Nguồn kinh phí hoạt động của đại học tư và đại học công

Nguồn kinh phí hoạt động của đại học tư và đại học công
(GD&T Đ) - Vừa qua, Báo Giáo dục và Thời đại đã đăng tải loạt bài đề cập tới sự hình thành, tồn tại, phát triển cũng như những khó khăn đang gặp phải của hệ thống trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu một số vấn đề trong hệ thống Giáo dục đại học tư nhân trên thế giới nhằm giúp bạn đọc có sự so sánh cần thiết hướng tới một mô hình trường ngoài công lập kế thừa tinh hoa thế giới và phù hợp với nền Giáo dục Việt Nam.
 
Khác biệt về nguồn kinh phí hoạt động
Sự khác biệt lớn nhất giữa đại học công và đại học tư tại các nước phương Tây nằm trong nguồn quĩ hoạt động. Ngân quĩ được cấp và huy động được ảnh hưởng rất nhiều đến sinh viên vì nó quyết định số tiền học phí phải đóng.
Đa số đại học công lập tại Mỹ do Chính phủ Liên bang và chính quyền bang cấp kinh phí. Trách nhiệm này đã được giao từ đầu thế kỷ 19 nhằm tạo điều kiện cho các công dân nhận được nguồn tài chính của Chính phủ Liên bang trong quá trình học tập và không phải lo lắng về học phí. Ngày nay, các chính quyền bang chịu phần lớn kinh phí hoạt động của các trường đại học công lập. Chính quyền cũng giám sát các đại học công thông qua các hội đồng quản trị được bổ nhiệm. 
Nguồn tiền từ ngân sách công đã giúp kéo giảm học phí tại các đại học công xuống thấp hơn nhiều so với các đại học tư. Phần lớn kinh phí hoạt động của đại học công đến từ trợ cấp của chính quyền, trong khi phần lớn kinh phí hoạt động của đại học tư đến từ học phí và các đóng góp khác của sinh viên. 
Học phí của đại học công chỉ giúp trang trải phần nhỏ chi phí hoạt động. Các đại học tư không nằm trong danh sách xét duyệt kinh phí của nghị viện các bang. Các trường này trông cậy chủ yếu vào học phí và hiến tặng của các nhà hảo tâm. Điều đó có nghĩa là học phí trường tư sẽ cao hơn nhiều, vượt quá sức chịu đựng của các sinh viên nghèo. Nợ đại học là để hóa giải trở ngại này. 
Khác biệt về kích cỡ
Một khác biệt nữa giữa đại học công và tư là kich cỡ và số loại văn bằng đào tạo. Các đại học tư, trừ các đại học danh tiếng như Harvard, đều nhỏ hơn nhiều so với đại học công và số ngành nghề đào tạo cũng thế. Số sinh viên chỉ vài ngàn người so với đại học công. Có những ngành học chỉ có tại trường công, như nghệ thuật hay công nghệ chuyên biệt. Đại học tư thường tập trung vào những ngành dễ kiếm việc làm chứ không trang bị kiến thức đơn thuần. Số đại học tư chuyên về nghệ thuật biểu diễn hay hội họa không nhiều mà tập trung vào kinh tế, kỹ thuật và công nghệ. 
Cỡ lớp học cũng khác. Các đại học tư có lớp nhỏ hơn để tăng sức hấp dẫn đối với sinh viên, vì giao tiếp thầy trò gần gũi hơn trong khi tại đại học công có lớp học vượt quá 200 sinh viên, nhất là tại các ngành học không đòi thực tập nhiều như Văn học. Đại học tư và công cũng có khác biệt trong việc tuyển sinh. Đại học công ưu tiên cho các sinh viên sống trong bang với học phí thấp hơn, còn sinh viên ở bang khác phải đóng học phí cao hơn. Tỉ lệ sinh viên trong và ngoài bang cũng được ấn định cụ thể trong khi đại học tư không tuyển sinh viên theo nơi cư trú. 
Vai trò của các nhà từ thiện
Các đại học tư nổi tiếng như Harvard, MIT, Cal Tech và Stanford nhận được sự đóng góp đáng kể của các doanh nhân và công ty. Đổi lại, tên tuổi của những người đóng góp được gắn liền với một cái gì đó liên quan đến đại học như thư viện, phòng thí nghiệm, đội bóng rổ hoặc ký túc xá. Một số bậc cha mẹ sinh viên giàu có cũng đóng góp cho trường.  
Nguồn thu của các đại học tư đến từ học phí, lệ phí, đầu tư, nghiên cứu và hiến tặng. Các đại học công cũng nhận được các khoản tương tự ngoài nguồn tiền trích từ ngân sách bang. Đại học công và tư còn nhận được tiền thuê nghiên cứu một công trình nào đó, có khi từ công ty có khi từ cơ quan chính phủ. Cơ quan Hàng không không gian Mỹ (NASA) từng rót tiền cho các đại học tư và công để nghiên cứu những đề tài mà nó cần. 
Nợ sinh viên
Trên tờ New York Times số ra cuối năm 2012, nhà phân tích giáo dục Luigi Zingales đã phê phán là “chính các chương trình cho sinh viên vay học tập rộng rãi đã làm tăng mức học phí phải đóng”. Ông lý lẽ rằng khi Chính phủ tăng mức cho vay, các đại học tư cũng tăng học phí nên sinh viên “tay trắng vẫn trắng tay”. Hệ quả là nhiều sinh viên lún sâu hơn vào nợ nần. 
Tại Mỹ, các đại học công đang tìm cách quay về với truyền thống cung cấp cho sinh viên nền giáo dục tốt nhất với chi phí thấp nhất. Trợ cấp của Liên bang vẫn còn nhưng đa phần gánh nặng đè lên các bang để bảo đảm sao cho những sinh viên giỏi có thể đi hết con đường học vấn của mình mà không quá bận tâm đến tiền bạc. Trong khi đó, các đại học tư phải chật vật tìm nguồn vốn vay cho sinh viên. 
Để bảo đảm đầu vào, Đại học Harvard rất tích cực tìm kiếm những suất học bổng hay những nguồn nợ cho sinh viên. Sau khi tốt nghiệp, nợ sẽ trả cho Harvard chứ không phải cho ngân hàng hay Chính phủ. Đây chính là trở ngại cho các sinh viên xuất sắc nhưng nghèo không đủ tài chính để vào Harvard. Họ phải vào học đại học công. May mắn thì vào được đại học công tên tuổi, còn không, bằng cấp khi ra trường rất khó xin việc. 
Mở rộng đại học tư kéo chất lượng giảng dạy đi xuống
Kinh phí duy trì hoạt động đang là bài toán khó giải đối với các đại học tư khi học phí đã vượt quá giới hạn chịu đựng của nhiều gia đình nên không thể tăng được nữa. Một nhóm giáo sư tại Anh đã cảnh cáo về việc mở rộng quá mức đại học tư khiến chất lượng giảng dạy bị giảm sút nghiêm trọng. Trên thực tế, một số đại học tư đã bị đánh tụt hạng về chất lượng giáo dục khi quá ham mở rộng. Mới đây, hơn 500 giáo sư và giảng viên Anh đã ký vào đơn thỉnh nguyện đề nghị ngưng mở rộng các đại học tư. 
Trong lá thư gửi cho tờ Daily Telegraph, họ lên án kế hoạch của Chính phủ cho phép các tổ chức và doanh nghiệp vì lợi nhuận kiếm thêm tiền bằng cách đầu tư bừa bãi vào giáo dục đại học. Họ cảnh báo là do quá ham nhận tiền đóng góp từ những tổ chức này mà nhiều đại học tư đã quên mất năng lực có hạn của nó mà người lãnh hậu quả chính là sinh viên khi họ nhận được một nền giáo dục không tương xứng với đồng tiền bỏ ra.
“Đây là tin rất xấu cho thế hệ tương lai. Bằng cách này, chúng ta đã đi vào bánh xe đổ của các đại học tư ở Mỹ, nơi nhiều sinh viên học mãi vẫn không ra trường và vướng vào những khoản nợ không thể trả được. Số liệu cho thấy chỉ có 1/5 sinh viên theo học tại các đại học vì lợi nhuận tốt nghiệp đúng thời hạn và 1/5 sinh viên không trả được nợ sau 3 năm tốt nghiệp do ở lại lớp quá lâu. Đây là thảm họa đối với những người đóng thuế khi Chính phủ phải chịu đựng khoản nợ ngày càng lớn cho sinh viên vay mà không biết bao giờ họ mới tốt nghiệp hay trả lại được” – Thỉnh nguyện thư viết.
Phan Trọng Hùng 
(Tổng hợp)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.