Nhà giàu Trung Quốc chi tiền lọc không khí... trong nhà

Tình trạng khói mù ở Trung Quốc, đặc biệt là Thủ đô Bắc Kinh ngày càng trầm trọng với cảnh báo cam hay đỏ.

Nhà giàu Trung Quốc chi tiền lọc không khí... trong nhà
Nha giau Trung Quoc chi tien loc khong khi... trong nha - Anh 1

Gia đình chị Jiang Wang lắp đặt hệ thống lọc không khí cho toàn bộ ngôi nhà lên đếngần 10 nghìn USD.

Tình trạng khói mù ở Trung Quốc, đặc biệt là Thủ đô Bắc Kinh ngày càng trầm trọng với cảnh báo cam hay đỏ được duy trì trong nhiều ngày liên tiếp, đặc biệt là trong những ngày mùa đông này. Ô nhiễm đang có nguy cơ gây bất ổn xã hội và có thể biến Bắc Kinh trở thành “hai thành phố” trên cùng một mảnh đất - nơi mà người giàu và kẻ nghèo không hít thở chung một bầu không khí.

Bỏ tiền mua sức khỏe

Điều đầu tiên mà chị Jiang Wang làm khi thức giấc mỗi sáng là kiểm tra xem liệu cô con gái mới 3 tháng tuổi của mình có đang được hít thở bầu không khí trong lành hay không. Kế đến mới là chuẩn bị bữa sáng với những món rau củ mua từ một trang trại hữu cơ. Rau quả được rửa bằng nguồn nước đã lọc qua thết bị xử lý riêng biệt đặt bên dưới bồn rửa bát. Tuy nhiên, nguồn nước này không phải để uống. Nước để uống là loại đóng chai nhập khẩu riêng, theo CNN.

Đó là những công việc mà chị Wang bắt đầu một ngày mới. Gia đình chị là một phần trong số ngày càng nhiều người dân Bắc Kinh đang cố bảo vệ cuộc sống của mình khỏi ô nhiễm môi trường cùng mối lo về an toàn thực phẩm.

Để đối phó với ô nhiễm, gia đình chị Wang lắp một hệ thống lọc không khí cho toàn bộ ngôi nhà, có giá lên tới 4.300 USD. Nó hoạt động như một máy lọc oxy, làm sạch không khí bên ngoài và bơm không khí vào trong nhà. Ngoài hệ thống chung này, cả 8 phòng trong nhà đều có một máy lọc không khí riêng, tổng trị giá 7.200 USD. Các máy lọc không khí này cần thay lõi lọc mỗi tháng 1 lần, với chi phí khoảng 430 USD. Máy lọc nước cho bồn rửa bát có giá khoảng 300USD và máy lọc vòi hoa sen có thể lên tới 1.000USD, theo JD - trang thương mại điện tử phổ biến của Trung Quốc.

Bên cạnh việc tự trang bị cho ngôi nhà một hệ thống lọc không khí tối tân, giới nhà giàu ở Bắc Kinh - thành phố có nhiều tỷ phú nhất thế giới, có thể mua những căn nhà có tích hợp sẵn hệ thống lọc không khí. Một căn hộ hai phòng ngủ ở khu phức hợp MOMA tại Bắc Kinh - nơi mỗi căn nhà được trang bị hệ thống lọc không khí - có giá lên tới 3 triệu USD. Nó đắt gần gấp 6 lần giá của một căn hộ thông thường có diện tích tương đương. “Rất đắt đỏ. Nhưng hãy nghĩ về sức khỏe, đó là thứ không gì có thể đánh đổi được”, chị Wang nói.

Một thành phố, hai bầu không khí

Tuy nhiên, đối với tầng lớp trung lưu và dân nghèo, thì những thiết bị gia đình tối tân hay mua một căn nhà có tích hợp sẵn hệ thống lọc không khí như kể trên nằm ngoài khả năng tài chính. Một người Bắc Kinh điển hình khó có thể mua được những thứ kể trên với mức thu nhập trung bình chưa đến 17 nghìn USD/năm, dù đây cũng là mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất ở Trung Quốc.

Barbara Finamore thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) của Mỹ cho rằng, ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh giờ đây không chỉ còn là vấn đề sức khỏe, mà nó còn là vấn đề đẳng cấp giàu - nghèo và nó sẽ giết chết những ai bị bỏ lại phía sau. Bắc Kinh có nguy cơ trở thành nơi có hai thành phố riêng biệt trên cùng một mảnh đất, nơi mà người giàu và người nghèo thậm chí không thở chung một bầu không khí.

“Những lo ngại về ô nhiễm không khí trên khắp cả nước đang đe dọa sự ổn định xã hội của Trung Quốc”, Finamore nói. Matthew Kahn, GS. kinh tế Đại học Nam California (Mỹ)cũng cho rằng, ô nhiễm không khí đang khoét sâu tình trạng bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo ở đô thị Trung Quốc: “Người giàu sống ở khu vực trong lành hơn của thành phố và vào những ngày không khí bị ô nhiễm nặng hơn, họ có thể lái xe đi làm, làm việc ở trong nhà, tiếp cận được với các bác sỹ giỏi hơn, họ mua căn nhà thứ 2 ở ngoại ô có những thiết bị lọc không khí hiệu quả và đắt đỏ”.

Trong những ngày cảnh báo đỏ về tình trạng khói mù, hình ảnh thường thấy nhất trên đường phố Bắc Kinh là những người dân đi lại với chiếc khẩu trang thông thường che kín miệng và mũi, chứ không phải là một chiếc mặt nạ phòng độc.

Không đủ khả năng tài chính để trang bị cho bản thân và gia đình những thiết bị lọc không khí tối tân, nhiều người đang cố bảo vệ mình theo một cách khác. Có người đặt mua không khí đóng hộp từ Anh với 115USD/chai. Có người mua kem chống ô nhiễm không khí với giá lên tới 100USD. Mặc dù tất cả những thứ này đều chưa thể kiểm chứng chất lượng, nhưng nó là liệu pháp tâm lý khiến người ta cảm thấy mình được bảo vệ.

Cuống quýt đối phó

Nghiên cứu của Khoa Môi trường Đại học Nam Kinh công bố tháng 11/2016 cho biết, nguy cơ từ ô nhiễm không khí đối với sức khỏe ngang bằng với khói thuốc lá. Trong số hơn 3 triệu trường hợp tử vong ở 74 thành phố của Trung Quốc, có tới 31,8% số trường hợp tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí.

Tình trạng ô nhiễm không khí tại Trung Quốc cũng được lột tả rất chân thực trong bộ phim tài liệu Dưới mái vòm. Bộ phim của Sài Tịnh - cựu PV về môi trường của Đài Truyền hình T.Ư Trung Quốc (CCTV) đã làm dậy sóng dư luận và thu hút hàng triệu lượt xem trực tuyến sau khi lần đầu ra mắt công chúng năm 2015. Tuy nhiên, bộ phim này bị các cơ quan kiểm duyệt “tuýt còi”, yêu cầu dỡ bỏ khỏi các trang web chia sẻ video của Trung Quốc.

Trung Quốc là nước có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới và cũng là nước phát thải lượng khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới. Nền kinh tế Trung Quốc thiệt hại hàng trăm tỷ USD mỗi năm do ô nhiễm. Điều này khiến Chính phủ phải vào cuộc quyết liệt. Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016 -2020) đã đẩy mạnh việc sử dụng các loại năng lượng sạch, năng lượng tái sinh, thay vì năng lượng truyền thống như than đá. Kế hoạch này đã được các địa phương, trong đó có Thủ đô Bắc Kinh hưởng ứng bằng việc sử dụng các loại năng lượng gió, năng lượng mặt trời và năng lượng địa nhiệt cho hệ thống sưởi ấm mùa đông.

Dù ít có tác dụng trong việc xua tan quan điểm rằng, Bắc Kinh đang ngày càng trở nên “khó sống”, nhưng kế hoạch đẩy mạnh năng lượng sạch cho thấy quyết tâm của Chính phủ Trung Quốc trong việc đối phó với tình trạng ô nhiễm.

Theo Giao Thông

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ