Người trồng sâm Ngọc Linh đối mặt với nạn trộm cắp

GD&TĐ - Chỉ trong thời gian ngắn nhiều người dân trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum điêu đứng vì bị trộm sâm Ngọc Linh.

Sâm Ngọc Linh được trồng nhiều trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông. Ảnh: Trúc Hân
Sâm Ngọc Linh được trồng nhiều trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông. Ảnh: Trúc Hân

Vườn sâm “không cánh mà bay”

Mong muốn cuộc sống ổn định, có thể lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn, vợ chồng ông A Đốc (39 tuổi, thôn Long Hy, xã Măng Ri) vay ngân hàng 100 triệu đồng để trồng sâm Ngọc Linh.

Sau nhiều năm chăm sóc kỹ lưỡng, gia đình ông A Đốc có hơn 300 gốc sâm từ 3 - 7 năm tuổi. Để bảo vệ vườn sâm, ông A Đốc làm hàng rào bằng lưới B40 vây quanh và dựng lán trại ở lại để canh gác.

Khi sâm Ngọc Linh chuẩn bị cho thu hoạch, gia đình ông A Đốc vui mừng vì nợ ngân hàng sắp trả hết. Thế nhưng, tối 5/9, sau khi về nhà giải quyết công việc, ông A Đốc quay trở lại thì phát hiện toàn bộ sâm của gia đình đã “không cánh mà bay”.

Ông A Đốc thất thần, ngồi sụp xuống vườn sâm, khi lấy lại được bình tĩnh, ông đến trình báo cơ quan công an.

“Tất cả vốn liếng, công sức của gia đình dồn hết vào vườn sâm Ngọc Linh. Sâm mất, vợ chồng tôi coi như trắng tay, tiền vay ngân hàng không biết bao giờ mới trả xong. Sâm Ngọc Linh mất ước tính khoảng 20kg, nếu đến vụ thu hoạch bán ra từ 150 - 220 triệu đồng/kg thì số tiền thiệt hại khá lớn. Tôi mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, sớm tìm ra kẻ xấu để bà con yên tâm”, ông A Đốc nói.

Trước đó không lâu, Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum cũng bị kẻ gian đột nhập, trộm 160 gốc sâm từ 3 - 10 năm tuổi. Ông Nguyễn Thanh Hoàng - quản lý vườn sâm của công ty vẫn không thể tin được tại sao kẻ gian có thể đột nhập trộm sâm, khi vườn được trang bị đầy đủ camera và rào bảo vệ.

Ông Hoàng kể, vào ngày 21/8, vườn sâm Ngọc Linh của công ty gặp sự cố mất điện. Đến ngày 22/8, khi sự cố được khắc phục thì các công nhân phát hiện hàng loạt cây sâm bị nhổ trộm. Qua thống kê, có 141 cây sâm 3 năm tuổi đang ra hoa, hạt cùng 17 cây sâm lớn, trồng từ 8 - 10 năm tuổi và 2 cây sâm rừng tự nhiên bị trộm.

Ngay sau đó, ông Hoàng trình báo lực lượng chức năng. “Sâm bị trộm trùng với thời điểm mất điện nên không có camera để xem lại hình ảnh. Dây điện bị phá, chặt bằng dao, rựa. Người trộm phải là người rành, hiểu biết khu vực trồng sâm mới có thể đột nhập”, ông Hoàng nói.

kon tum nguoi trong sam ngoc linh doi mat voi nan trom cap (2).jpg
Qua một đêm, gia đình ông A Đốc mất hơn 300 gốc sâm Ngọc Linh. Ảnh: Trúc Hân

Phạt vạ người trộm sâm

Vào tháng 6 vừa qua, xã Măng Ri xảy ra một vụ mất trộm gần 100 gốc sâm Ngọc Linh của người dân làng Long Láy. Khi xảy ra vụ việc, người dân báo lực lượng chức năng và tổ chức họp, truy tìm nguồn gốc sâm Ngọc Linh mà bà con đang trồng. Tại đây, người đàn ông tên A.T. thừa nhận trộm gần 100 gốc sâm nên dân làng bắt phạt vạ.

Theo “luật” làng, người này bị phạt gấp đôi số sâm đã trộm. Ngoài 100 cây phải trả, A.T. bị phạt phải trả thêm 200 cây sâm và bắt buộc khi trồng sâm mới phải báo cho bà con biết, nắm số lượng. Nếu người trộm không có sâm để trả thì có thể bù bằng việc trả tiền, ruộng rẫy, cà phê.

Từ năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông xảy ra hàng loạt vụ trộm sâm Ngọc Linh, với số lượng mất lên đến hơn 1.000 gốc. Với giá sâm Ngọc Linh dao động từ 160 - 250 triệu đồng/kg khiến người dân, doanh nghiệp lo lắng, bất an và thiệt hại nặng nề về kinh tế.

Trước tình hình sâm Ngọc Linh bị mất trộm, người dân xã Măng Ri đề cao cảnh giác và sử dụng nhiều biện pháp đề phòng kẻ gian đột nhập. Ông A Toàn (42 tuổi, thôn Long Hy) cho biết, gia đình có khoảng 300 gốc sâm Ngọc Linh. Để đảm bảo an toàn, tránh sâm bị mất trộm, ông đầu tư lưới B40, cắm chông, lắp kẻng báo động và thuê người trông coi. Không những vậy, người dân trong vùng cũng thành lập các tổ tự bảo vệ, thông tin cho nhau khi phát hiện người lạ đột nhập.

Nhằm tránh thiệt hại cho bà con, UBND huyện Tu Mơ Rông chỉ đạo Công an huyện tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng công an các xã trong việc quản lý tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ trong việc điều tra, truy vết và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm liên quan đến trộm cắp sâm Ngọc Linh xảy ra trên địa bàn các xã.

Ngoài ra, UBND các xã tăng cường vận động người dân trên địa bàn có tham gia trồng sâm Ngọc Linh thành lập thêm các tổ, đội luân phiên trực theo dõi, bảo vệ đảm bảo 24/24. Đồng thời, chính quyền khuyến cáo người dân không che giấu thông tin về tài sản cá nhân, tạo cơ hội cho kẻ xấu trộm cắp và gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình điều tra, truy vết tội phạm.

UBND huyện Tu Mơ Rông cũng vận động người dân thực hiện nghiêm việc áp dụng hương ước, quy ước của thôn, làng. Từ đó đảm bảo công tác quản lý trật tự xã hội trong cộng đồng dân cư và chủ động trong việc tố giác tội phạm.

Trước tình hình sâm Ngọc Linh liên tiếp bị mất trộm, UBND tỉnh Kon Tum có văn bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các địa phương liên quan rà soát, nắm bắt tình hình. Từ đó, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các giải pháp nhằm ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra tình trạng mất trộm sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Kon Tum cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei triển khai các giải pháp tăng cường kiểm tra, nắm bắt tình hình trồng, chăm sóc cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn. Qua đó, kịp thời có giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại, giảm thiểu tối đa thiệt hại do sâu bệnh hại gây ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.