Người lập cơ sở giáo dục ĐH tư thục đầu tiên: Cứ đi để lối thành đường

GD&TĐ - Không chỉ đặt nền móng cho Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội trở thành một trong những cơ sở giáo dục ĐH có số lượng tuyển sinh mỗi năm lớn nhất cả nước, NGND Ngô Xuân Độ còn là người xây dựng cơ sở giáo dục đại học tư thục đầu tiên ở Việt Nam.

Trường Đại học Thành Đô
Trường Đại học Thành Đô

Hút sinh viên bằng chất lượng

Trong câu chuyện về cuộc đời làm nghề, NGND Ngô Xuân Độ nhiều lần nhắc lại nơi và thời điểm mình sinh ra: Làng quê nghèo tại thôn Tiêu (Hồng Thái, Ninh Giang, Hải Dương), trong bối cảnh hòa bình vừa được lập lại. Thuở ấy, sau phong trào Bình dân học vụ, số người biết đọc, biết viết thì nhiều nhưng những người giỏi chữ để làm “ông Đồ” thì hầu như không có.

May mắn hơn bạn bè cùng trang lứa là được đi học sớm, chàng thanh niên Ngô Xuân Độ được gọi vào học Trường Trung cao cấp Cơ điện Hà Nội rồi trở thành một trong số rất ít sinh viên được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại trường. Từ giáo viên, lên làm giáo viên chủ nhiệm, rồi tổ trưởng chuyên môn, phó trưởng ban, trưởng phòng, rồi đến phó hiệu trưởng và hiệu trưởng. 20 năm giảng dạy ở Trường CĐ Công nghiệp Hà Nội, nhà giáo Ngô Xuân Độ có 10 năm được công nhận là giáo viên giỏi của trường, 8 năm là giáo viên giỏi cấp Bộ và được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc.

  • Nhà giáo Ngô Xuân Độ

Chọn nghề và gắn bó suốt cuộc đời với nghề đến nay đã hơn 55 năm, một trong những niềm vui lớn của NGND Ngô Xuân Độ là khi được Bộ GD&ĐT giao làm Trưởng ban biên soạn xây dựng 4 chương trình trung học nghề điện, phay, nguội, hàn. Bộ giáo trình đó được sử dụng thống nhất ở tất cả các trường đào tạo trung học chuyên nghiệp trong cả nước. Sau đó, là việc nghiên cứu đề xuất nâng cấp Trường Trung học Công nghiệp trở thành Trường CĐ Công nghệ đa cấp, đa ngành. Đề xuất đó được các cấp có thẩm quyền chấp thuận bằng việc thành lập Trường CĐ Hà Nội.

“Tôi vui mừng khôn xiết khi ngày càng có đông sinh viên đến học tập. Năm học 1999 - 2000 chỉ có 5.000 học sinh nhưng đến năm học 2000 - 2001 đã có tới 25.000 HSSV. Đại đa số HSSV ra trường có việc và làm được việc ngay, đó là điều tôi rất tâm đắc” – NGND Ngô Xuân Độ chia sẻ.

Đặt viên gạch đầu tiên cho ĐH tư thục

Nghỉ hưu năm 2003 nhưng vẫn ấp ủ những mong muốn được cống hiến cho nghề đặc biệt là nghề dạy kỹ thuật, trong một lần được báo cáo với ông Phạm Gia Khiêm, khi đó là Phó Thủ tướng, NGND Ngô Xuân Độ mạnh dạn trình bày nguyện vọng muốn xin được thành lập 1 trường công nghệ tư thục tại Việt Nam. Bất ngờ, Phó Thủ tướng đã chấp thuận cho xây dựng Đề án thành lập Trường CĐ Tư thục Công nghệ Thành Đô. Có dịp đi nghiên cứu một số mô hình trường ĐH tư thục ở một số nước như Mỹ và Nhật Bản, sau khi được các cơ quan chức năng chấp thuận, Trường CĐ Tư thục Công nghệ Thành Đô, tiền thân của Trường ĐH Thành Đô ngày nay ra đời vào năm 2004.

NGND Ngô Xuân Độ nhớ lại: Việc thành lập trường đã khó vì nhận thức của xã hội lúc đó chưa hiểu, chưa có gì để tin ngôi trường tư thục; nhưng việc đầu tư xây dựng và công tác tuyển sinh, công tác đào tạo khó khăn càng gấp bội. Ban đầu, trường chỉ có diện tích gần 6.000 m vuông đất, xây 2 nhà 4 tầng với 25 phòng học, 12 phòng chức năng. Trường chỉ được phép tuyển sinh đào tạo hệ CĐ và hệ trung cấp cho 5 ngành với 600 sinh viên.

Sau 5 năm, trường đã gặt hái những thành công ban đầu, NGND Ngô Xuân Độ mong trường sẽ chuyển mạnh sang đào tạo hệ ĐH. Năm 2009, trường đã đào tạo 13 ngành CĐ chính quy 10 ngành trung cấp chuyên nghiệp và 7 ngành CĐ liên thông. Đặc biệt, thời gian này, Bộ GD&ĐT đã cho phép tuyển sinh 8 ngành hệ ĐH Khóa I. Cũng trong thời gian này, tập trung quyết liệt cho việc tìm địa điểm, năm 2007, trường được UBND thành phố Hà Nội cấp 97.528 m vuông đất và sau nhiều năm đầu tư xây dựng đến năm 2012 thì hoàn thành 1 phần của dự án. Trường ĐH Thành Đô được thành lập chuyển về cơ sở mới.

“Với sự nỗ lực của rất nhiều người, trong gần 15 năm qua, Trường ĐH Thành Đô đã có hơn 20.000 sinh viên ra trường, trong số đó, nhiều khoa có 100% sinh viên có việc làm ổn định” – NGND Ngô Xuân Độ tự hào.

Trả lời câu hỏi: Trong bối cảnh triển khai Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH mới ban hành, cần thúc đẩy như thế nào để giáo dục Việt Nam phát triển hội nhập quốc tế? NGND Ngô Xuân Độ cho rằng: Luật mới cần nâng cao tính khả thi trong những quy phạm pháp lý về chuẩn hóa và hội nhập quốc tế, đòi hỏi phải tính đến cả mục tiêu, chương trình, nội dung và phương pháp giáo dục đại học phù hợp với từng trình độ đào tạo của giáo dục ĐH, từng lĩnh vực, ngành và chuyên ngành đào tạo.

Quá trình đó đang diễn ra theo những quy luật tự nhiên, đồng thời rất cần có tính chủ động cao của cả hệ thống và từng cơ sở giáo dục ĐH để thúc đẩy tiến trình phát triển nhanh hơn, theo kịp giáo dục ĐH tiên tiến trên thế giới. Bên cạnh đó, cần phải coi trọng những chính sách gắn kết giữa đào tạo với việc sử dụng lao động, thực hiện tối đa bình đẳng giữa trường công với trường tư.

“Trường ĐH Thành Đô hướng tới việc cho phương án cổ phần công ty theo tinh thần của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH để cùng đồng hành với nhà trường trong việc tìm đầu ra cho sinh viên. Để có sản phẩm tốt thì việc đầu tiên phải có giảng viên tốt, có tâm và nhiệt tình với nghề, luôn phấn đấu để học tập và nghiên cứu trong lĩnh vực giảng dạy; các giảng viên phải là người gắn kết với doanh nghiệp. Các giảng viên phải được thường xuyên tham gia đào tạo tập huấn nghiệp vụ với các đối tác của trường, là cầu nối để đưa sinh viên đến thực tập và làm việc tại các doanh nghiệp….” – NGND Ngô Xuân Độ chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ