Riêng huyện Nông Cống lần đầu tiên có 7 người được nhận danh hiệu cao quý này. Trong số đó, cô Lê Thị Loan - Trường THCS Trần Phú đã nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn để phụ trách đội tuyển học sinh giỏi từ cấp huyện đến tỉnh đạt giải cao.
Trái ngọt từ tâm huyết, tri thức
Cô Lê Thị Loan (44 tuổi) - giáo viên môn Vật lý, Trường THCS Trần Phú (thị trấn Nông Cống). Gặp và trò chuyện với chúng tôi, nữ NGƯT 44 tuổi này khiêm tốn khi nói về những đóng góp sức lực, trí tuệ của mình cho ngành Giáo dục. Cô Loan chia sẻ, hơn 22 năm công tác, có nhiều thời điểm cuộc sống khó khăn, nhưng vì lòng yêu nghề, mến trò, bản thân đã nỗ lực vượt qua mọi thử thách để mang tri thức trao truyền cho các thế hệ học sinh.
“Danh hiệu NGƯT là mơ ước của nhiều người trong ngành Giáo dục. Bản thân thấy rất vui, xúc động khi nhận được danh hiệu cao quý này. Đây là sự ghi nhận đối với cá nhân, nhưng có sự đóng góp của tập thể vì đã tạo điều kiện cho tôi phấn đấu hết sức mình”, cô Loan chia sẻ.
Thầy Trần Văn Lưu - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú cho hay, từ năm 2013, cô Loan được điều động về công tác tại Trường THCS Trần Phú - ngôi trường trọng điểm của huyện. Tại đây, cô Loan đã bồi dưỡng 80 học sinh đoạt giải cấp huyện và 38 em đoạt giải cấp tỉnh. Đặc biệt, năm học 2021 - 2022, đội tuyển học sinh giỏi môn Vật lý lớp 9 huyện Nông Cống có 10/10 em đều có giải; hạng đồng đội xếp thứ Nhất toàn tỉnh.
Cũng theo thầy Lưu, nhiều học trò của cô Loan thi đỗ THPT với điểm số cao. Đó là em Đỗ Quang Minh (45 điểm) - thủ khoa đầu vào của Trường THPT Nông Cống 2 (năm học 2023 - 2024); em Đỗ Thúy Vân (44,6 điểm) là thủ khoa đầu vào Trường THPT Nông Cống 2 (năm học 2024 - 2025).
“Trong kỳ thi vào lớp 10 THPT hằng năm, các em trong đội tuyển học sinh giỏi Vật lý luôn có điểm thi nằm ở tốp đầu các trường THPT trên địa bàn huyện. Còn Kỳ thi tốt nghiệp THPT, các em trong đội tuyển học sinh giỏi Vật lý do cô Loan phụ trách cũng có kết quả cao; nhiều em đã và đang là sinh viên của những trường đại học tốp đầu cả nước…”, thầy Lưu chia sẻ.
Bí quyết giúp học trò giành giải cao
Khi được hỏi về khó khăn, vất vả trong công tác phụ trách đội tuyển dự thi học sinh giỏi các cấp, NGƯT Lê Thị Loan chia sẻ, vợ chồng đều là giáo viên, cùng ôn luyện học sinh giỏi, nên có thể đồng cảm, thấu hiểu cho nhau trong công việc. Tuy nhiên, vai trò này cũng đòi hỏi tâm sức, thời gian khá lớn.
Trong giai đoạn học sinh tập trung ở nội trú ôn luyện, giáo viên gần như ở trường cùng các em, không có thời gian dành cho gia đình. Các thành viên trong gia đình cô Loan chỉ gặp và trò chuyện trong bữa cơm trưa bởi cả 2 đến trường từ sáng và về nhà đã gần 11 giờ 30 phút, còn buổi tối là lúc 23 giờ, nhiều hôm muộn hơn. Bố, mẹ có mặt ở nhà thì các con đã ngủ.
“Công tác ôn đội tuyển học sinh giỏi thường kéo dài từ cuối tháng 3 đến gần hết tháng 12 nên học sinh, đặc biệt phụ huynh khá lo lắng về việc thi vào THPT. Cũng may, vợ chồng tôi ở cạnh ông bà ngoại nên được giúp đỡ cơm nước, chăm sóc con cái hằng ngày vì thế có thể tập trung tối đa việc ôn tập cho học trò”, nữ nhà giáo tâm sự.
Là người có thành tích cao trong công tác ôn luyện cho hàng chục học sinh giỏi đoạt giải cấp huyện, tỉnh, NGƯT Lê Thị Loan đã nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi phương pháp giảng dạy riêng để trao truyền kiến thức cho học trò hiệu quả nhất.
“Tôi thường dạy thật kỹ phần lý thuyết, giúp học sinh biết ứng dụng kiến thức trong thực tế cuộc sống. Về phần vận dụng, tôi dạy theo chủ đề và nâng dần độ khó. Kết thúc chủ đề, tôi cho các em làm bài kiểm tra để rà soát lại vướng mắc phần nào, từ đó có hướng bổ sung kịp thời. Vật lý là môn học tương đối khó, đòi hỏi tư duy cao, nếu giáo viên không có phương pháp dạy tốt, học sinh sẽ nản”, cô Loan bộc bạch.
Để thực hiện phương pháp ôn luyện hiệu quả nhất, cô Loan thường xuyên trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp cùng trường, huyện và các địa phương khác trong tỉnh. Ngoài ra, để động viên thầy, trò đội tuyển dự thi cấp tỉnh, UBND huyện đã đầu tư cơ sở vật chất cho nhà trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc ôn tập của học sinh. Các em theo đội tuyển sẽ có nơi ăn, chỗ ở bán trú từ tháng 9 đến cuối tháng 11 hằng năm và ở nội trú từ cuối tháng 11 đến khi thi.
UBND huyện cũng là cầu nối với Hội Khuyến học, các nhà hảo tâm để trao thưởng, động viên học sinh, giáo viên; tổ chức khen thưởng đột xuất giáo viên, học sinh đạt thành tích cao nhằm khích lệ tinh thần dạy và học của thầy, trò.
“Có được kết quả này là nhờ tập thể sư phạm nhà trường đã tạo điều kiện tốt nhất về thời gian để cô trò cùng hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài ra, phòng GD&ĐT đã tổ chức thi học sinh giỏi cấp huyện, chọn đội tuyển dự thi cấp tỉnh khoa học, phù hợp từng giai đoạn. Phòng đã tạo cơ hội cho giáo viên làm công tác ôn luyện được giao lưu với các huyện; chỉ đạo sát sao về chuyên môn, đặc biệt thường xuyên động viên học sinh, giáo viên giảng dạy...”, cô Loan tâm sự.
Ông Nguyễn Thái Sơn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nông Cống khẳng định: “Những giáo viên của huyện được phong tặng NGƯT đều là cốt cán chuyên môn của trường, ngành. Thầy cô luôn luôn tâm huyết, cầu thị, khiêm tốn, trách nhiệm cao với nghề; có ý tự học, bồi dưỡng để hoàn thiện bản thân.
Đặc biệt, họ luôn kiên trì tìm tòi, lựa chọn phương pháp dạy học mới, linh hoạt, tạo được sức hút với học trò để truyền đạt kiến thức. Họ cũng là những nhà giáo luôn gương mẫu trong chuyên môn, có tinh thần giúp đỡ đồng nghiệp cùng tiến bộ, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao...”, ông Sơn nói.
Trong đợt phong tặng danh hiệu NGƯT năm 2023, huyện Nông Cống có 7 thầy, cô đón nhận danh hiệu cao quý, gồm các cô: Trần Thị Khánh Toàn; Trương Thị Ngọc Hân (Trường THPT Nông Cống 1); thầy Nguyễn Đình Dũng; Nguyễn Văn Luân (Trường THPT Nông Cống 4); cô Lê Thị Loan; Lê Thị Hòa (Trường THCS Trần Phú); cô Đinh Thị Thúy (Trường THCS Trường Sơn).