Nhà trưng bày tượng sáp nghệ sĩ còn nhiều bất cập

GD&TĐ - Tại lầu 2-3-4 nhà hát Hòa Bình TP.HCM, Nhà trưng bày tượng sáp nghệ sĩ Việt Nam đã chính thức ra mắt công chúng. Nhưng mới chỉ hoạt động từ tháng 4/2017, Nhà trưng bày tượng sáp đã phải đứng trước nguy cơ... đóng cửa. 

Sau một thời gian Nhà trưng bày tượng sáp đi vào hoạt động, nhiều lời bàn tán về tiêu chí chọn người để làm tượng, nhiều ý kiến khen chê về mức độ giống và toát ra thần thái của nghệ sĩ.
Sau một thời gian Nhà trưng bày tượng sáp đi vào hoạt động, nhiều lời bàn tán về tiêu chí chọn người để làm tượng, nhiều ý kiến khen chê về mức độ giống và toát ra thần thái của nghệ sĩ.

Dự án dựng hơn 100 tượng sáp nghệ sĩ Việt đang oằn vai gánh chi phí thuê mặt bằng, bảo trì... trong khi khán giả mua vé ít ỏi.

Cái khó bó cái khôn

Đây là một trong những dự án của Công ty cổ phần Tượng sáp Việt nhằm ghi nhận sự hiện diện đáng quí của nhiều thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà văn hóa đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp văn học nghệ thuật nước nhà ở các lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, ca múa nhạc, thời trang. Tiêu chí hướng đến công chúng, chọn lựa những gương mặt nghệ sĩ được khán thính giả yêu mến, đã có hơn 150 văn nghệ sĩ hưởng ứng làm tượng sáp với tổng kinh phí hơn 35 tỷ đồng.

Mặc dù Nhà trưng bày đón tiếp khoảng 100 khán giả mỗi ngày, nhưng với mức giá vé 100 nghìn đồng cho một người lớn, hoạt động bán vé chưa đủ bù đắp chi phí dự án, nếu không muốn nói là đang lỗ nặng. Nhà tổ chức từng nghĩ ra "chiêu" giảm giá, khuyến mãi cũng không thu hút được công chúng.

Không thu hút được công chúng, Nhà trưng bày tượng sáp nghệ sĩ Việt Nam còn đang gánh trên vai khoản lỗ cực lớn. Các nghệ nhân chia sẻ, thời gian tới, họ vẫn phải tiếp tục bù lỗ để dự án hoàn thành như mong đợi. "Chúng tôi hy vọng, một lúc nào đó, khán giả xem nhà trưng bày là nơi để chiêm ngưỡng chân dung nghệ sĩ họ yêu thích và trải nghiệm một không gian giao lưu nghệ thuật".

Biết tình hình khó khăn hiện nay của nhà trưng bày, nhiều nghệ sĩ động viên nhóm tác giả cố gắng duy trì dự án văn hóa. Nhóm nghệ nhân tâm sự, họ không nghĩ đến việc huy động nguồn tài trợ vì muốn tự lực thực hiện theo kiểu: tiền nhiều thì làm nhiều và nhanh, kinh phí ít thì làm chậm, từ tốn hơn. Xem ra người trong cuộc mới nghĩ đến số lượng và tốc độ chứ chưa quan tâm vấn đề cốt lõi: chất lượng.

Mạnh ai người nấy... chỉnh sửa?!

Sau một thời gian Nhà trưng bày tượng sáp đi vào hoạt động, nhiều lời bàn tán về tiêu chí chọn người để làm tượng, nhiều ý kiến khen chê về mức độ giống và toát ra thần thái của nghệ sĩ. Theo BTC, sau khi nghe góp ý, hầu hết tượng nghệ sĩ đã được chỉnh sửa và cho trưng bày trở lại!

 Trong những ngày qua, các nghệ sĩ như NSND Lệ Thủy, NSND Hồng Vân, NSƯT Kim Xuân, NSƯT Tuyết Thu… cũng lần lượt đến gặp các nghệ nhân để thực hiện việc chỉnh sửa, chủ yếu chỉnh lại trang phục, trang điểm, đầu tóc tượng sáp. Cũng có những bức tượng nghệ nhân giữ mặt khá mộc để khán giả dễ nhận ra, nhưng nghệ sĩ yêu cầu phải... trang điểm đậm thêm để làm toát ra thần thái vai diễn được chọn làm tượng.

Một nghệ nhân cho biết: "Đây là mô hình mới nên công chúng có nhiều ý kiến khác nhau là điều bình thường. Tuy nhiên, chúng tôi hết sức tôn trọng nghệ sĩ. Và rất mong nghệ sĩ chịu khó hợp tác với chúng tôi đến khi nào ưng ý nhất. Nếu tượng nào không thể chỉnh sửa được, chúng tôi chấp nhận bỏ để làm lại cái mới”.

Những ai đã từng biết hoặc từng ghé thăm nền công nghiệp tượng sáp ở các nước trên thế giới, chắc rằng họ sẽ không khỏi ngán ngẩm với sản phẩm tượng sáp của nước nhà. Trên thế giới, việc chọn nhân vật để tạc tượng rất khắt khe. Nhân vật cần có cống hiến gì trong lĩnh vực của họ, đem lại gì cho nghệ thuật nước nhà, chứ không phải đơn giản là thích ai thì tạc chân dung đó. Một khán giả bày tỏ thẳng thắn: "Thật lòng, chỗ này có mở cửa miễn phí tôi cũng không vào, huống chi là mua vé. Làm tượng sáp để tôn vinh nghệ sĩ là điều tốt, nhưng phải biết chọn lọc những người xứng đáng, có nhiều cống hiến cho nghệ thuật. Đằng này cả những diễn viên hài nhảm, những ca sĩ hát xàm cũng được tạc tượng, đặt ngang hàng với những tên tuổi lừng danh trong lịch sử nghệ thuật nước nhà...".

Nhìn ra thế giới thì có thể thấy ngành tượng sáp luôn có sự đòi hỏi rất cao về chuyên môn, kỹ thuật, kinh nghiệm… Nhưng ở nước ta, các nghệ nhân chưa được qua trường lớp đào tạo nên càng phải nỗ lực học hỏi, hoàn thiện tay nghề. Hy vọng người trong cuộc sớm nhìn ra vấn đề cốt lõi để ngành chế tác tượng sáp đi đúng hướng, thu hút công chúng và ngày một phát triển, trở thành ngành công nghiệp tượng sáp tại Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ