Phóng viên thường trực của CNN Jim Acosta hét lên với ông Spicer: “Tại sao ông lại cho tắt hết camera đi hả ông Sean? Vì sao ông làm thế?”. Các phóng viên khác nhao nhao phản đối theo. Tiếp đó, Acosta chất vấn phát ngôn viên Spicer: “Người dân trả tiền thuế để ông làm phát ngôn viên cho chính phủ Mỹ. Ông có thể làm ơn ít nhất là giải thích giùm chúng tôi vì sao lại cho tắt hết camera?”.
Spicer cho biết, chỉ cho phép ghi âm các câu trả lời về dự luật sửa đổi hệ thống y tế của Tổng thống Donald Trump, phán quyết của Tòa Tối cao về lệnh cấm đi lại, và các đoạn tweet của ông Trump về cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Lệnh này thực ra không phải trong họp báo ngày 27/6 mới được đưa ra. Cách đây vài tuần, ông Spicer đã yêu cầu cấm tiệt các máy ghi hình trong các buổi họp báo Nhà Trắng.
Vào hôm 23/6 vừa qua, đài CNN đã cố tình gửi một họa sĩ chuyên vẽ phác họa tại các phiên tòa đến họp báo để ghi lại cảnh tượng nơi đây.
Việc tường thuật trực tiếp bằng truyền hình là điều được phép thực hiện tại các buổi họp báo Nhà Trắng kể từ thời của Tổng thống Bill Clinton vào thập niên 1990. Khi đó, thư ký báo chí Nhà Trắng Mike McCurry quyết định cho phép điều này nhằm tăng lượng người theo dõi sự kiện.
Thư ký báo chí Nhà Trắng hiện nay, Sean Spicer, phàn nàn rằng các phóng viên "làm bộ, làm tịch" quá nhiều trước ống kính camera và cho rằng ông chẳng có gì sai khi thay đổi thông lệ cho ghi hình.
Tuy nhiên, nhóm các phóng viên đưa tin về Nhà Trắng đã hối thúc ông Spicer cho phép truyền hình các buổi họp báo nhằm bảo vệ sự minh bạch và nền dân chủ lành mạnh.