Người trẻ Singapore lâm vào cảnh nợ nần

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo các cố vấn tài chính, nhiều người trẻ Singapore tìm kiếm sự giúp đỡ về tài chính. Họ thiếu kiến thức nên lún sâu vào khủng hoảng khi đi vay.

Một tổ chức tư vấn về tài chính hỗ trợ mọi người cách xử lý tốt nhất với các khoản nợ. Ảnh: CNA
Một tổ chức tư vấn về tài chính hỗ trợ mọi người cách xử lý tốt nhất với các khoản nợ. Ảnh: CNA

Quá choáng ngợp trước các khoản nợ và khoản nợ chưa trả của các thành viên trong gia đình, một người Singapore 30 tuổi, được biết với tên San, bắt đầu vay tiền của 7 người. Hai năm sau, San đã có hơn 80 nghìn đô la Singapore (SGD).

Anh cho biết, cứ nghĩ bằng cách đi vay thêm là có thể trả hết các khoản vay khác. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, ngay cả những khoản chi tiêu hàng ngày trong gia đình cũng bắt đầu ảnh hưởng đến ngân sách và khả năng trả nợ của anh.

“Vợ tôi sinh con và tôi phải mua sữa, tã lót, mọi thứ cho con gái. Tôi phải chăm sóc chúng” - anh nói - “Sau đó, tôi cảm thấy rằng mình thực sự không thể làm việc này nữa”.

Anh đã tìm kiếm sự trợ giúp từ Adullam Life Counselling, một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ những người đang gặp khó khăn với các vấn đề nợ nần. Các cơ quan dịch vụ xã hội như vậy thường đóng vai trò trung gian giữa những người tìm kiếm sự giúp đỡ và chủ nợ hợp pháp của họ bằng cách đàm phán về một kế hoạch trả nợ khả thi. Họ cũng tư vấn cho những người mắc nợ, đồng thời giúp theo dõi quá trình tiến tới một cuộc sống không nợ nần.

Nhiều người cần giúp đỡ

Những người gặp rắc rối về tiền bạc như anh San không hiếm ở Singapore. Dịch vụ Cộng đồng Arise2care là một trong những tổ chức chuyên giúp đỡ người mắc nợ và người gặp vấn đề về cờ bạc.

Họ cho biết, số lượng người tìm kiếm trợ giúp đã tăng 50% trong 2 năm qua. 1/3 các trường hợp đã cạn kiệt mọi phương tiện vay mượn từ các chủ nợ hợp pháp, một số thậm chí còn chuyển sang vay nặng lãi để trả nợ.

Bà Jean Lee, Giám đốc truyền thông của Adullam Life Counselling, cho biết, trong những năm đại dịch, nhiều người bị mất việc làm hoặc thu nhập, hoặc không có đủ tiền tiết kiệm để trang trải chi phí hoặc thế chấp, đã phải vay thêm.

Theo bà Lee, nếu một người sống bằng tiền lương và sự kiện gì đó như Covid-19 xảy ra, người đó thường không có đủ tiền tiết kiệm để trả nợ, dẫn đến các khoản phí trễ hạn và nhiều tiền lãi hơn. Sau đó, con số này tăng vọt vì mọi người thường kiếm một khoản nợ khác để trả cho khoản nợ ban đầu.

Các cố vấn tài chính cho biết, ngoài việc phải gánh chịu nợ xấu do cam kết của gia đình, những người trẻ còn vay mượn vì những lý do liều lĩnh hơn như tài trợ cho đầu tư và nghiện chơi game.

Những con nợ trẻ tuổi

Bà Lee cho biết, trước đây, Adullam Life Counseling từng gặp những con nợ ở độ tuổi 40 đến 60 trong những tình huống như vậy. Tuy nhiên, hiện nay, nhóm con nợ lớn thứ 2 trong các trung tâm tư vấn của tổ chức là những người từ 30 đến 40 tuổi, thậm chí 20 tuổi hoặc trẻ hơn.

Khoảng 29% những người tìm kiếm sự giúp đỡ tại Adullam Life Counseling từ 31 - 40 tuổi, chỉ kém một chút so với độ tuổi từ 41 đến 50 - nhóm lớn nhất vốn chiếm 30%.

Tại Dịch vụ Cộng đồng Arise2care, con nợ trẻ nhất cần giúp đỡ là một thiếu niên 16 tuổi. Cậu đã phung phí 80 nghìn SGD của cha mẹ để thỏa mãn cơn nghiện chơi game.

Một cá nhân khác mà Arise2care giúp đỡ là một người đàn ông 41 tuổi được gọi là Mark. Anh cho biết đã rơi vào những thói quen xấu và mắc nợ từ nhiều người cho vay khác nhau.

“Tôi không tự chủ được, không quản lý tốt chi tiêu của mình và nghiện cờ bạc. Đôi khi tôi cảm thấy cần nhiều tiền hơn, tôi lại chuyển sang cờ bạc và mọi thứ trở nên tồi tệ hơn”, anh nói.

Chị gái anh đã đăng ký để anh tham gia hội thảo phục hồi chức năng của Arise2care. Tại đây, anh tham dự các buổi học hàng tuần với các cố vấn. Họ đã giúp anh liên lạc với các chủ nợ để có kế hoạch trả nợ dài hạn, bền vững.

Với sự giúp đỡ trên, Mark cho biết, anh đã thấy số nợ gốc của mình giảm sau khoảng 6 tháng và hy vọng sẽ hoàn toàn thoát khỏi nợ nần vào cuối năm.

Các cố vấn tài chính cho biết, một số con nợ trẻ tuổi cũng đầu tư vào các kế hoạch làm giàu nhanh chóng nhưng không thành công hoặc gặp phải lừa đảo. Một lý do quan trọng khác khiến giới trẻ vay mượn nhiều hơn là sự sẵn có của các nhà cung cấp dịch vụ mua trước, trả tiền sau, vốn đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây.

Bà Joey Tan, Giám đốc trung tâm của Dịch vụ Cộng đồng Arise2care, cho biết, nhiều người bị thu hút bởi những khoản vay không có bảo đảm như vậy vì chúng dễ tiếp cận và không yêu cầu điểm tín dụng tốt.

Các gói trả góp được đưa ra thường không có lãi suất. Tuy nhiên, nếu bỏ lỡ một khoản thanh toán, người tiêu dùng có thể bị tính lãi suất lên tới 5% trên số tiền chưa thanh toán.

Anh San nói về vấn đề nợ nần của mình. Ảnh: CNA

Anh San nói về vấn đề nợ nần của mình. Ảnh: CNA

Cần được giáo dục về tài chính

Lãi suất cao và triển vọng kinh tế chậm lại có thể khiến các khoản nợ xấu trở nên tồi tệ hơn. Các cơ quan chức năng cho rằng cần phải tăng cường giáo dục tài chính cho thanh niên.

Bà Tan cho biết, giáo dục tài chính cho người trẻ cần hấp dẫn hơn và phù hợp với trình độ của các em. Các em nên biết phải làm gì với số tiền của mình khi bắt đầu kiếm tiền. Việc lập kế hoạch chi tiêu rất quan trọng.

Để nâng cao nhận thức về nhu cầu tiết kiệm, bảo hiểm và đầu tư, Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) mới đây đã đưa ra hướng dẫn lập kế hoạch tài chính cơ bản. Các cơ quan dịch vụ xã hội cũng đang khuyến khích những người rơi vào cảnh nợ nần lên tiếng.

Bà Lee cho biết, thường khi căng thẳng, bạn không đưa ra được những quyết định tài chính đúng đắn. Theo bà, những người trẻ nên nói chuyện với chuyên gia để tìm kiếm sự giúp đỡ. Họ càng sớm tìm kiếm sự trợ giúp về tình trạng nợ của mình thì vấn đề càng được giải quyết nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Theo CNA

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đấu thầu vàng tiếp tục "ế" trong phiên hôm qua (8/5). Ảnh minh họa

Thế khó của thị trường vàng

GD&TĐ - Phiên đấu thầu vàng miếng thứ 5 đã diễn ra vào sáng hôm qua (8/5) tiếp tục "ế" thêm tới 13.400 lượng vàng. Vì sao vẫn phải tổ chức đấu thầu?
Nghỉ hè là khoảng thời gian để học sinh thư giãn, tham gia chương trình vui chơi, giải trí, rèn luyện năng khiếu… Ảnh: ITN

Nở rộ dịch vụ bán trú hè

GD&TĐ - Trong khi ngành GD-ĐT đang nỗ lực giảm tải, trả lại cho học sinh kỳ nghỉ hè đúng nghĩa trọn vẹn 3 tháng thì nhiều phụ huynh xem kỳ nghỉ hè là học kỳ 3.