Đó không phải một tuyên ngôn để truyền cảm hứng, mà là lời cam kết thầm lặng của ông Trương Văn Kiên – Giám đốc Chi nhánh Thanh Hóa, Công ty Cổ phần Giáo dục Edu24h – người con của vùng đất Thạch Thành đang âm thầm mở ra những cánh cửa đi xa cho thế hệ trẻ.
Đi thật xa để trở về…
Ít ai biết rằng ông Trương Văn Kiên (45 tuổi, Thạch Bàn, Thanh Hóa) – Giám đốc Công ty Cổ phần Giáo dục Edu24h, Chi nhánh Thanh Hóa, không xuất thân từ những học viện quốc tế, không mang danh xưng học vị, học hàm nước ngoài. Thay vào đó, những năm tháng tuổi trẻ, ông Kiên đã đặt chân tới nhiều quốc gia trên thế giới như Nam Phi, Dubai, Singapore, Hàn Quốc nhờ vào sự nỗ lực, vào đôi bàn tay của người lao động chân chính. Ông Kiên bày tỏ, việc học không chỉ là những kiến thức trong sách vở, mà học là chuyện cả đời, người con xa xứ ấy học từ chính thực tế cuộc sống, từ những va chạm, từ những lần vấp ngã và tự đứng lên.
Ông Kiên bồi hồi nhớ lại, những năm tháng tuổi trẻ, ông cũng giống như nhiều thanh niên trẻ ở Thanh Hóa đã chọn đi nước ngoài lao động với hi vọng cải thiện đời sống vật chất, góp phần làm giàu cho quê hương đất nước. Thế nhưng không có con đường nào là dễ dàng ở nơi đất khách, quê người. Ông Kiên cho biết, không chỉ ông mà bất cứ ai đi xuất khẩu lao động, đi học nghề ở nước ngoài, thưở ban đầu mới sang cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, bỡ ngỡ, bất đồng từ văn hóa đến ngôn ngữ…

“Thời gian đầu mới sang, chiếc điện thoại là vật bất ly thân vì nhiều khi họ nói mình không hiểu hết, phải dùng phần mềm trên điện thoại để dịch. Từ nào khó hiểu, câu nào khó nghe lại phải nhờ đến người hỗ trợ. Tối tối chỉ biết trò chuyện qua điện thoại, những lúc mệt mỏi, vất vả không dám nói với người thân nhưng cũng chẳng biết tâm sự cùng ai. Nhưng như tôi là còn may mắn, có nhiều người còn gặp phải những kẻ môi giới không có tâm, bị lừa đảo hết số tiền môi giới mà vẫn không đi được sang nước ngoài”, ông Kiên trăn trở cho biết.
Song cũng chính nhờ những trải nghiệm thực tế ấy, ông hiểu sâu sắc điều gì đang ngăn những đứa trẻ ở vùng quê như Thạch Thành, Như Thanh, Quan Sơn, Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) chạm tay vào cơ hội toàn cầu. “Không phải vì các bạn trẻ ấy kém cỏi, mà vì họ đang thiếu một người dẫn đường, thiếu niềm tin, và thiếu một cánh tay giơ ra đúng lúc. Tôi biết cảm giác đi xa mà không biết đi về đâu. Vì vậy nên tôi trở về, tạo ra một nơi để các em bắt đầu hành trình ra thế giới bằng sự chuẩn bị vững chắc nhất. Tôi tin mỗi đứa trẻ ở quê hương tôi đều có thể trở thành công dân toàn cầu, nếu có người chỉ lối. Và tôi muốn là người đó”, ông Kiên khẳng định.
Bền bỉ gieo niềm tin
Công ty Cổ phần Giáo dục Edu24h, Chi nhánh Thanh Hóa, dưới sự điều hành của ông Kiên không hoạt động như một trung tâm thương mại dịch vụ. Thay vào đó, đây là nơi học sinh nghèo lần đầu được nghe về du học nghề, là nơi cha mẹ được giải thích cặn kẽ về visa, ngành học, chính sách bảo hộ và việc làm sau khi tốt nghiệp.

“Tôi chưa bao giờ nghĩ mình đang ‘gửi các em đi nước ngoài’. Tôi chỉ giúp các em tìm ra con đường có thể đi tiếp, an toàn hơn, nhiều cơ hội hơn, nhưng không đánh đổi giá trị bản thân. Tôi thường gọi học viên là ‘đồng đội’, và gọi việc tư vấn là ‘giao tiếp bằng sự thật’. Không tô hồng, không giấu nhẹm đi những khó khăn, không vẽ mộng ảo về mức lương không tưởng. Song tôi luôn nhấn mạnh rằng nếu các em có lòng tin, sự quyết tâm kiên trì không bỏ cuộc, thì em có thể đi xa hơn cả những gì thầy từng đi”, vị Giám đốc này nhấn mạnh.

Đến tìm hiểu về chương trình du học nghề Hàn Quốc, em Trần Văn Toàn (20 tuổi, Quan Sơn, Thanh Hóa) chia sẻ, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Toàn lên Hà Nội chạy xe công nghệ. Song công việc này vất vả lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Những ngày ốm đau, không chạy xe được thì em cũng không có thu nhập. Sau này các chính sách từ đối tác ngày càng thắt chặt, thu nhập của em không đủ trang trải sinh hoạt phí.
“Em cũng tìm hiểu về một số chương trình du học nghề tại Hàn Quốc, Nhật Bản,.. Tình cờ, em biết tới Công ty Cổ phần Giáo dục Edu24h do một người bạn giới thiệu, bạn em hiện đã sang Hàn Quốc du học nghề được hơn 4 tháng rồi. Em thấy đây là cơ hội phát triển rất tiềm năng, phù hợp với sự năng động của những người trẻ. Bố mẹ em cũng ủng hộ, động viên em cố gắng học tiếng, đi làm để sau này cuộc sống đỡ vất vả”, em Trần Văn Toàn trải lòng.
Chỉ trong chưa đầy 1 năm, chi nhánh Edu24h Thanh Hóa đã hỗ trợ hàng trăm học sinh, người lao động trẻ xây dựng lộ trình du học nghề, học tiếng, phỏng vấn kỹ năng, và chuẩn bị xuất cảnh an toàn. Không ít em là học sinh vùng núi, từng nghĩ rằng chỉ cố gắng học hết cấp 3 rồi “ở nhà kiếm việc gì đó làm nuôi sống bản thân”, nhưng nay đã sẵn sàng cầm vé máy bay tới Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, với hành trang là kiến thức, định hướng, và lời dặn của người thầy: “Con đi vì con xứng đáng, và nhất định con sẽ trở về – trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn”.