“Nếu măng chua tại các lò này sử dụng chất tẩy trắng công nghiệp (chuyên dùng để tẩy vải, giấy…), chất nhuộm vàng (dùng trong sản xuất màu, sơn…) để ngâm tẩy trắng măng, làm đẹp, loại măng này sẽ gây tổn hại dạ dày, có thể gây thủng ruột, tổn hại thận, phá nát gan người dùng. Những loại phụ gia hóa chất công nghiệp này khi vào cơ thể con người có thể tích lũy, tồn dư và kích hoạt hàng loạt bệnh nguy hiểm”, BS Mai khẳng định.
Bác sĩ Mai cho rằng, việc dùng chất cấm, chất tẩy, phụ gia, hóa chất công nghiệp trong sản xuất thực phẩm, sản xuất măng là hành vi bị nhà nước nghiêm cấm, xã hội lên án. Cần tịch thu toàn bộ hàng hóa tang vật để tiêu hủy, xử phạt thật nặng chủ hàng.
Trước đó Đội 3 - Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an TPHCM cho biết, đơn vị này vừa phát hiện liên tiếp các cơ sở dùng chất tẩy trắng và hóa chất tạo màu vàng tươi dùng trong dệt may công nghiệp để chế biến măng tươi. Đây là những hóa chất bị cấm trong chế biến thực phẩm vì nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Như tại cơ sở chế biến măng đóng tại số 61/8 quốc lộ 1A (phường Tân Thới Nhất, quận 12) do bà Nguyễn Thị Nhỏ làm chủ, Cảnh sát môi trường phát hiện công nhân dùng chất cấm nguy hại để chế biến măng tươi, trong số 10 tấn măng thì có khoảng 300kg đã được ngâm chất tẩy trắng và chất tạo màu vàng tươi. Đây là những hóa chất chỉ được phép dùng trong sản xuất công nghiệp, dệt may.
Bà Nhỏ khai nhận mua hóa chất ở chợ Kim Biên với giá 26.000 đồng/kg. Trong quá trình chế biến, một muỗng chất tẩy trắng dùng cho khoảng 200kg măng, 1 muỗng chất tạo màu vàng tươi cho 1 tấn măng.
Tại một cơ sở khác trên địa bàn quận 12 do bà Bành Thị Diệu làm chủ, PC49 cũng phát hiện hành vi dùng hóa chất công nghiệp trong quá trình chế biến măng tươi. Hơn 4 tấn măng chuẩn bị được ngâm hóa chất và 200kg măng đã được tẩy trắng và ngâm chất tạo màu vàng ô.
Còn tại cơ sở chế biến măng Tùng Hương số 7/3B đường Nguyễn Thị Sóc (xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn) do bà Nguyễn Thị Hồng (41 tuổi) làm chủ, kiểm tra của PC49 phát hiện khoảng 7 tấn măng tươi, hơn 300kg măng đang ngâm trong hóa chất. Bà Hồng khai nhận đã mua hóa chất phụ gia tạo màu vàng để chế biến măng tươi cho đẹp mắt. Các công nhân tại đây sử dụng một muỗng nhỏ để tạo màu vàng cho khoảng 1 tấn măng tươi ở công đoạn sau khi luộc chín. Loại măng được bà Hồng nhập về có màu trắng đục, sau 5h ngâm trong hóa chất măng sẽ được chuyển sang màu vàng tươi rồi được chuyển đến các điểm tiêu thụ.
Khảo sát thực tế tại nhiều chợ trên địa bàn quận 12, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Bình…nhiều loại măng được bày bán nhưng không rõ nơi sản xuất, măng chỉ được bày bán đơn giản trong các thau nhựa để bên đường. “Sau khi nghe thông tin măng ngâm hóa chất, chúng tôi cũng rất hoang mang nhưng không biết phân biệt thế nào là măng sạch và măng đã ngâm trong hóa chất công nghiệp. Vào siêu thị mua hàng thì điều kiện không cho phép và không thuận tiện. Nhà ở sát chợ nên mọi sinh hoạt, ăn uống đều ra đây mua”, chị Bình (ngụ gần chợ Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình) chia sẻ.
Theo một cán bộ thuộc Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, rất khó có phân biệt măng ngâm, tẩm hóa chất với măng sạch bằng mắt thường. Việc xác định chất lượng của măng phải dựa vào máy móc, xét nghiệm.
“Cách tốt nhất người tiêu dùng nên mua măng của các công ty có thương hiệu, nếu sản phẩm có sự cố người tiêu dùng có thể khiếu nại, đòi bồi thường thiệt hại”, đại diện Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM khuyến cáo.