Nguyên tắc Merkel - chủ nghĩa thực dụng kiểu Đức

Nguyên tắc Merkel - chủ nghĩa thực dụng kiểu Đức

(GD&TĐ) - Cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra vào ngày 22/9 đã mang về chiến thắng áp đảo cho Angela Merkel. Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của bà đã giành được trên 42% số phiếu - một kết quả cao nhất của đảng này kể từ khi nước Đức thống nhất. Chiến thắng của CDU đồng nghĩa với việc Angela Merkel lần thứ 3 sẽ ngự trị trên ngôi vị Thủ tướng nước Đức. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, với chủ nghĩa thực dụng của Merkel, các nước Eurozone khó có cơ hội “xơ múi” gì?

Nước Đức một lần nữa chọn Merkel

Trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội Đức ít người tin rằng CDU của bà Merkel lại có thể thất bại. Dư luận chỉ có thể phân vân rằng CDU chiến thắng với tỷ lệ bao nhiêu. Nguyên nhân hết sức đơn giản - các cuộc thăm dò và đánh giá trước thềm cuộc bầu cử đều cho cùng một kết quả: Angela Merkel chiến thắng. Với kết quả 42% số phiếu và bỏ xa đảng về thứ 2 - Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) được 25,5% số phiếu.

Đảng Dân chủ Tự do (FDP) của Phó Thủ tướng Đức gốc Việt Philipp Roesler chỉ giành được 4,8% số phiều bầu - một kết quả thấp nhất trong lịch sử của đảng này. Như vậy, đây là lần đầu tiên FDP vắng mặt trong Quốc hội Đức kể từ thế chiến thứ II. Hãng truyền thông DW vừa đưa tin, Chủ tịch Philipp Roesler đã tuyên bố từ chức ngay sau cuộc bầu cử một ngày. Như vậy, Angela Merkel nghiễm nhiên trở thành Thủ tướng Đức nhiệm kỳ 3. 

Trên thế giới không ít nữ nguyên thủ quốc gia đã chứng minh chân lý vốn tồn tại lâu đời rằng lãnh đạo không phải là việc của đàn bà. Corazon Aquino ở Philippine và Megawati Sukarnoputi ở Indonesia là một ví dụ. Tuy nhiên cũng có những nữ nguyên thủ quốc gia mà mỗi khi nhắc đến người đời phải thốt lên: Đấy không phải là phụ nữ mà là cái gì đó “sắt thép”. Indra Gandhi ở Ấn Độ và Margaret Thatcher ở Anh là những người như vậy.

Angela Merkel là trường hợp đặc biệt - một người đàn bà thông minh lãnh đạo đất nước. Thực tế cho thấy, Merkel không có scandal, không phải “chiến đấu” với bất kỳ ai và không bao giờ phải “hạ bệ” bất cứ đối thủ chính trị nào trong những cuộc tranh cãi trước thềm cuộc bầu cử. Thủ tướng Đức và đảng của bà lắng nghe ý kiến của đối thủ - Đảng Dân chủ Xã hội - về  mức lương tối thiểu, về cho phép hôn nhân đồng tính và đồng ý với họ rồi biến những ý tưởng này thành hiện thực trong cuộc sống của nước Đức. Khi đó, cử tri bầu cho những người Dân chủ Xã hội làm gì?

Angela Merkel cũng nhất trí với các nhà lãnh đạo đảng “Xanh” rằng phải đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ nước Đức sau thảm họa mang tên Fukushima ở Nhật. Và sau đó, đảng “Xanh” không còn là đối thủ chính trị “cứng đầu, cứng cổ” của CDU. Các đồng nghiệp cũng như đối thủ của Angela Merkel đều phải thừa nhận thành công của nữ Thủ tướng Đức chính là năng lực chuyên nghiệp, sự gần gũi với nhân dân và hoàn toàn không có tham vọng về tài chính và vật chất. Ngoài ra, còn phải kể đến “quá khứ XHCN” của Angela Merkel.

Theo các nhà phân tích, thành công của CDU trong cuộc bầu cử Quốc hội lần này là nhờ uy tín của Angela Merkel. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế đã cuốn trôi 19 nhà lãnh đạo của EU, Angela Merkel vẫn bình chân như vại. Sau 8 năm chèo lái của bà, Đức luôn là “đầu tàu kinh tế”, là “niềm hy vọng” của châu Âu: Tỷ lệ thất nghiệp ít nhất, tăng trưởng kinh tế cao nhất, nợ công ít nhất...

x
Angela Merkel trong niềm vui ngày chiến thắng

Eurozone chờ đợi gì ở Angela Merkel?

Theo các nhà phân tích, người Đức một lần nữa chọn Merkel bởi bà là biểu tượng của chủ nghĩa thực dụng kiểu Đức. Trong suốt chiều dài cuộc khủng hoảng nợ công ở Eurozone, kể cả những lúc Hy Lạp dọa ra khỏi tổ chức này làm Eurozone có nguy cơ tan rã, Merkel luôn trung thành với quan điểm phải “thắt lưng buộc bụng”. Quan điểm này có thể làm các nước Eurozone khó chịu nhưng lại làm nức lòng người dân Đức.

Với chủ nghĩa thực dụng kiểu Đức, các nhà phân tích tin rằng, cuộc bầu cử Quốc hội Đức lần này không mang lại bất kỳ ảnh hưởng “tích cực” nào đến việc khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng nợ công ở Eurozone. Michael Braeuninger - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thuộc Viện kinh tế thế giới Hamburg nhận định: “Tất cả các đảng lớn ở Đức đều thống nhất: Eurozone cần phải giữ như hiện nay”. Michael Braeuninger thừa nhận, đối với Eurozone và các chính sách châu Âu của Đức không quan trọng ai là Thủ tướng: Bà Merkel hay ông Steinbrruck. 

Các chuyên gia cũng cho rằng, kết quả bầu cử ở Đức không ảnh hưởng đến tiến trình cải cách mà Eurozone tiến hành nhằm chống lại cuộc khủng hoảng. Vào tuần trước Nghị viện châu Âu thông qua dự luật về giám sát các ngân hàng của khối Eurozone. Hệ thống giám sát này là bước đi đầu tiên trong quá trình hình thành một hệ thống ngân hàng thống nhất ở EU. Tuy nhiên, chính phủ của bà Merkel tuyên bố rằng việc tạo ra một cơ chế phục hồi chức năng duy nhất của các ngân hàng trong Uỷ ban châu Âu “không đáp ứng được những yêu cầu của Đức” và nó vượt khỏi tầm kiểm soát của cơ quan hành pháp EU.

Như vậy, bất cứ chính phủ nào nắm quyền ở Đức cũng sẽ hết sức thận trọng để bảo vệ lợi ích của mình - Giáo sư Học viện Tài chính Frankfurt Horst Lehel khẳng định. 

“Xin lỗi! chúng tôi là người Đức!”. 

Vâng, tiền đóng thuế của người Đức không thể là…vỏ hến!

Duy Long (TH) 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ