Bệnh nhân Đ.T.P.N. (nữ, 40 tuổi) nhập viện trong tình trạng suy chức năng gan, thận, tụt huyết áp, sốc nặng, vật vã, kích thích, nguy cơ tử vong rất cao nếu không được cấp cứu kịp thời.
Bệnh nhân có tiền sử đau khớp tay, chân và lưng nhiều. Khoảng một tháng nay, bệnh nhân uống thuốc nam kèm theo thuốc giảm cân.
Hai ngày trước vào viện, bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi nhiều, ăn uống kém, đau mạn sườn phải âm ỉ, liên tục, có lúc đau quặn thành cơn.
Sau khi làm các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ chẩn đoán chị N. bị diễn biến rất nặng, sốc nhiễm khuẩn, suy chức năng đa tạng.
Nguyên nhân có thể từ ngộ độc thuốc (người bệnh có dùng thuốc nam trước đó) hoặc nhiễm khuẩn (làm nghề giết mổ, bán thịt lợn),
Người bệnh được hồi sức hô hấp, tuần hoàn, lọc máu liên tục và thực hiện gói một giờ trong cấp cứu điều trị người bệnh sốc nhiễm khuẩn theo khuyến cáo của Hội Hồi sức cấp cứu, chống độc.
Kết quả cấy máu lúc nhập viện cho thấy người bệnh dương tính với liên cầu lợn (Streptococcus Suis).
Bệnh nhân được điều trị 7 lần lọc máu liên tục cùng với phác đồ kháng sinh mạnh, truyền các chế phẩm máu, hỗ trợ chức năng tạng, dinh dưỡng tích cực, vận động trị liệu. Sau đó, bệnh nhân dần qua cơn nguy kịch, biểu hiện lâm sàng cải thiện tốt, chức năng các tạng về ngưỡng bình thường.
Theo các bác sĩ, hiện trong dân cư nhiều nơi vẫn có thói quen, phong tục ăn tiết canh, những món ăn tái sống chưa được chế biến chín. Điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nhiễm liên cầu lợn.
Nếu không được phát hiện kịp thời, nguy cơ tử vong với nhóm bệnh này rất cao.