Nhà tâm lý học tiến hóa Gordon Gallup khẳng định một cựu giáo sư ở trường đại học của ông xác nhận thí nghiệm lai tinh tinh - người từng được tiến hành thành công tại Orange Park, Florida, Mỹ, vào những năm 1920. Một con tinh tinh cái được thụ tinh nhân tạo bằng tinh trùng của con người trước khi mang thai và sinh ra một con non nửa người nửa tinh tinh.
"Họ thụ tinh cho một con tinh tinh cái với tinh dịch người lấy từ một người hiến tặng giấu tên và khẳng định nó không chỉ mang thai mà ca sinh còn diễn ra thuận lợi và cho ra đời con non còn sống. Nhưng chỉ vài ngày hay vài tuần sau, họ bắt đầu cân nhắc khía cạnh đạo đức và tiêu hủy con non", Sun dẫn lời Gallup.
Gallup cam đoan người đàn ông tiết lộ về thí nghiệm là một nhà khoa học đáng tin cậy từng làm việc ở Yerkes trước khi trung tâm nghiên cứu được dời tới Đại học Emory ở Atlanta, Georgia năm 1930.
Ví dụ sớm nhất và gây chú ý nhất về nỗ lực lai tinh tinh - người là công trình của nhà khoa học người Nga Ilya Ivanovich Ivanov, người tiến hành một loạt thí nghiệm nổi tiếng vào những năm 1920.
Ông dùng tinh trùng người để thụ tinh nhân tạo cho tinh tinh cái, nhưng không có cá thể nào mang thai. Ivanov cũng là tác giả của một số thí nghiệm gây tranh cãi sử dụng tinh trùng của loài linh trưởng nhưng dự án của ông bị đình chỉ và không bao giờ được thực hiện tiếp.
Năm 1958, tinh tinh Oliver được gọi là "tinh tinh người" do vẻ ngoài giống người một cách bất thường của nó. Nó có thể đứng thẳng bằng hai chân thay vì bò bằng bàn tay, có chiếc đầu hói với những đốm tàn nhang và chiếc mũi nhô cao. Nhưng một xét nghiệm ADN vào năm 1996 hé lộ Oliver có 48 nhiễm sắc thể, tương tự một con tinh tinh thông thường. Oliver chết năm 2012 ở tuổi 55.
Theo Gallup, có thể lai con người không chỉ với tinh tinh mà cả khỉ đột và đười ươi. "Con người và cả ba loài linh trưởng lớn đều có nguồn gốc từ một tổ tiên chung. Tôi cho rằng hai thuật ngữ phù hợp để chỉ loài lai khỉ đột - người và đười ươi - người là "hurilla" và "hurang""", Gallup nói.
Dù thừa nhận loài lai tinh tinh - người rất lý thú, Gallup không dám chắc cái giá phải trả cho thí nghiệm sinh học gây tranh cãi này có vượt quá những lợi ích hay không.