Nguyễn Thị Ánh Viên: Kình ngư ở “ao làng”

GD&TĐ - Ánh Viên đang sa sút phong độ trầm trọng. Sự kỳ vọng trở thành một trong những nữ kình ngư hàng đầu thế giới của “tiểu tiên cá” ngày càng xa vời, trong khi áp lực giành thật nhiều HCV SEA Games tiếp tục được đoàn thể thao Việt Nam đặt lên vai cô.

Ánh Viên được giao chỉ tiêu giành 8 HCV SEA Games. Ảnh: ITN.
Ánh Viên được giao chỉ tiêu giành 8 HCV SEA Games. Ảnh: ITN.

Thất bại nặng nề

Giành 8 HCV, phá 8 kỷ lục SEA Games 2015, Nguyễn Thị Ánh Viên từng là hiện tượng kỳ lạ trên đường đua xanh không chỉ của khu vực Đông Nam Á. Thậm chí, truyền thông Singapore, còn đặt cho Ánh Viên biệt danh “Iron Girl” (Cô gái thép).

Hai năm trước, Ánh Viên tiếp tục đoạt 8 HCV SEA Games cho đoàn thể thao Việt Nam. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, Ánh Viên liên tục gây thất vọng ở những sân chơi lớn.

“Tiểu tiên cá” đã thất bại nặng nề tại Giải vô địch thế giới 2019. Ở nội dung sở trường 400m hỗn hợp cá nhân, tuyển thủ Việt Nam xếp hạng 19 với thời gian 4 phút 47 giây 96, không đạt chuẩn D vòng loại Olympic 2020.

Nội dung còn lại, 200m hỗn hợp cá nhân, Ánh Viên đứng thứ 26 với thời gian 2 phút 17 giây 79, thành tích kém nhất của cô kể từ năm 2013. Trước đó, Ánh Viên đã không giành được huy chương trong số 6 nội dung thi đấu tại Giải Pro Swim Series Clovis 2019 (Mỹ). So với những năm trước, cũng ở các giải trình độ tương tự, Ánh Viên luôn giành được từ 2 - 4 HCV.

Ánh Viên luôn nằm trong nhóm VĐV được đầu tư trọng điểm của thể thao Việt Nam, nhưng cô đã không thể giành HCV tại ASIAD 2018 như kỳ vọng khi chỉ về thứ 5 ở phần thi chung kết 400m hỗn hợp.

Nhìn nhận về phong độ Ánh Viên, ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho biết: “Năm nay, Ánh Viên tập trung chủ yếu vào SEA Games, kế hoạch đặt ra là duy trì thành tích giống như các kỳ đại hội trước (giành 8 HCV – PV)”.

Trong khi đó, nhìn sang Singapore, đội tuyển bơi của họ có chiến lược cực kỳ khoa học cho Joseph Schooling. Năm 2015, kình ngư này giành 9 HCV, nhưng 2 năm sau đó anh chỉ có được 4 HCV.

Thay vì chạy đua giành nhiều HCV, Schooling được đầu tư mạnh chỉ tập trung vào nội dung bơi bướm sở trường để rồi vượt qua huyền thoại Michael Phelps giành HCV nội dung 100m bướm nam tại Olympic Rio 2016, trước khi đoạt 2 HCV tại ASIAD 2018.

Có nhiều nguyên nhân, góc nhìn về phong độ nghèo nàn, xuống dốc không phanh của Ánh Viên. Nhiều chuyên gia cho rằng, căn bệnh thành tích của ngành thể thao buộc tài năng của bơi lội Việt Nam phải tham dự dàn trải nhiều nội dung và áp lực giành HCV khiến cô không còn duy trì được phong độ, cải thiện thành tích thi đấu.

Theo thống kê, năm 2013, Ánh Viên giành 3 HCV SEA Games. Hai năm sau, cô “vinh dự” được đoàn thể thao Việt Nam đăng ký tham gia 19 nội dung và đã giành 8 HCV, phá 8 kỷ lục để đi vào lịch sử SEA Games. Đến SEA Games 2017, kình ngư Việt Nam tiếp tục giành thêm 8 HCV.

19 HCV trong 3 kỳ SEA Games, kỷ lục khó phá, nhưng đó là sân chơi Đông Nam Á, “vùng trũng” của thể thao thế giới. Ngoài ra, Ánh Viên còn phải hoàn thành nhiệm vụ với đoàn thể thao quân đội ở các giải quốc gia. Vậy là kình ngư Ánh Viên đã đạt đẳng cấp châu Á vẫn phải dừng tập huấn ở Mỹ để về nước “gom Vàng” cho đơn vị chủ quản.

Từ đó, Ánh Viên luôn thất bại mỗi khi bước vào giải đấu châu lục hoặc thế giới, cho dù nữ tuyển thủ Việt Nam xuất phát rất ấn tượng, giành những tấm huy chương lịch sử tại Olympic trẻ hay ASIAD (năm 2014), World Cup 2015 hay Giải vô địch châu Á năm 2016.

Tiểu tiên cá tiếp tục “gánh team”

Đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 30 dự kiến sẽ có 858 thành viên, tranh tài 43/56 môn và phân môn với chỉ tiêu 70 - 72 HCV, nằm trong top 3 toàn đoàn.

Bộ môn bơi được Tổng cục TDTT giao chỉ tiêu phấn đấu đạt từ 11 - 14 HCV tại SEA Games 30. Riêng “tiểu tiên cá” Ánh Viên tiếp tục gánh trên vai trọng trách 8 HCV.

“Tiểu tiên cá” của bơi lội Việt Nam liên tục thất bại ở những giải đấu lớn. Ảnh: ITN.

Thể thao Việt Nam có trụ được trong top 3 SEA Games 2019 hay không, phụ thuộc khá lớn vào… Ánh Viên. Thế nên, người ta không ngạc nhiên khi không chỉ ông Vương Bích Thắng mà nhiều quan chức, lãnh đạo của bơi lội Việt Nam vẫn tràn đầy lạc quan về Ánh Viên. Họ xác định điểm rơi phong độ của cô là giải đấu “ao làng” SEA Games chứ không phải sân chơi đẳng cấp thế giới.

Mặc dù vậy, Ánh Viên đang phải đối mặt với không ít khó khăn. Những thất bại liên tiếp, gần đây là Giải vô địch bơi lội thế giới ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm lý thi đấu của cô. Sau thất bại ở giải thế giới, rất nhiều sức ép và sự chỉ trích bủa vây kình ngư này.

Thậm chí có thời điểm, HLV Đặng Anh Tuấn chia sẻ về chuyện Ánh Viên bị trầm cảm: “Chúng tôi phải nhờ bác sĩ tâm lý điều trị trong suốt 3 tháng. Do áp lực về thành tích, Ánh Viên dần rơi vào trạng thái trầm cảm khiến em ấy không còn là chính mình”.

Ánh Viên phải vắt kiệt sức thi đấu nhiều nội dung, giành nhiều HCV để hoàn thành chỉ tiêu, nhằm làm thỏa mãn căn bệnh thành tích. Vậy nên, rất có thể kình ngư Ánh Viên giành 8 HCV SEA Games 2019 như chỉ tiêu nhưng cô sẽ thất bại ở những giải đấu lớn, trước mắt là cuộc đua đến Olympic 2020.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các xạ thủ phòng không Ukraine thuộc Lữ đoàn cơ giới 93.

Tham nhũng khiến binh sĩ vỡ trận?

GD&TĐ - Theo chuyên gia Vadim Kozyulin, nạn tham nhũng đang đẩy nhanh cuộc rút lui của quân đội Ukraine hơn là tình trạng thiếu vũ khí hiện nay.