Nhà sản xuất phim Đất rừng phương Nam đang 'lập lờ đánh lận con đen'?

GD&TĐ - Làm phim, dù là dã sử thì vẫn phải tôn trọng sự thật lịch sử, tôn trọng bối cảnh, các mốc thời gian, các sự kiện, các tổ chức, các nhân vật lịch sử…

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Những ngày qua, phim truyện điện ảnh “Đất rừng phương Nam” (Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng) khiến dư luận bức xúc bởi sự lập lờ trong nội dung cũng như cách truyền thông phim.

Bộ phim vốn được đặt lên một bệ phóng quá tốt. Đó là tác phẩm văn học của nhà văn Đoàn Giỏi cùng phim truyền hình “Đất phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn. Hàng triệu khán giả quan tâm đến bộ phim này xuất phát từ sự yêu mến tác phẩm văn học và phim truyền hình.

Không phủ nhận tác phẩm rất thành công về mặt giải trí. Song điều khán giả cảm thấy hẫng hụt, cảm thấy như bị lừa dối chính là ở bối cảnh lịch sử và sự phát triển các tuyến nhân vật trong phim.

Bối cảnh lịch sử của tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” là sau 1945, khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Còn trong phim điện ảnh cùng tên không có một dòng chữ nào xác định về mặt thời gian.

Các tổ chức “Thiên Địa Hội”, “Nghĩa Hòa Đoàn” xuất hiện trong phim, chi phối về nội dung và tuyến nhân vật là các tổ chức chống Pháp. Không hề có vai trò của Cách mạng. Điều này không đúng với chính sử.

Khi khán giả thể hiện những bức xúc của mình thì nhà làm phim giải thích rằng, bối cảnh phim là những năm 30 của thế kỷ 20, rằng phim không mang nhiệm vụ là tư liệu lịch sử. Nếu đã giải thích như thế, tại sao không nói rõ ngay từ đầu? Tại sao không chạy chữ trong phim? Tại sao trong hàng nghìn bài truyền thông cho phim không có lời nào tương tự? Tại sao vẫn quảng bá là phim lịch sử? Tại sao còn bám víu vào nguyên tác?

Các tổ chức kháng Pháp xuất hiện trong phim như “Thiên Địa Hội”, “Nghĩa Hòa Đoàn”, nếu đã khảo sát nghiên cứu đúng để làm phim, sao còn phải quyết định thay đổi tên, lồng tiếng lại sau cuộc họp với Cục Điện ảnh?

Làm phim, dù là dã sử thì vẫn phải tôn trọng sự thật lịch sử, tôn trọng bối cảnh, các mốc thời gian, các sự kiện, các tổ chức, các nhân vật lịch sử…

Sẽ không có ý kiến nào, nếu nhà làm phim sáng tạo ra một không gian nghệ thuật hoàn toàn mới, như đạo diễn phim “Avatar” đã tạo ra trong tác phẩm của ông. Khi đó, họ thỏa sức mà hư cấu.

Nhưng sự thật là ê-kíp thực hiện phim truyện “Đất rừng phương Nam” vẫn phải dựa vào một bệ đỡ là tác phẩm văn học “Đất rừng phương Nam”, một tác phẩm giàu giá trị lịch sử, giá trị hiện thực. Hồn vía của phim, hệ thống nhân vật trong phim bước ra từ nguyên tác đó.

Vậy thì anh không thể có quyền muốn hư cấu, chuyển dịch thế nào cũng được. Không thể dùng cụm từ “lấy cảm hứng” để nhập nhằng chiêu bài truyền thông, thu hút khán giả đến rạp.

Khán giả càng tranh luận, dòng người đổ đến rạp càng đông, lợi nhuận càng lớn. Và anh ngồi khoanh tay cười đắc ý vì họ đã “trúng mánh” của mình. Có phải vậy chăng, hỡi những nhà sản xuất phim truyện “Đất rừng phương Nam”?

Người làm nghệ thuật, làm truyền thông chân chính không bao giờ sử dụng chiêu trò đó. Vì nó không đẹp chút nào, mà ngược lại.

Khi đã “ăn theo” một nguyên tác thì đừng cho mình cái quyền xóa bỏ vai trò của nguyên tác, “lập lờ đánh lận con đen”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giờ thực hành của sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp (Đại học Thái Nguyên). Ảnh: Website nhà trường

Cần 'cú hích' cho đại học vùng

GD&TĐ - Dù đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ nhưng 30 năm qua, các đại học vùng vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.