Người đàn ông 'gàn dở' hơn 20 năm bảo tồn giống tùng quý

GD&TĐ - Anh Phạm Văn Sự, 44 tuổi, trú phường Thanh Sơn (TP Uông Bí, Quảng Ninh) có hơn 20 năm miệt mài chăm sóc vườn xích tùng rộng cả 1.000 m2.

Anh Phạm Văn Sự chăm sóc những cây xích tùng tại vườn nhà mình.
Anh Phạm Văn Sự chăm sóc những cây xích tùng tại vườn nhà mình.

Vườn ngày càng xanh tốt, số cây nhân giống nhiều lên chính là thành quả, tâm huyết của anh dành cho loài cây này.

Giống cây siêu quý trên miền đất lành

Anh Sự cho biết, bản thân có duyên với loài cây này. Năm 2001, khi đang học Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) hệ tại chức ở Quảng Ninh, anh xin làm việc ở Đội thu quỹ đường, Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử.

Do yêu cầu công việc, anh thường xuyên đi lại các điểm di tích, say mê ngắm xích tùng cổ thụ bởi “nó tượng trưng cho sức sống mãnh liệt, khí phách hiên ngang, chính trực của người quân tử”.

Chứng kiến một số cây xích tùng cổ hơn 700 tuổi trên Yên Tử chết hoặc bị thời tiết, sâu bọ gây hại và có nguy cơ chết, trong khi chưa tìm ra giống để trồng thay thế, anh Sự đã tìm tòi, nghiên cứu và nhân giống thành công giống cây này. Anh là người đầu tiên và duy nhất cho đến nay nhân giống được giống cây xích tùng cổ trên Yên Tử.

Năm 2002, anh Sự bắt đầu có ý định nhân giống để bảo tồn. Sau khi hết giờ làm, anh đi quanh những gốc cây xích tùng để tìm hạt giống, mỗi lần chỉ được vài chục hạt vì chúng nhỏ như hạt thóc, khi rụng xuống lẫn vào đất đá.

Số cây rụng hạt cũng rất ít. Theo anh Sự, mùa hạt cây xích tùng rụng kéo dài 2 tháng. Nếu không thu nhặt nhanh hạt có thể bị ủng thối dưới thảm thực bì, nếu có nảy mầm thì cũng không thể tồn tại vì bị sâu bọ tấn công.

Đây là lý do vì sao đến nay, không xuất hiện bất cứ cây xích tùng nào mọc tự nhiên. Theo giới chuyên môn, rừng xích tùng cổ trên Yên Tử là do các bậc tiền nhân trồng, bởi có hàng, lối và ở những vị trí đặc biệt. Thể hiện rõ nhất là ở khu vực đường Tùng, còn khoảng 70 cây được trồng hai bên con đường hành hương.

Cuối năm 2002, anh Sự đã ươm hàng nghìn hạt xích tùng đầu tiên. Đến đầu năm 2003, sau 7 tháng ươm, hạt xích tùng nảy mầm đạt 80%, nhưng tỷ lệ sống không cao, sau đó cây chết rải rác do thối rễ. Đến năm 2010, anh Sự mới tin đã thành công trong nhân giống khi 80 cây xích tùng phát triển tốt.

Anh chuyển cho Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử 16 cây, trồng cạnh trụ sở. Ở nhà, anh trồng khoảng 50 cây và chuyển cho một số anh em bạn bè ba miền trồng thử xem có phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng không. Tất cả những cây này đều thích nghi tốt.

Cũng trong năm 2010, anh Sự chuyển sang thí nghiệm giâm cành và phải đến 2015 mới thành công. Hiện nay, vườn xích tùng của anh Sự có hơn 2.000 cây, trong đó gần 300 cây cao 1 - 4,5m được nhân giống bằng hạt; 1.750 cây cao 0,1 - 0,6m nhân giống bằng giâm cành.

Để nhân giống và trồng thành công giống cây xích tùng, anh Sự cho biết, đã nghiên cứu cách trồng của các bậc tiền nhân. Ngoài việc phải quan tâm đặc biệt do các hạt xích tùng thường nảy mầm vào mùa mưa là mùa của sâu bệnh thì cần chú ý đến yếu tố ánh nắng.

Cây xích tùng không có nắng sẽ chết. Vì thế, tất cả những cây xích tùng cổ hiện nay trên Yên Tử đều nằm ở rìa vực hoặc là ở những vị trí mà đất một bên cao, một bên thấp để lấy ánh sáng tốt nhất.

Theo anh Sự, để hạt xích tùng nảy mầm, cần dùng những chiếc khay, lấy đất ở gốc của cây xích tùng bố mẹ, vì ở đó có nấm cộng sinh. Đất xung quanh pha cát và có mùn sẽ thuận lợi khi reo, sau đó rắc vôi xung quanh để tránh kiến và mối. Trên bề mặt, anh sẽ phủ lá cây già để tránh côn trùng.

Với cách giâm cành, tốt nhất là cắt cành từ cây 17 - 18 tuổi, còn những cây ở khu di tích thì không nên lấy vì tuổi cao, sức sống không tốt. Do từng học về môi trường và có thời gian làm ở Yên Tử nên anh Sự biết được thực trạng của cây.

Quy trình nhân giống cũng tìm hiểu qua nhiều tài liệu, nhưng đến nay chủ yếu vẫn làm thủ công. Hiện nay, anh Sự không phải đi lượm hạt trong rừng nữa mà những cây ở vườn nhà cũng đã cho thu hoạch quả. Với anh Sự, hạt nào cũng như cục vàng vì đó là sự sống, là cơ hội để loài cây này không tuyệt chủng.

Những cây xích tùng 700 tuổi ở khu đường Tùng Yên Tử.

Những cây xích tùng 700 tuổi ở khu đường Tùng Yên Tử.

Cho vùng danh sơn Yên Tử xanh

Tính đến nay, anh Sự đã giao 1.065 cây xích tùng cao hơn 1m cho Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử. Số cây được đem lên trồng tại rừng Yên Tử đều khỏe mạnh vì đã được trồng tại vườn nhà anh Sự khoảng 7 năm, có thể sinh trưởng tốt trong môi trường tự nhiên.

Những cây này được tập trung trồng bổ sung tại những khu vực có cây xích tùng cổ như khu vực đường Xích Tùng, Am Dược, chùa Hoa Yên, khu vực đường sang thác Vàng, thác Bạc, khu vực chùa Vân Tiêu, Bảo Sái, Hòn Ngọc, Tháp Tổ được trồng nhiều nhất.

Toàn bộ những cây xích tùng trồng mới sẽ được cắm hàng rào, xác định vị trí để tiện kiểm tra, chăm sóc. Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử cho biết, có một số người ươm được hạt xích tùng, nhưng số lượng ít và chủ yếu dùng chơi là chính.

Những cây xích tùng cao hơn 1m tại vườn nhà anh Sự phát triển tốt.

Những cây xích tùng cao hơn 1m tại vườn nhà anh Sự phát triển tốt.

Anh Sự nhân giống được nhiều nhất và tâm huyết nhất với loài cây này. Sau khi tiếp nhận hơn 1.000 cây xích tùng, những vị trí trồng mới đều được lực lượng Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử kiểm tra, chăm sóc định kỳ.

Hiện, Yên Tử còn khoảng 230 cây xích tùng hơn 700 tuổi. Vài năm trở lại đây, hơn 20 cây đã chết; 132 cây có thân, gốc bị mục rỗng, cụt ngọn, sâu bệnh nặng... Riêng khu đường Tùng có 69 cây thì 7 cây chết, 51 cây bị mục rỗng thân, gốc và sâu bệnh hại.

Năm 2019, dự án chăm sóc, bảo tồn các cây xích tùng cổ tại rừng quốc gia Yên Tử được triển khai, ngân sách từ tiền bán vé tham quan Yên Tử. Tổng số vốn cho dự án trên 26 tỷ đồng, kéo dài 5 năm. Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp nhiệt đới đã khám và chữa bệnh cho 233 cây xích tùng cổ.

Hiện nay, các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục thực hiện phác đồ điều trị sâu bệnh cho cây xích tùng. Ngày 29/10/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về Yên Tử dự lễ Phật cầu nguyện quốc thái dân an và tham gia kế hoạch trồng 1.000 cây xích tùng theo chương trình khôi phục và phát triển giống cây Tùng bản địa quý hiếm, cây đặc trưng vùng danh sơn Yên Tử.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, đợt trồng 1.000 cây xích tùng này là khởi động cho chương trình bảo tồn và phát triển trồng hàng trăm ha các loài gỗ quý tại Yên Tử.

Việc này góp phần tôn tạo, bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị đa dạng sinh học, giá trị thẩm mỹ của cảnh quan thiên nhiên, giá trị đặc biệt về văn hóa - lịch sử tại khu di tích Yên Tử.

Theo Phó Thủ tướng, việc trị sâu bệnh kéo dài tuổi thọ cho cây xích tùng cổ Yên Tử là cần thiết. Một phương án mới là trồng mới đan dặm bổ sung thay thế cây già cỗi là hết sức quan trọng.

Xích tùng, tên gọi khác là hoàng đàn giả, hồng tùng, có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Loài cây này được cho là trồng cùng thời điểm Thái Thượng hoàng, Phật hoàng Trần Nhân Tông đến Yên Tử tu hành và lập Thiền phái Trúc Lâm. Các cây xích tùng cổ trên Yên Tử phân bố khá rộng từ độ cao 400 - 700m, cây ở độ cao thấp nhất là 327m tại Am Lò Rèn và cao nhất 748m ở trước cửa chùa Bảo Sái.

Đặc biệt là khu đường Tùng với những cây tùng 700 năm tuổi là hàng cây trồng cổ nhất Việt Nam. Đường Tùng mang nhiều giá trị, vừa là di sản, vừa góp phần tạo nên những giá trị văn hóa, tinh thần linh thiêng ở nơi được coi là cái nôi của Phật giáo Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sắc xanh xe buýt điện VinBus không ngừng nỗ lực “phủ xanh” thành phố (Ảnh: VinBus)

80 tuần Vingroup 'phủ xanh' Việt Nam

GD&TĐ -Quỹ Vì tương lai xanh và các công ty thành viên thuộc hệ sinh thái Vingroup đã triển khai những hành động “phủ xanh” trên khắp dải đất hình chữ S.