Sáng 16/4, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 với 63 tỉnh, thành.
Nhận định tại cuộc họp, Bộ Y tế cảnh báo, nguy cơ xuất hiện dịch Covid-19 tại Việt Nam là rất lớn trong bối cảnh dịch bùng phát mạnh tại các nước láng giềng và trên thế giới. Trong khi đó, nước ta vẫn thường xuyên tổ chức các chuyến bay giải cứu nên việc kiểm soát dịch trong thời gian tới rất khó khăn.
Hiện nay khu vực nóng nhất, đang có nguy cơ rất lớn dịch xâm nhập là biên giới Tây Nam và các tỉnh Tây Nam Bộ.
Do vậy, để ngăn chặn các trường hợp nhập cảnh trái phép, nguy cơ lây lan dịch bệnh, Bộ Y tế đề nghị các địa phương phải thường xuyên rà soát, giữ chặt khu vực biên giới.
Cùng với đó, Bộ Y tế sẽ tiếp tục thành lập các đoàn công tác đi đến vùng này để kiểm tra.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, đây là chìa khoá quan trọng để phòng, chống và kiểm soát dịch trong thời gian tới. Chỉ cần tâm lý lơ là, buông lỏng để các ca bệnh mang biến chủng Anh hay Nam Phi nhập cảnh thì công tác kiểm soát dịch sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Bộ trưởng đề nghị các địa phương, đặc biệt là lực lượng biên phòng giữ thật chặt khu vực biên giới, ngăn chặn các trường hợp xuất nhập cảnh trái phép, đảm bảo cách ly. Đây là những “chìa khóa” quan trọng trong kiểm dịch giai đoạn tới.
Theo ông Long, nếu chúng ta lơ là, buông lỏng để xảy ra ca bệnh nhập cảnh, đặc biệt nhiễm biến chủng Anh, Nam Phi, sau đó lây nhiễm vào cộng đồng thì việc kiểm soát sẽ rất khó khăn.
Trước tình hình hiện nay, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương không chủ quan, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là những tỉnh có chung biên giới với các nước đang bùng phát dịch.
Ngoài ra, các địa phương nếu ghi nhận người nhập cảnh về nước cần báo ngay cho cơ quan chức năng để cách ly, giám sát và có biện pháp phát hiện sớm các ca bệnh.
Bộ Y tế cũng chỉ đạo các địa phương cập nhật bản đồ an toàn Covid-19 tại tất cả cơ sở y tế, kinh doanh, dịch vụ, trường học. Phòng khám nào không đảm bảo sẽ bị đình chỉ hoạt động.
Đặc biệt, các địa phương phải có kịch bản về xét nghiệm, cách ly diện rộng, điều trị để sẵn sàng kích hoạt ngay khi có dịch.
Theo ông Long, không thể chắc chắc 100% dịch sẽ xảy ra ở đâu nên mỗi tỉnh/thành phố đều có nguy cơ. Do đó, các địa phương cần có phương án về kịch bản cho mọi tình huống, trong đó gồm kế hoạch về cách ly, xét nghiệm và điều trị khi có dịch.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đại dịch trong năm 2021 chưa thể kiểm soát được. Nhiều quốc gia vẫn tiếp tục ghi nhận số ca mắc tăng trở lại sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế, trung bình mỗi ngày thế giới ghi nhận 600.000 - 700.000 ca mắc mới, 1.000 - 2.000 ca tử vong.
Việt Nam đến nay đã qua 21 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng tuy nhiên vẫn ghi nhận nhiều ca mắc là người nhập cảnh.
Theo bản tin của Bộ Y tế, tính đến 6h ngày 16/4, 10 tỉnh, thành phố (Hoà Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và TP. Hồ Chí Minh) đã 62 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng;
Hà Nội đã 59 ngày và Hải Phòng 52 ngày, Hải Dương đã 22 ngày không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.