Tại cơ qua công an, Đỗ Mạnh Tuấn khai nhận đối tượng này hành hung bác sỹ Phạm Thanh Tùng là do thương xót cháu Nguyễn Gia Huy và bức xúc trước thái độ của y bác sỹ trong bệnh viện Thanh Nhàn.
Về vụ việc này, bác sỹ Tùng cho rằng do Tuấn hiểu nhầm sự việc. Tuấn tưởng tưởng bác sĩ Tùng không chịu khám cho cháu bé dù thực tế bác sĩ đã giải thích và hướng dẫn với gia đình cháu bé đầy đủ quy trình khám bệnh.
Theo bác sỹ Tùng, chuyện người nhà bệnh nhân dọa đánh, dọa chém là chuyện không phải hiếm ở phòng cấp cứu.
Một bác sỹ tại BV Thanh Nhàn cũng chia sẻ: "Nhiều lần, bệnh nhân rất đông mà tâm lý luôn muốn được khám ngay nên tôi phải thông cảm. Khi đông quá, tôi phải nói với bệnh nhân: "Bác chờ cho chút, cháu ra khám cho bệnh nhân nặng hơn nhé. Bệnh nhân đó cũng rất thông cảm và hợp tác".
Tuy nhiên, cũng có người nhà bệnh nhân gây sức ép cho cán bộ y tế, thậm chí dọa chém. Có lần, đối tượng xăm trổ đưa một bệnh nhân bị chảy máu vào cấp cứu.
Dù lúc đó, tôi đã tiếp nhận và khám nhưng đối tượng đi cùng bệnh nhân vẫn đứng sát bên cạnh quát: “Mày không làm nhanh thì tao chém chết. Không làm cẩn thận đừng trách tao”.
Không chỉ ở BV Thanh Nhàn, phòng cấp cứu BV Việt Đức cũng là nơi “nước sôi lửa bỏng” khi phải tiếp nhận số lượng bệnh nhân bị thương khổng lồ, đủ mọi thành phần. Bệnh nhân đến cấp cứu có thể do tai nạn nhưng cũng có những bệnh nhân đến vì đâm chém nhau.
|
Đối tượng Tuấn gây náo loạn tại Khoa cấp cứu, BV Thanh Nhàn ngày 20/9. (Ảnh chụp từ clip) |
Điều dưỡng trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch, lồng ngực, BV Việt Đức Nguyễn Xuân Vinh kể: “Tôi từng gặp tình huống khá phức tạp khi tham gia cấp cứu cho bệnh nhân.
Một thanh niên bị chém, máu chảy mạnh được đưa vào phòng cấp cứu. Đi theo bệnh nhân này có 1 tốp thanh niên. Họ yêu cầu phải phẫu thuật ngay. Nhưng việc phẫu thuật không phải đơn giản vì còn phải sắp xếp phòng, bác sỹ.
Tôi có việc phải đi và 20 phút sau quay lại thì thấy ầm ĩ, nhân viên y tế chạy toán loạn vì những đối tượng này đòi giết. Vào lúc đó, vết thương tiếp tục chảy máu dù điều dưỡng đã sơ cứu ban đầu. Một người bạn của bệnh nhân chỉ mặt tôi nói: “Bạn tao mà chết thì chúng mày chết”.
Lúc đó, điều đầu tiên tôi nghĩ là phải cứu sống được bệnh nhân nhưng đây là tình huống nguy hiểm không kém cho chính tôi và những cán bộ y tế khác.
Tôi đứng sau ôm bệnh nhân, sau lưng là tường. Một tay bóp chặt lấy tay bị chém đang chảy máu của bệnh nhân để giữ không cho máu chảy. Một mặt vẫn nói chuyện với những đối tượng này: "Nếu phẫu thuật ngay mà không qua sơ cứu ban đầu có thể cái tay sẽ không hoạt động được sau phẫu thuật. Nếu để sơ cứu cẩn thận sau đó phẫu thuật thì cứu vớt được tay, các anh chọn phương án nào?"
Tất nhiên, tôi biết họ sẽ chọn phương án 2 sau khi nghe tôi giải thích. Tôi nói: Để tôi cấp cứu cho bệnh nhân trước rồi các anh thích đánh thì đánh sau.
Tôi không bỏ chạy và không dại mà làm vậy, vì tôi hiểu nếu tôi làm vậy, sự thể còn diễn biến xấu hơn".
Bác sĩ Vinh cho biết, sau khi nói vậy, bọn họ không còn tỏ ra hung hăng nữa. Ông Vinh cho rằng, xảy ra mâu thuẫn ở bệnh viện thường bởi 2 lý do: Do hiểu lầm và do có gì đó chưa phải từ 2 phía.
Với trường hợp hiểu lầm, có thể người cung cấp thông tin không đủ, không đúng khiến người nhà nổi xung lên và tấn công bác sỹ. Vấn đề là phải giải thích cho họ để tránh có sự hiểu lầm, từ đó tránh mâu thuẫn. Có thể bệnh nhân hay người đi cùng sẽ tưởng rằng bác sĩ gây khó dễ để đòi tiền hay vướng mắc vấn đề gì đó.
Ngoài ra, khi bệnh nhân vào cấp cứu tức là đã nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng, tâm lý người nhà lúc đó căng thẳng lo lắng. Bác sỹ lại bận không có nhiều thời gian để giải thích rõ cho người nhà hiểu rằng muốn tiến hành phẫu thuật cần phải có thời gian để sắp xếp.
Người nhà chờ đợi lâu, suốt ruột, khó chịu. Nếu thời điểm đó, chỉ cần 1 câu nói, thái độ của nhân viên y tế khiến người nhà bệnh nhân ‘nóng mặt’ là xô xát rất dễ xảy ra.
Thạc sỹ Y học Vũ Văn Giang, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp BV Thanh Nhàn cho rằng: Xã hội không đồng tình với hành vi đánh bác sỹ. Nhân viên y tế phải làm việc với áp lực lớn. Họ phải tập trung toàn bộ sức lực vào công tác chuyên môn. Một số đối tượng không hiểu, không chia sẻ, nghĩ rằng cán bộ y tế gây khó dễ nên có những hành động trên.
Để đáp ứng được tất cả nhu cầu người dân thì nhân viên y tế cũng còn phải chịu nhiều áp lực. Đối với nhân viên y tế thì vấn đề y đức hiện nay rất được quan tâm. Các cán bộ y tế cũng luôn mong muốn được tập trung làm chuyên môn chứ không phải ngày ngày lo lắng cho sự an toàn của bản thân.