Nguyễn Du viết về người thân

GD&TĐ - Lâu nay, chúng ta ít quan tâm đến thơ viết về người thân của Nguyễn Du. Đây thật sự là một thiếu sót. Bởi qua những vần thơ cảm động viết về cha, anh em, vợ con của Nguyễn Du, ta có thể hiểu thêm nhiều phương diện quan trọng trong tư tưởng, tình cảm của đại thi hào.

Tượng Đại thi hào Nguyễn Du ở Khu lưu niệm cụ thuộc làng Tiên Điền, xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh minh họa (Nguồn IT):
Tượng Đại thi hào Nguyễn Du ở Khu lưu niệm cụ thuộc làng Tiên Điền, xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh minh họa (Nguồn IT):

Trong thơ chữ Hán, Nguyễn Du nói về người thân của mình khá nhiều (hơn 11 lần/ 250 bài thơ). Hơn thế nữa, đó đều là những vần thơ gây ấn tượng sâu sắc. 

Nỗi ám ảnh cách trở, tan lạc, đói nghèo

Trước hết, người thân trong thơ ông thường được nhắc đến trong tình cảnh li tán, cách trở, bặt vô âm tín: Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán ([quê nhà] Hồng Lĩnh không còn nhà, anh em tan lạc; bài “Quỳnh Hải nguyên tiêu”); Hồng Lĩnh thân bằng nhật tiệm dao ([ở] Hồng Lĩnh, người thân bạn bè ngày càng xa mãi; Lạng thành đạo trung); Cố hương đệ muội âm hao tuyệt/ Bất kiến bình an nhất chỉ thư (Các em nơi quê nhà bặt âm tín/ Không thấy một lá thư báo cho biết bình an; Sơn cư mạn hứng)…

Trong thơ Nguyễn Du, nỗi cách trở, tan lạc là một ám ảnh thưởng trực. Viết về gia đình, ta hầu như không thấy nhà thơ nói đến những phút giây sum vầy, đầm ấm. Thay vào đó là không gian chia lìa và nỗi niềm lưu lạc. Có lẽ, hơn nửa đời phiêu bạt khắp góc biển chân trời (Cường bán xuân quang tại hải nhai; “U cư 2”), tấm thân nhiều năm gửi nơi đất khách (Ky lữ đa niên đăng hạ lệ; “Xuân dạ”), với Nguyễn Du, người thân cùng quê nhà dần trở nên xa ngút ngàn, chỉ còn hiện về trong nỗi nhớ thương khắc khoải. Đó là lí do tại sao trong thơ chữ Hán của ông, hình ảnh người nhà, nhất là cố hương, cứ trở đi trở lại với những cung bậc cảm xúc thảng thốt, ngậm ngùi khiến người ta khó tránh khỏi xót xa, day dứt.

Vốn thuộc dòng dõi đại quý tộc nhưng sau những biến cố thời cuộc, gia đình Nguyễn Du đã bắt đầu sa sút nhanh chóng. Thơ chữ Hán của ông cho ta biết phần nào điều này. Nói về người thân, Tố Như không né tránh hoàn cảnh khó khăn, cơ cực của họ (và của cả bản thân mình). Trong bài Ngẫu hứng (số 4), nhà thơ viết: Cố hương cang hạn cửu phương nông/ Thập khẩu hài nhi thái sắc đồng (Quê nhà nắng hạn lâu ngày làm hại việc nhà nông/ Mười miệng trẻ đóicùng xanh mặt như rau). Trong bài “Ngẫu đề”, Nguyễn Du lại nhắc đến tình cảnh đói ăn, nghèo khổ của các con mình nơi quê nhà: Thập khẩu đề cơ Hoành lĩnh bắc/ Nhất thân ngọa bệnh đế thành đông (Mười miệng kêu đói phía bắc Hoành Sơn/ Một thân nằm bệnh phía đông hoàng thành). Thương con đói khổ mà bản thân đang làm quan ở xa, vốn nghèo khó lại hay đau ốm nên chẳng giúp được gì. Ta như nghe trong tiếng thơ của Nguyễn Du nỗi buồn thương, xót xa sâu thẳm.

Tình yêu thương lớn lao dành cho người thân

Vượt lên trên hoàn cảnh li tán, khổ nghèo, Nguyễn Du đã dành rất nhiều tình cảm cho người thân của mình. Đó là nỗi nhớ mong khắc khoải, là nỗi niềm xót xa ngậm ngùi, là sự tự trách bản thân vô dụng và hơn hết là tình yêu thương lớn lao mà nhà thơ dành cho anh em, con cái của mình.

Trong bài “Minh giang chu phát”, trên hành trình đi sứ Trung Hoa dằng dặc, trong nỗi nhớ thương người thân da diết, nhà thơ đã viết: Biệt hậu quan sơn tư đệ muội/ Vọng trung nham tụ kiến nhi tôn (Sau khi từ biệt, trên bước đường quan sơn, nhớ các em trai gái/ Nhìn giữa đá núi, tưởng như thấy đàn cháu con). Giữa chốn quan sơn nhớ đến các em, nhìn đá núi tưởng như thấy con cháu. Tứ thơ vừa lạ vừa thật cảm động. Có lẽ nếu không bởi một tấm lòng nhớ thương đau đáu thì không thể viết nên những dòng thơ thiết tha, xúc động như thế. Đây có thể xem là một trong những vần thơ hay nhất viết về người thân của thơ trung đại Việt Nam; đồng thời cho thấy một Nguyễn Du với tấm lòng yêu thương nồng ấm đối với người thân, chứ không phải một Nguyễn Du chỉ có sầu muộn, kín đáo, cô độc như chúng ta vẫn thường nghĩ.

Trong thơ chữ Hán, bên cạnh những dòng viết chung cho người thân, một bài họa thơ với anh vợ Đoàn Nguyễn Tuấn, Nguyễn Du có ba bài viết riêng cho cha, vợ và anh trai của mình. Đó là các bài Giang đình hữu cảm, Ký mộng và Ức gia huynh, cả bài in liền cạnh nhau trong Thanh Hiên tiền hậu tập. Giang đình hữu cảm là sự hoài niệm, niềm tự hào của Nguyễn Du về người cha đã khuất của mình, cụ Nguyễn Nghiễm, một vị trọng thần có nhiều công lao cho triều đình, đất nước: Ức tích ngô ông tạ lão thì/ Phiêu phiêu bồ tứ thử giang mi (Nhớ xưa cha ta tuổi già từ tạ lúc trở về/ Phơi phới trên bến sông này xe cỏ bồ, xe bốn ngựa). Trong hai câu thơ trên, điển “bồ tứ” (bồ: Xe có bánh được bọc cỏ bồ cho giảm xóc, chỉ loại xe để đón người hiền tài ra giúp nước; tứ: Xe bốn ngựa, là loại xe của người quyền quý) được dùng đúng chỗ, vừa giúp câu thơ trở nên trang trọng vừa thể hiện được sự ngưỡng vọng, niềm hãnh diện của nhà thơ về cha.

Ở bài “Ký mộng” ghi lại giấc mơ người vợ trước tìm về thăm trên bến Lam giang, Nguyễn Du có những dòng thơ thật cảm động về người vợ bất hạnh mất sớm của mình: Mộng trung phân minh kiến/ Tầm ngã giang chi mi/ Nhan sắc thị trù tích/ Ỷ sức đa sâm si/ Thỉ ngôn khổ bệnh hoạn/ Kế ngôn cửu biệt ly/ Đái khấp bất chung ngữ (Trong mơ thấy rõ ràng/ Tìm ta ở bến sông/ Nhan sắc vẫn như cũ/ Quần áo xộc xệch nhiều/ Đầu tiên kể nỗi khổ bệnh tật/ Kế đó nói chuyện xa nhau lâu/ Nghẹn ngào nói chẳng hết câu).

Đặc biệt, trong bài “Ức gia huynh”, Nguyễn Du đã giành rất nhiều yêu thương, lo lắng cho anh trai Nguyễn Đề khi một mình lặn lội vào thành Quy Nhơn xa xôi làm quan cho nhà Tây Sơn, dù hai anh em không cùng một con đường chính trị: Nhất biệt bất tri hà xứ trú/ Trùng phung đương tác tái sinh khan/ Hải thiên mang diểu dư thiên lý/ Thần phách tương cầu mộng diệc nan (Một từ biệt, không biết [anh] ở nơi nào/ Gặp lại nhau chắc chỉ còn ở kiếp sau/ Trời biển mênh mang hơn nghìn dặm/ Hồn phách tìm nhau, cả trong mơ còn khó).

Thơ Nguyễn Du thấm đượm nỗi buồn. Thế nhưng trong thế giới u buồn ấy, sáng tác của ông lại ánh lên những vần thơ nồng ấm, chứa chan tình cảm mà thơ viết về gia đình là những vần thơ như thế. Qua những vần thơ về người thân ấy, ta hiểu thêm về một phương diện trong tình cảm của đại thi hào. Ở đó, hình ảnh người ông, người cha, người chồng, người anh, người em, người con hiện lên thật chân thành, cảm động với tình yêu thương sâu lắng, nỗi mong nhớ khôn nguôi. Đặt trong môi trường thơ trung đại vốn xem thơ là phương tiện để “nói chí”, “tỏ lòng” và chưa coi trọng đề tài gia đình, những vần thơ cảm động viết về người thân của Nguyễn Du thật đáng trân quý biết bao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giàu có nhưng kém văn minh

GD&TĐ - Mạng xã hội đang lan truyền đoạn clip nói về một người đàn ông ở Nha Trang có hành vi kém văn minh.