Nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh được nhiều lần nhắc tên tại tòa

Nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh được nhiều lần nhắc tên tại tòa

Cả bí thư và Chủ tịch thành phố cùng chỉ đạo

Bị cáo Văn Hữu Chiến

Để làm rõ vai trò của từng bị cáo, ngày 3/1, HĐXX lần lượt xét hỏi các bị cáo: Nguyễn Thị Thu Hà, Nguyễn Thanh Sang - cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính; Phan Xuân Ít - cựu Trưởng phòng, Phó Chánh văn phòng UBND; Nguyễn Công Lang - cựu Giám đốc Công ty quản lý nhà.

Trả lời câu hỏi về sai phạm, các bị cáo đều khẳng định chủ trương cho chuyển nhượng nhà đất công sản là do Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng quyết định.

Bị cáo Phan Xuân Ít với dáng vẻ già nua, chậm rãi khai trước tòa là việc sắp xếp lại các nhà đất công sản trên địa bàn thành phố, ông ta chỉ quản lý ở cấp trên, theo dõi ở dưới có Công ty Quản lý đất đai và Công ty Quản lý nhà của Đà Nẵng. Ở dưới có gì báo cáo lên thì ông ta tiếp nhận chủ trương, trình lên lãnh đạo UBND thành phố.

Nói về mối quan hệ với Vũ “nhôm”, bị cáo nguyên là Phó Chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng nói rằng, ông ta chỉ biết Vũ là đại diện doanh nghiệp bình phong của Bộ Công an. Vũ có quan hệ với lãnh đạo UBND thành phố. Vũ quan hệ sâu như thế nào thì ông ta không biết.

Bị cáo Nguyễn Công Lang - cựu Giám đốc Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng nói rằng, làm theo chỉ đạo của UBND thành phố. Mắc sai phạm là do nhận chỉ đạo của lãnh đạo, bản thân không được hưởng lợi.

Đặc biệt, tại tòa ngày hôm nay, bị cáo Nguyễn Văn Cán - cựu Chánh văn phòng UBND Đà Nẵng khai rõ rằng biết Phan Văn Anh Vũ có quan hệ với ông Nguyễn Bá Thanh (nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, đã qua đời, PV).

Ông ta chịu chỉ đạo gián tiếp từ ông Nguyễn Bá Thanh. Chịu chỉ đạo trực tiếp từ ông Trần Văn Minh - cựu Chủ tịch thành phố. “Có chỉ đạo bằng văn bản, có chỉ đạo miệng, do anh Thanh chỉ đạo nên chúng tôi phải làm” - bị cáo Cán khai nhận.

Bị cáo Huỳnh Tấn Lộc - Giám đốc Công ty Công nghệ phẩm Đà Nẵng thừa nhận, khi biết thành phố Đà Nẵng có chủ trương bán công sản cho người đang thuê nên công ty ông ta làm đơn mua 4 công sản. Nhưng chỉ được mua 2 công sản là nhà đất số 57 Lê Duẩn và 37 Pasteur.

“Khi được giải quyết cho mua 2 nhà đất thì Bí thư Thành ủy và ông Trần Văn Minh - Chủ tịch thành phố gọi cho tôi bảo cái nào không dùng thì bán cho Vũ. Sau đó, Vũ gọi điện cho tôi và đề nghị mua luôn cả hai. Tôi chỉ nhượng lại số 37 Pasteur. Bị cáo hứa giúp Vũ làm thủ tục để Vũ mua. Công ty chỉ bán tài sản trên đất. Sau đó, Vũ nhờ công ty ký một số giấy tờ để hợp thức” - bị cáo Lộc khai.

Các bị cáo tại tòa
 Các bị cáo tại tòa

Thủ đoạn tinh vi của Vũ “nhôm”

Bị cáo Phan Văn Anh Vũ

Để thâu tóm được hơn 20 công sản, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng chục nghìn tỉ đồng, Phan Văn Anh Vũ đã sử dụng các thủ đoạn tinh vi cùng với sự tiếp tay của các lãnh đạo cấp cao tại Đà Nẵng, chuyển hóa thành tài sản cá nhân của Vũ.

Nhà đất số 106 Trần Phú, Hải Châu, Đà Nẵng là ví dụ điển hình cho chiêu trò của Vũ “nhôm”. Công sản này có diện tích hơn 118 m2 và thuộc sự quản lý của Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng. Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng ký hợp đồng cho Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Đà Nẵng thuê từ năm 1995.

Tháng 2/2008, Trần Phi - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Đà Nẵng có văn bản đề nghị và UBND Đà Nẵng phê duyệt chủ trương đồng ý bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất tại nhà đất trên cho công ty.

Biết được việc này, Vũ “nhôm” đã gặp, bàn bạc thống nhất với Trần Phi để công ty của Phi đứng ra mua công sản trên cho Vũ. Vũ sẽ trả toàn bộ số tiền mua nhà, đất theo giá phê duyệt của UBND Đà Nẵng và trả thêm cho công ty của Phi 700 triệu đồng.

Tháng 7/2008, Trần Văn Minh ký văn bản 4.434 đồng ý giảm hệ số sinh lợi từ 2,0 xuống 1,9 đối với nhà, đất 106 Trần Phú. Cuối tháng 7/2008 Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Giám đốc Sở Tài chính có văn bản đề xuất giá trị nhà, đất tại 106 Trần Phú là hơn 3,7 tỷ đồng.

Sau đó Văn Hữu Chiến - Phó Chủ tịch UBND Đà Nẵng ký các QĐ phê duyệt giá bán, cho phép bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất số 106 Trần Phú cho Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Đà Nẵng và được giảm 10% số tiền sử dụng đất.

Sau khi mua được nhà đất trên, Trần Phi ký tờ trình gửi thành phố Đà Nẵng xin đổi tên người nhận quyền sử dụng đất tại 106 Trần Phú cho Phan Văn Anh Vũ.

Sau đó, Trần Văn Minh - Chủ tịch Đà Nẵng ký Văn bản số 6477 đồng ý chuyển đổi tên đơn vị nhận quyền sử dụng đất tại số 106 Trần Phú từ Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Đà Nẵng sang Công ty Cổ phần Xây dựng 79 của Vũ “nhôm”.

Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự ở Trung ương kết luận: Giá trị quyền sử dụng đất số 106 Trần Phú tại thời điểm khởi tố vụ án (ngày 17/4/2018) là hơn 25 tỷ đồng. Như vậy với công sản này, Nhà nước thiệt hại hơn 22 tỉ đồng.

Tại nhà đất số 20 Bạch Đằng (quận Hải Châu) có diện tích hơn 1.287 m2 cũng vậy. Qua nhiều thủ tục mua bán vòng vèo cũng đã về tay Vũ “nhôm”. Thương vụ mua bán này được xác định gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 264 tỉ đồng.

Các vụ thâu tóm công sản của Vũ “nhôm” ở Đà Nẵng là nghiêm trọng, thủ đoạn tinh vi. Nhưng tại cơ quan điều tra, Vũ không hợp tác khai báo, không thừa nhận hành vi phạm tội.

Kết quả điều tra đến nay chưa chứng minh làm rõ được việc chia lợi ích của Vũ “nhôm” với Trần Văn Minh và các đồng phạm khác. Công luận, người dân mong muốn HĐXX vụ án này có thể làm rõ lợi ích vật chất “nếu có” giữa Vũ “nhôm” và các bị cáo là cựu quan chức chóp bu tại TP Đà Nẵng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Máy trồng chanh dây tự động giải phóng sức lao động cho người nông dân.

Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng

GD&TĐ - Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng có thể thực hiện tự động tất cả các khâu, giúp tiết kiệm chi phí nhân công và nâng cao năng suất vườn ươm.