Người phụ nữ 3 lần từ chối làm vợ vua

GD&TĐ - Chuyện bà chúa Hến 3 lần từ chối lấy vua Lê Hoàn có lẽ là một trong những giai thoại kỳ lạ nhất trong lịch sử nước ta thời phong kiến.

Ảnh minh họa: INT.
Ảnh minh họa: INT.

Giai thoại về bà chúa Hến

Bà chúa Hến tên thật là Phạm Thị Hến, còn có tên khác là cô gái Đô Hồ, quê ở làng Tó, Tả Thanh Oai thuộc Hà Nội ngày nay. Khi còn trẻ, bà thường mò cua bắt hến bên bờ sông Nhuệ, sau lại thành hậu phi của vua Lê Đại Hành nên người dân thường gọi là bà chúa Hến.

Theo “Sử Việt những bất ngờ lý thú”, khi vua Lê Hoàn đi qua làng Tó, gặp một tốp phụ nữ đang làm cỏ lúa. Thấy vua đi qua, mọi người đều giơ tay bái lễ, riêng có một cô gái vẫn lúi húi làm việc, quân lính tức giận hét mắng.

Vua Lê Hoàn ngạc nhiên, dừng ngựa, bước xuống hỏi “cô bận việc đến nỗi quan quân đi qua mà không tránh được? Sao ta cho mời, cô lại không tới?”. Nghe tiếng vua, cô gái liền ngẩng mặt lên tâu rằng “quan quân đi trên đường, em làm cỏ dưới ruộng, có làm phiền gì đến ngự giá đâu mà phải bỏ việc. Em nghe nói nhà vua đi dẹp giặc nước. Em đây cũng đang dẹp giặc cỏ. Em có việc của em, làm sao dám xen vào việc của nhà vua để nhận lời mời”.

Nghe những lời đối đáp thông minh nghiêm túc như vậy, vua Lê Hoàn thoáng chút giật mình lẫn tâm phục người con gái, ngài vội nói: “Cô quả là người có ý chí phi thường. Có điều sao cô lại cho rằng, cô không thể nghĩ đến chuyện dẹp giặc nước. Giặc là kẻ thù chung, ai cũng phải đánh. Và ta đây, cô tưởng ta không biết dẹp giặc cỏ à? Ta cũng là người từ đồng ruộng mà ra đấy”.

Nghe vậy, cô gái làng Tó mỉm cười đáp “em biết, nhưng thấy vua ngự giá đến đâu là bắt dân chúng lùi xa, bỏ việc, nên mạo muội nghĩ rằng nhà vua đã quên mất ruộng đồng rồi”. Vua Lê Hoàn cả cười nói rằng “giờ ta xuống đây với nàng, chắc nàng thấy rõ ta không quên gốc, cũng nhờ nàng mà ta nhớ gốc xuất thân”.

Cũng theo sách “Sử Việt những bất ngờ lý thú”, lại một hôm khác, vua Lê Hoàn qua ấp Hoa Xá ở làng Tó, tạm dừng quân để lấy binh lương. Vào giờ Ngọ, nhà vua trông thấy một người con gái cùng gánh gạo trong đám nữ binh. Cô đội nón lá, mặc áo vải thô, mắt sáng, mày thanh, mặt xinh như ngọc, miệng cười tươi như hoa, thánh thót câu hò:

“Chàng đi tán tía tán vàng/ Để em cắt bỏ bến đàng sao đang/ Tay cầm bán nguyệt xênh xang/ Một trăm ngọn cỏ lai hàng tay ta”.

Trong phút nghỉ ngơi, cô xuống sông vốc nước rửa tay, tóc búi tó. Nhìn thấy vóc dáng của người con gái, nhà vua cho rằng, người con gái đó không phải tầm thường. Rồi đem lòng thầm thương mến.

Lại có tài liệu khác nói rằng, khi vua Lê Hoàn đi chinh đánh Tống qua vùng Nhuệ Giang, có rất nhiều người đã theo ông đi đánh giặc và vận chuyển quân lương, trong số này có một cô gái có tên là Đô Hồ cũng đi theo đóng thuyền, vận chuyển quân lương, giúp vua đánh giặc giữ nước.

Sau khi đánh tan quân thù, đất nước hưởng cảnh thái bình, nhớ về làng Tó, vua Lê Hoàn chọn ngày ngự giá Bắc tuần, thăm hỏi dân làng. Ngày về lại làng Tó, vua mời già trẻ trong ấp cùng đến dự yến. Nhận ra cô gái năm xưa, vua ban quần gấm áo ngự, phong làm quý phi, thay áo mũ, cùng sánh xa giá về kinh. Bấy giờ bà con, dân làng ai nấy đều vui mừng, lấy làm vinh hiển. Vua Lê lại cấp 185 mẫu ruộng đất, tiền của để bà Phạm Thị Hến báo đáp dân làng.

3 điều kiện trở thành vợ vua

Sách “Sử Việt những bất ngờ lý thú” kể rằng, bấy giờ bà chúa Hến không hề muốn làm vợ vua nhưng do sự nhiệt thành của vua Lê Hoàn nên bà khó bề từ chối. Sau này, về kinh đô Hoa Lư, biết tin cha mất, bà lấy cớ xin về chịu tang. Sau 3 năm, vua Lê Hoàn cho người đến đón nhưng cả 3 lần bà đều từ chối về cung làm vợ vua. Cuối cùng, đích thân vua về làng Tó quê bà.

Biết khó từ chối, bà đưa ra 3 điều kiện buộc vua phải thực hiện gồm: Làm lễ lớn tế cha bà 3 ngày trước khi đón dâu; lễ cưới phải tổ chức ngay tại làng Tó; địa vị của bà phải ngang hàng với 4 hoàng hậu của nhà vua. Vì quá yêu người con gái đẹp người đẹp nết, vua Lê Hoàn đã chấp nhận cả 3 điều kiện.

Ngay sau đó, bà Phạm Thị Hến được phong làm hoàng hậu của triều Lê (Phạm Hoàng hậu). Như vậy, vua Lê Đại Hành có 5 hoàng hậu, gồm: Đại Thắng Minh Hoàng hậu (Dương thị), Phụng Càn Chí Lý Hoàng hậu, Thuận Thánh Minh Đạo Hoàng hậu, Trịnh Quắc Hoàng hậu và Phạm Hoàng hậu.

Tiếc là, sau nhiều năm sinh sống bên vua, bà không thể sinh được người con nào. Buồn tủi, bà xin về quê sinh sống rồi mất tại quê nhà khi mới chỉ 37 tuổi. Dân làng đã lập đền thờ bà ngay tại quê nhà. Hiện nay, đình làng Hoa Xá và Minh Ngự Lâu ở làng Tó, Tả Thanh Oai chính là nơi thờ bà chúa Hến. Hằng năm, dân làng nơi đây vẫn tổ chức cúng giỗ bà. Tưởng nhớ công ơn của bà, dân địa phương còn tôn bà cùng với vua Lê Đại Hành làm Thành hoàng làng của địa phương.

Lễ hội đình Hoa Xá - Minh Ngự Lâu tưởng nhớ bà chúa Hến và vua Lê Hoàn được tổ chức vào ngày 14 tháng Giêng hằng năm. Di tích đình làng Hoa Xá - Minh Ngự Lâu đã được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1994.

Lê Hoàn tức Lê Đại Hành (941 - 1005) vốn là người Thanh Hóa ngày nay, ông là vị vua đã lập nên triều Tiền Lê trong lịch sử phong kiến Việt Nam, trị vì đất nước trong 24 năm, lập nên nhiều chiến công hiển hách.

Khi còn trẻ, ông làm Thập đạo tướng quân dưới thời nhà Đinh. Khi vua Đinh Tiên Hoàng qua đời, ông được Thái hậu Dương Vân Nga và triều thần tôn lên làm vua để tổ chức nhân dân kháng chiến chống quân Tống xâm lược. Lê Hoàn nổi tiếng là ông vua văn võ song toàn, với chiến công “đánh Tống bình Chiêm”, được suy tôn làm một trong 14 anh hùng dân tộc tiêu biểu của Việt Nam.

Vua Lê Đại Hành có 5 hoàng hậu, gồm: Đại Thắng Minh Hoàng hậu (Dương thị), Phụng Càn Chí Lý Hoàng hậu, Thuận Thánh Minh Đạo Hoàng hậu, Trịnh Quắc Hoàng hậu và Phạm Hoàng hậu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.