong số đó là người nước ngoài, từ châu Âu, châu Á, châu Phi và các nước Ả rập. Hầu hết các quốc gia này lại từ chối hồi hương các phần tử “thánh chiến”, kể cả đưa chúng ra xét xử hoặc cho tái hòa nhập xã hội vì lo sợ mầm mống của những tư tưởng cực đoan và nguy cơ bị tấn công khủng bố.

Họ chọn cách để nghi phạm IS bị giam giữ bởi người Kurd ở Đông Bắc Syria, bất chấp lực lượng này vốn đã thiếu nguồn lực để nuôi sống và bảo vệ tù nhân, lại càng khó có khả năng bảo đảm giáo dục và đời sống cho các tù nhân trẻ em. Khi chiến dịch quân sự do Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành đang làm suy yếu quyền kiểm soát của người Kurd trên toàn khu vực, nguy cơ hàng ngàn tay súng IS bị người Kurd giam giữ trốn thoát đã gây ra nhiều lo ngại.

Các tù nhân ngồi la liệt kín sàn nhà, mặt đầy tuyệt vọng. Nhiều người mất mắt hoặc cụt chân tay, một số gầy gò ốm yếu vì bệnh tật, và hầu hết đều mặc áo liền quần màu cam giống với quần áo mà khủng bố IS từng bắt các tù nhân của chúng phải mặc trước khi giết hại họ.

Trên tầng của nhà tù là hai phòng giam le lói chút ánh sáng trời, hơn 150 đứa trẻ - khoảng từ 9 -14 tuổi - chen chúc với ánh nhìn ngơ ngác. Cha mẹ chúng đưa các em đến Syria, và cuối cùng đã chết hoặc cũng bị giam giữ. Những đứa trẻ này đã ở đây nhiều tháng, không hay biết người thân của mình đang ở đâu và tương lai ra sao.

Đó là những hình ảnh mà phóng viên tờ New York Times (Mỹ) ghi nhận trong chuyến đi hiếm hoi đến hai nhà tù giam giữ các nghi phạm chiến binh IS ở Đông Bắc Syria mới đây. Những cảnh tượng diễn ra tại nơi đây cho thấy, sự khủng khiếp của một cuộc khủng hoảng pháp lý và nhân đạo mà phần lớn thế giới đang làm ngơ.

“Chúng tôi chắc chắn 100% rằng nếu những tù nhân này có cơ hội trốn thoát thì điều đó sẽ rất nguy hiểm. Việc giam giữ những người này ở đây không chỉ là mối nguy hiểm với Syria, mà với cả thế giới”, ông Can Polat, cai tù tại một trại giam hơn 5.000 người cho biết.

Cơ sở nhà tù của ông Polat vốn là một viện công nghiệp, hiện giam giữ trên 5.000 người. 1/4 trong số họ là người Syria, số còn lại đến từ 29 quốc gia, bao gồm Iraq, Libya, Ai Cập, Afghanistan, Hà Lan và Mỹ.

Các lính gác người Kurd ở đây cho rằng hầu hết các nam giới trong trại là chiến binh và vẫn đi theo tư tưởng của IS. Tuy nhiên bản thân các tù nhân lại phủ nhận vai trò của họ trong tổ chức khủng bố khét tiếng nhất thế giới này.

Một người đàn ông Palestine bị gãy chân cho biết anh ta đến Syria vì “muốn giúp đỡ”. Một thợ máy từ Trinidad cho hay anh không hề chiến đấu vì được giao sửa chữa các loại xe. Một tù nhân cơ bắp người Nga thì khẳng định anh ta chỉ là đầu bếp tại một trường tiểu học.

Đa số họ không nhận là chiến binh mong được trở về quê nhà và hy vọng được ân xá. Tại một phòng khác, nơi giam giữ 99 tù nhân, hầu hết mất chân tay, anh thanh niên Abdelhamidal-Madioum cho biết là người Mỹ, sống gần thành phố Minneapolis. Anh ta đến Syria để tìm hiểu về y dược.

Nhưng chỉ vài tháng sau khi tới đây, trong một cuộc oanh kích, Abdelhamid đã bị mất cánh tay phải. Khi Abdelhamid bị chiến binh Kurd bắt giữ đầu năm nay, vợ anh bị bắn chết, còn anh thì mất liên lạc với hai cậu con trai nhỏ, mới chỉ 2 và 4 tuổi. “Tôi đã sai lầm. Tôi thừa nhận đã sai lầm cả nghìn lần”, Abdelhamid đau đớn nói.

Hiện vẫn chưa rõ lý do một số thiếu niên bị giam giữ trong nhà tù của ông Polat, trong khi hầu hết con cái của các nghi phạm IS đã được đưa tới các trại giam khác. Theo các tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc về hoạt động tư pháp với thiếu niên, thì ngay cả những nghi can vị thành niên cũng chỉ bị giam giữ khi đó là “biện pháp cuối cùng và chỉ trong một thời gian ngắn nhất có thể” khi chờ xét xử.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.