Một nghiên cứu mới đây được công bố bởi Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên Mỹ (viết tắt là NRDC) cho thấy lượng tiêu thụ thịt bò của người Mỹ đã giảm đáng kể, giảm 19% trong 9 năm (từ 2005 đến 2014).
NRDC cho rằng, nhờ việc ăn ít thịt bò hơn, người Mỹ đã giảm được khoảng 185 triệu tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính (những loại khí do chăn nuôi gia súc tạo ra thâm nhập vào khí quyển và làm trái đất nóng lên).
Người Mỹ đang dần hạn chế ăn thịt bò. |
“Dù chúng ta có nhận ra hay không thì người Mỹ vẫn đang chống lại hiệu ứng nhà kính bằng chiếc nĩa của họ”, chuyên gia của NRDC nhận định.
Vị chuyên gia này thừa nhận rằng thực chất nguyên nhân dẫn đến việc giảm tiêu thụ thịt bò là vì vấn đề sức khoẻ.
Tuy nhiên, Hiệp hội thịt bò quốc gia không đồng ý với nhận định của NRDC. Họ cho rằng việc giảm lượng tiêu thụ thịt bò là do thịt bò ngày càng ít trên thị trường Mỹ.
Hiệp hội này cho biết, từ năm 2010 đến năm 2013 họ xuất khẩu nhiều thịt bò hơn so với nhập khẩu. Và nguyên nhân nữa là do hạn hán, giá thịt bò tăng cao nên người Mỹ chuyển sang ăn thịt gà, thịt lợn cho tiết kiệm.
Người tiêu dùng thì đồng ý với cả hai nhận định trên của cả NRDC và Hiệp hội thịt bò quốc gia.
Một khảo sát thực hiện tháng 1 năm 2017 cho thấy hơn 1/3 người tiêu dùng cho biết họ không chọn thịt bò vì giá, 35% cho biết họ ăn thức ăn khác thay thế, và 1/4 người tiêu dùng cho biết họ không ăn thịt bò vì lý do sức khoẻ.
Thịt bò được xếp vào loại “thịt đỏ”. Thịt bò giàu protein, vitamin, và khoáng chất tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên nếu ăn thịt bò nhiều hoặc ăn quá thường xuyên có thể gây hại cho sức khoẻ vì thịt bò chứa hàm lượng cholesterol cao và giàu chất sắt.
Ăn nhiều thịt bò có thể dẫn đến thừa chất sắt, thừa cholesterol. Các nhà khoa học cũng đã chứng minh mối liên hệ giữa ăn nhiều thịt đỏ và nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.