Hiện tại, Việt Nam và hầu hết các nước trong khu vực đã hữu bản quyền truyền hình chính thức SEA Games 32. Hiện tại, một số đơn vị truyền hình trong nước đã có kế hoạch phát sóng Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 32, trong đó có Đài truyền hình Việt Nam (VTV).
Theo thông báo mới nhất, Campuchia chỉ sản xuất và phát sóng trực tiếp 16 trên tổng số 37 môn thi đấu tại đại hội. Vì vậy, VTV chỉ có thể tường thuật các môn thi đấu trên, do đó người hâm mộ Việt Nam cũng sẽ không được thưởng thức SEA Games 32 một cách trọn vẹn nhất.
Các bộ môn được phát sóng bao gồm điền kinh, thể thao dưới nước (bơi, nhảy cầu), bóng đá (nam, nữ), bi sắt, bóng rổ, bóng chuyền, cầu lông, võ kun khmer; cầu mây, karate, taekwondo, bóng rổ, pencak silat, hockey, bóng bàn, thể thao điện tử.
Theo kế hoạch, VTV cũng phát sóng trực tiếp lễ khai mạc SEA Games 32 vào ngày 5/5 và lễ bế mạc đại hội vào ngày 17/5. Dự kiến, VTV sẽ phát 2 sự kiện nói trên và 16 môn trên kênh VTV2 và VTV5.
Đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 32 với 1.003 thành viên, trong đó có 702 vận động viên, 189 huấn luyện viên, 10 chuyên gia thi đấu 30/36 môn thể thao, 447/583 nội dung.
Tại SEA Games 31 trên sân nhà, Việt Nam đã áp đảo các đối thủ khi giành đến 205 huy chương vàng, dẫn đầu toàn đoàn, bỏ xa đoàn đứng sau Thái Lan (chỉ giành 92 Huy chương Vàng).
Mục tiêu của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 lần này là phấn đấu giành từ 89 - 120 Huy chương Vàng, đứng tốp 3 đại hội.
Ngoài thách thức từ các đối thủ, đoàn thể thao Việt Nam cũng đối mặt với khó khăn về lực lượng. Một số vận động viên dính doping tại SEA Games 31 chắc chắn sẽ không được dự SEA Games 32.
Ngoài ra, vì nhiều lý do khác nhau như chấn thương, bận dự các giải khác, một số nhà vô địch SEA Games như Phạm Thị Hồng Thanh (cử tạ), Trần Đình Nam (pencak silat) hay Lò Thị Hoàng (ném lao)… sẽ không dự SEA Games 32. Đây đều là những vận động viên đẳng cấp của Việt Nam và thường áp đảo các đối thủ ở nội dung mà họ tham dự.