Trên đường đi tìm đường cứu nước Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã phát hiện ra ở đâu cũng có kẻ áp bức và người bị áp bức. Người nhận thấy thực dân đi xâm lược Việt Nam nhưng nhà cầm quyền lại bưng bịt thông tin nên ngay cả ở nước Pháp cũng ít người biết được về Việt Nam và Đông Dương; họ chỉ biết chung chung là “có một xứ An Nam, xứ Đông Dương đâu đó trên thế giới”. Cho nên làm sao để cho người cần lao trên thế giới hiểu được họ đang bị áp bức bóc lột cũng như người dân Pháp hiểu hết được sự thật đang diễn ra ở Việt Nam thì phải có phương tiện để tuyên truyền, phải dùng truyền thông, đó là báo chí.
Từ đó, Người nhận ra báo chí là công cụ rất quan trọng, cần phải dùng báo chí để lên án, để bênh vực, để thức tỉnh đấu tranh. Là một người yêu nước, một nhà hoạt động cách mạng nên Người nhận biết được vị trí của báo chí là công cụ, là vũ khí để đấu tranh. Người đã đến với báo chí và viết nhiều bài báo tố cáo thực trạng ở Việt Nam, ở Đông Dương đăng trên các báo “Đời sống thợ thuyền”, “Nhân loại”...
Năm 1922, Người đã sáng lập ra tờ báo “Người cùng khổ”, một tờ báo cách mạng có tầm quốc tế nhằm tuyên truyền cho thế giới biết về nỗi cơ cực của người lao động, ở đâu họ cũng bị áp bức bóc lột. Số báo đầu tiên của báo “Người cùng khổ” ra mắt vào ngày 1/4/1922 được viết bằng ba thứ tiếng Pháp, Trung và Ả Rập. Thật là đặc biệt khi Hồ Chí Minh vừa là chủ bút, vừa là biên tập, vừa là phóng viên, là tác giả của nhiều bài viết ở nhiều thể loại, nhiều thứ tiếng, trong đó có nhiều bài viết và tranh châm biếm làm cho tờ báo thu hút được nhiều độc giả ở khắp nơi, ở mọi tầng lớp.
Báo “Người cùng khổ” đã qua tay các thủy thủ, vượt đại dương đến được với bạn đọc trong nước góp phần lan tỏa và khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần cách mạng của đồng bào ta.
Năm 1924, Người về Quảng Châu (Trung Quốc) mở lớp huấn luyện cán bộ cho cách mạng Việt Nam, thành lập tổ chức “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội” và ra đời tờ báo “Thanh niên” cơ quan ngôn luận của Hội. Báo “Thanh niên” số đầu tiên vào ngày 21/6/1925, từ đây cách mạng Việt Nam đã chính thức có được một tờ báo, một cơ quan ngôn luận chính thống. Với nội dung phong phú và uy tín của tờ báo, tính từ ngày 21/6/1925 đến tháng 4/1927 báo đã phát hành được 88 số bằng tiếng Việt. Cũng trong thời gian này Hồ Chí Minh đã lập ra báo “Công nông” (tháng 12/1926); báo “Lính cách mệnh” (tháng 2/1927). Những tờ báo do Người sáng lập ra đều có tiêu chí chung là lên án chủ nghĩa thực dân, kêu gọi đồng bào đứng lên đấu tranh giành độc lập; là công cụ để truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin về mục tiêu cách mạng đối với Việt Nam và các dân tộc thuộc địa; chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc thành lập Đảng Cộng sản, một đảng kiểu mới để lãnh đạo Nhân dân Việt Nam đứng lên đánh đổ ách áp bức thực dân Pháp và phong kiến giành độc lập, tự do và hạnh phúc cho Nhân dân đưa đất nước đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga. Hồ Chí Minh cũng là người sáng lập ra “Tạp chí đỏ” xuất bản tháng 6/1930. Người đã trực tiếp chỉ đạo và viết bài cho các báo của Đảng trong thời kỳ hoạt động bí mật như báo “Búa liềm”, báo “Tranh đấu”…
Đầu năm 1941, Hồ Chí Minh về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam nhằm chủ động nắm bắt thời cơ để giành chính quyền. Người đã nêu ra đường lối chiến lược với mục tiêu hàng đầu là giành độc lập dân tộc. Cùng với việc thành lập “Mặt trận Việt Minh”, Người đã lập ra báo “Việt Nam độc lập”, báo “Cứu quốc”. Các tờ báo này là cơ quan ngôn luận góp phần rất quan trọng trong việc tuyên truyền, giác ngộ, thức tỉnh tinh thần dân tộc và kêu gọi đồng bào cả nước đoàn kết chung quanh Mặt trận Việt Minh vượt qua mọi khó khăn, chuẩn bị các điều kiện trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và chớp thời làm Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đánh đổ thực dân phong kiến giành chính quyền về tay Nhân dân.
Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (năm 1951) báo “Sự thật” đổi tên thành báo “Nhân dân” (ra số đầu vào ngày 11/3/1951) là cơ quan ngôn luận chính thức, gần gũi, sâu rộng trong việc tuyên truyền đường lối chủ trương và định hướng dư luận của Đảng Lao động Việt Nam. Bác Hồ là người công tác cộng tác viên, là độc giả rất đặc biệt của báo Nhân dân. Chỉ tính từ ngày 11/3/1951 đến 01/6/1969 báo Nhân dân đã đăng 1205 bài viết của Người với 23 bút danh khác nhau.
Hồ Chí Minh là một nhà báo quốc tế lỗi lạc, với Người cầm bút viết báo cũng như cầm vũ khí để chiến đấu cho sự nghiệp cách mạng. Thật vinh dự và tự hào cho đội ngũ những người làm báo Việt Nam có được một người đồng nghiệp tiền bối là nhà cách mạng thiên tài, lãnh tụ Hồ Chí Minh. Trong thời đại thông tin bùng nổ hiện nay, tấm gương của nhà báo Hồ Chí Minh từ sự nghiệp làm báo cách mạng đến mục đích, nội dung, phong cách viết; đến tính trung thực, tính khách quan, tính quần chúng và đặc biệt là động cơ ý thức và đạo đức người làm báo đang rất là thời sự và mang tầm thời đại.
Đây cũng chính là tài sản vô giá mà nhà báo Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc, cho các thế hệ làm báo của chúng ta. Trước những biến động của thời cuộc, cũng như sự phát triển đa dạng, muôn màu nhiều chiều của thông tin mạng và báo chí hiện nay tấm gương của nhà báo Hồ Chí Minh vẫn còn có ý nghĩa thời sự để đội ngũ những người làm báo nước nhà có đủ bản lĩnh, vững vàng, tự tin, sáng tạo góp phần xứng đáng vào công cuộc đổi mới đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình, phát triển “sánh vai cùng với các cường quốc năm châu”.