Người nghệ sĩ phải là người chiến sĩ

GD&TĐ - Sau hai ngày (11&12/11) đặt ra hàng loạt vấn đề và cùng nhau thảo luận những góc nhìn thật nhất, rõ nhất về thực trạng “đạo đức xã hội trong văn học, nghệ thuật hiện nay” đã được các nhà phê bình, nhân sĩ trí thức chỉ ra. 

Người nghệ sĩ phải là người chiến sĩ
Hội thảo khoa học toàn quốc về “vấn đề đạo đức xã hội trong văn học, nghệ thuật hiện nay” không chỉ giúp nhiều văn nghệ sĩ nhìn lại những giá trị văn hóa, đạo đức đã và đang thành hình, mà còn giúp xã hội thẳng thắn nhìn vào những “gam màu tối” trong bức tranh văn hóa để từ đó định hướng và xây dựng lại những chuẩn mực đạo đức phù hợp. 

Hội thảo nhằm góp sức thiết thực triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị T.Ư 9 (khóa 11) về việc “xây dựng và phát triển văn hóa, con người VN đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Tiếng chuông cảnh báo

“Hiện nay trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật như sân khấu, điện ảnh, âm nhạc… chức năng giải trí đang có xu hướng lấn át chức năng giáo dục. Đây là vấn đề rất đáng báo động” - PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương mở đầu hội thảo đầy trăn trở như vậy. 

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, hiện có rất ít những tác phẩm có giá trị cao, nhiều tác phẩm chỉ tập trung chạy theo thị hiếu tầm thường. 

Trong đời sống văn học nghệ thuật hiện xuất hiện một số “cây bút” thiếu trải nghiệm thực tế, sống chủ yếu ở thành phố, quá lệ thuộc vào các phương tiện truyền thông… cho ra đời những tác phẩm thiếu tính chân thực, hoặc chạy theo những sự kiện giật gân câu khách…

Chính do môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai… đã và đang khiến một bộ phận giới trẻ, thanh thiếu niên lạc bước.

Như được chạm vào nỗi bức xúc, GS Phong Lê chỉ rõ những bất cập, những “khoảng trống” trong định hướng, kiểm soát vấn đề đạo đức trong văn học, nghệ thuật: “ Thực trạng tràn lan trên vỉa hè những tựa sách giật gân, câu khách, rẻ tiền. Ca nhạc đầy rẫy ca khúc thảm họa, ca sĩ thảm họa…thì làm sao định hướng và xây dựng cho thế hệ trẻ được những góc nhìn đẹp”.

GS.TS Đinh Xuân Dũng thì không quá ngạc nhiên với thực trạng mới mà cũ này. Ông cho rằng, trong bối cảnh xã hội đương thời, sự xuất hiện của chủ nghĩa “thực dụng kinh tế” có vẻ đã lấn át nhu cầu về tinh thần - đạo đức của con người là điều dễ hiểu. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh.

Những vấn đề đặt ra tại Hội thảo không mới nhưng là những vấn đề lớn mang tính thời sự, là đòi hỏi bức thiết, sống còn đối với nền VHNT nước nhà. 

Từ nhiều góc độ tiếp cận khác nhau, các tham luận, các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã đặt đúng và trúng vấn đề, gợi mở nhiều giải pháp cấp thiết đang được xã hội quan tâm. 

Trong đó, vấn đề mà các đại biểu muốn gửi gắm, chia sẻ chính là thực trạng đầy nhức nhối về đạo đức xã hội trong văn học và nghệ thuật hiện nay đã thật sự xuống đến tận đáy và đã đến lúc phải gióng lên hồi chuông báo động. 

Bởi sự lạc chuẩn ấy, nó không chỉ đã và đang bào mòn các giá trị văn hóa của dân tộc, đang thay đổi cách cảm, cách nhìn về các giá trị chân-thiện-mỹ của giới trẻ…

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khi tham gia ý kiến tại hội thảo cũng khẳng định: “Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, chế độ và cuộc sống ở đâu đi nữa, thì đạo đức cũng là yêu cầu phải đặt lên hàng đầu, mang tính sống còn của con người và xã hội. Khi nào chân - thiện - mỹ trở thành lối sống thì đạo đức chính là khao khát, là lẽ sống vươn tới, là chuẩn mực của xã hội…”.

Người nghệ sĩ phải thật sự là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa

Ngoài việc chỉ ra những tồn tại đầy bất cập, tại hội thảo nhiều vấn đề cũng được các đại biểu xới tung ở mọi góc cạnh. Trong đó, nhiều câu hỏi như: 

Phải chăng trong đời sống văn nghệ ở nước ta, chức năng giải trí bắt đầu lấn át các chức năng cơ bản khác? Phải chăng, những người làm nghệ thuật hiện nay đang “lảng tránh” việc phản ánh vấn đề đạo đức xã hội, biến văn học, nghệ thuật trở thành trò giải trí đơn thuần, đôi khi rẻ tiền?

Sự bức xúc ấy được NSND Phạm Thị Thành nhìn nhận thẳng thắn: Lẽ ra, xã hội đang có nhiều vấn đề bức xúc như vậy thì văn nghệ sĩ có chất liệu sáng tác, phản ánh hiện thực những bức xúc của xã hội, thể hiện nỗi bất bình của người dân trước tình trạng sa sút về nhân phẩm, đạo đức trong xã hội. 

Thế nhưng, thực trạng nóng bỏng lại thiếu hẳn trên sân khấu nói riêng văn học nghệ thuật nói chung. Điều đó cho thấy, vai trò và tiếng nói của nghệ sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng đang có vấn đề do né tránh, hoặc là ngại…

Đây là điều cần phải thẳng thắn nhìn nhận nếu muốn tìm kiếm một giải pháp thiệt thực, cụ thể để đẩy lùi tình trạng trên. “Không phải cơ quan quản lý, không phải nghành chức năng, àm chính các văn nghệ sĩ phải trở thành người “chiến sĩ” trên mặt trận này”- Bà nói. 

Kiểu ăn mặc hở hang, phản cảm đang đầy rẫy, tràn lan trong giới showbiz Việt
 Kiểu ăn mặc hở hang, phản cảm đang đầy rẫy, tràn lan trong giới showbiz Việt

NSƯT - đạo diễn Trần Minh Ngọc cho rằng: Sự lệch chuẩn thẩm mỹ trên màn ảnh nhỏ qua nhiều chương trình trực tiếp đã và đang làm méo mó chức năng giáo dục của truyền thông. 
Ông cho rằng vài năm gần đây, khi các mạng xã hội phát triển với tốc độ chóng mặt, công chúng tự nhiên hiển thị độ chênh nhất định về trình độ hưởng thụ văn hóa, thưởng thức nghệ thuật.
Vai trò của người nghệ sĩ và truyền thông rất quan trọng, khi tính định hướng các giá trị bị lệch chuẩn, sẽ không thể đòi hỏi một sự chuẩn mực trong văn hóa của giới trẻ. 

Trước thực tế đạo đức trong con người làm nghệ thuật đang bị đánh mất. GS.TS Đinh Xuân Dũng cho rằng, không cách nào khác mỗi người nghệ sĩ cần đặc biệt quan tâm đến “trách nhiệm và lương tâm” trong việc phản ánh các vấn đề, sự kiện. 

Cụ thể, người nghệ sĩ không chỉ kể lể, hay miêu tả những gì nhìn thấy trong cuộc sống mà phải đứng ở chiều sâu và tầm cao của đạo đức khi phản ánh sự việc, đặc biệt khi phản ánh “cái ác”. 

Bởi khi ý thức và trách nhiệm rõ trong tính định hướng của mình, những giá trị thiếu chuẩn mực chắc chắn sẽ bị phai nhòa đi khi được thể hiện.

Đồng tính với cách nhìn vấn đề thẳng thắn của GS Dũng, GS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam - chỉ thẳng tên và phê phán một số chương trình truyền hình hiện nay: 

Thực tế hiện nay, một số chương trình truyền hình, tưởng chừng có vai trò định hướng tốt đẹp cho lối sống, phong cách của thanh thiếu niên nhưng nhiều khi lại gây ra những tác dụng ngược khi khai thác hình ảnh xa hoa, với những cách ăn mặc phục trang lòe lẹt hở hang, ứng xử phản cảm, đánh mất dần những nét đẹp văn hóa truyền thống của nghệ thuật Việt Nam. 

“Không thể trách giới trẻ khi hàng ngày hàng giớ các cháu bị tiêm nhiễm bởi những hình ảnh, châm ngôn sống thiếu tính giáo dục, định hướng trên truyền hình. Khi thế hệ trẻ không được trang bị cho mình một “phông” văn hóa nhất định, thiếu sự định hướng và bảo vệ bởi các giá trị văn hóa cốt lỗi trước sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai, sự lệch chuẩn là điều dễ nhìn thấy”- Ông chia sẻ.

Phát biểu bế mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh nhấn mạnh: Hội thảo khoa học lần này đã đạt được yêu cầu, mục tiêu đề ra. Kết quả của Hội thảo là cơ sở góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI); đồng thời gợi mở những giải pháp vừa cơ bản, vừa cấp bách, nhằm tạo ra những thành tựu mới của văn hóa nghệ thuật nước nhà trong lĩnh vực xây dựng đạo đức, nhân cách, lý tưởng sống của con người Việt Nam. 

Qua Hội thảo hôm nay, một lần nữa thể hiện ý thức trách nhiệm và tâm huyết của giới nghiên cứu lý luận, phê bình và sáng tác văn háo nghệ thuật nước ta nhằm góp sức xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo nên động lực sáng tạo mới, cổ vũ ý thức hướng tới những giá trị nhân văn cao đẹp, làm giàu thêm đời sống tinh thần, hoàn thiện đạo đức, nhân cách con người Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới và hội nhập sâu rộng, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.