Người dân Tràng Xá thoát nghèo nhờ thanh long ruột đỏ

GD&TĐ -Những năm gần đây, bà con xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên đã có thu nhập ổn định từ việc trồng thanh long ruột đỏ.

Người dân Tràng Xá thoát nghèo nhờ thanh long ruột đỏ.
Người dân Tràng Xá thoát nghèo nhờ thanh long ruột đỏ.

Tiên phong chuyển đổi giống cây trồng mới

Là một trong những người tiên phong đưa giống cây thanh long ruột đỏ về vùng đất miền núi Tràng Xá, ông Chu Thanh Hùng xóm Hợp Nhất chia sẻ: Năm 2010, qua báo chí, tôi biết đến một nông dân trồng thành công loại cây trồng này tại xã Phúc Thuận, thành phố Phổ Yên nên đã đến tận nơi học hỏi kinh nghiệm và mua giống về trồng.

Không ngại thử thách với cây trồng mới, ông trồng 300 gốc thanh long trên nền diện tích 0,7ha trước đây trồng mía kém hiệu quả. Sau một thời gian theo dõi thanh long sinh trưởng và tìm đọc thêm các tài liệu, ông Hùng tự tin trồng thêm 200 gốc, nâng diện tích trồng thanh long của gia đình lên trên 1ha.

Thanh long là giống cây ăn quả ít sâu bệnh quy trình chăm sóc đơn giản cho sản lượng thu hoạch cao.jpg
Cây thanh long thể hiện ưu điểm vượt trội hơn do ổn định về năng suất và giá cả đầu ra trong khi kỹ thuật chăm sóc không quá cầu kỳ.

Ông Hùng cho biết: Ban đầu, do còn ít kinh nghiệm nên năng suất thanh long cũng như tỉ lệ ra hoa nghịch vụ của vườn thanh long còn khá thấp. Trong quá trình sản xuất, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đồng thời tham dự các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng thanh long cũng như tìm hiểu thêm kỹ thuật từ sách, báo. Nhờ đó, năng suất cây thanh long của gia đình đã tăng cao.

Cây thanh long thể hiện ưu điểm vượt trội hơn do ổn định về năng suất và giá cả đầu ra trong khi kỹ thuật chăm sóc không quá cầu kỳ. Đặc biệt, mùa vụ thu hoạch thanh long ruột đỏ kéo dài tới 5 tháng nên rất thuận lợi cho tiêu thụ.

Không phụ công người chăm sóc, những gốc thanh long đã cho sản lượng quả với chất lượng tốt, quả có lòng đỏ tím, vị ngọt, thơm mát nên được thị trường đón nhận.

Bội thu trái ngọt

Còn đối với gia đình ông Chu Thanh Hải và bà Hoàng Thị Cương, năm 2010 gia đình ông Hải cũng bắt đầu chuyển đổi diện tích cây trồng năng suất thấp sang trồng thanh long ruột đỏ.

Ông Hải cho biết, bén duyên với giống thanh long ruột đỏ từ hơn 10 năm về trước, đến nay cũng nhờ giống cây ăn quả này đã giúp gia đình phát triển kinh tế khá ổn định.

Hiện nay, gia đình tôi trồng 1000 gốc thanh long trên diện tích 1 mẫu, cây Thanh long là cây thuộc họ xương rồng nên khả năng sinh trưởng trên các vùng đồi, gò khô cằn tốt, quy trình chăm sóc lại đơn giản.

Theo tính toán của ông Hải, trung bình một năm, gia đình ông đầu tư khoảng 30 triệu đồng tiền phân bón để chăm sóc cho 1000 gốc thanh long.

Chia sẻ về quy trình trồng và chăm sóc cây thanh long, ông Hải cho biết: Có nhiều biện pháp xử lý ra hoa nghịch vụ nhưng biện pháp thắp đèn là hiệu quả nhất. Thời gian thắp sáng liên tục từ 15-20 đêm tùy theo mùa và điều kiện thời tiết, thời gian thắp đèn từ 7-10 giờ/đêm. Sau khi ngưng thắp đèn 3-5 ngày thì cây ra hoa. Từ khi ra hoa đến thu hoạch khoảng 52-54 ngày.

Trước khi thắp đèn 1 tuần cần phải bón phân có tỷ lệ lân và kali cao, khi bắt đầu thắp đèn thì xử lý thêm phân Krista-MKP với liều 100- 200 g/trụ để đạt tỷ lệ ra hoa cao nhất.

Cây thanh long tương đối ít sâu bệnh hơn những cây khác, về côn trùng, chỉ cần lưu ý phòng trừ kiến, bọ xít và quan trọng nhất là ruồi vàng. Để phòng trừ ruồi vàng, có thể đặt bẫy dẫn dụ và diệt ruồi vàng. Ngoài ra, cần phải thu gom và tiêu hủy các quả bị rụng hư thối để diệt nhộng dưới đất và kiến,...

Cũng theo ông Hải, thời điểm này thanh long chín rộ, ngày nào cũng có quả chín gia đình ông ít khi phải mang ra chợ bán mà có thương lái đến tận vườn thu mua, với giá từ 10.000 – 15.000 đồng/kg giống cây ăn quả này đã giúp nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo.

IMG_3808.JPG
Năm nay, gia đình ông Chu Thanh Hải vô cùng phấn khởi vì sản lượng, chất lượng quả thanh long tốt nhờ đó giá bán cũng ổn định, cho thu nhập khá.

Theo thống kê, trên địa bàn xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên có khoảng 12ha trồng thanh long ruột đỏ, Thông thường, cây thanh long trồng khoảng 1 năm thì cho thu hoạch và đạt sản lượng cao nhất sau 3 năm trồng. Hàng năm, thanh long ruột đỏ cho thu hoạch khoảng 12 lứa quả trong thời gian từ tháng 6 đến hết tháng 11, năng suất trung bình đạt trên 6 tấn quả/ha. Quả thanh long ruột đỏ thành phẩm trồng tại xã Tràng Xá có lòng đỏ tím, vị ngọt đậm, hương thơm dịu, quả đạt quy cách từ 2-3 quả/1kg.

Từ việc lựa chọn đúng mô hình làm kinh tế, quả thanh long ruột đỏ đã giúp gia đình ông Hùng, ông Hải cũng như nhiều hộ dân ở xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên có mức thu nhập ổn định, tiến tới làm giàu ngay trên đồng đất quê hương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ