Les Baugh, người mất cả 2 tay trong một vụ tai nạn liên quan đến điện cách đây 40 năm, đã có thể điều khiển các cánh tay giả chỉ đơn giản bằng cách nghĩ về việc cử động chúng. Sau khi huấn luyện các cơ sử dụng 2 cánh tay mới, ông Baugh đã có thể nhấc cao cốc chén và thực hiện hàng loạt cử động với mỗi cánh tay.
Người đàn ông đến từ bang Colorado này đã làm nên lịch sử tại Phòng thí nghiệm vật lý ứng dụng thuộc Đại học Johns Hopkins (APL), Mỹ khi trở thành người cụt cả 2 tay tới tận vai đầu tiên sử dụng và điều khiển được đồng thời hai trong số các chi giả tháo lắp được của APL.
Quan trọng hơn, ông Baugh còn tham gia một nỗ lực nghiên cứu do APL tài trợ, nhằm đánh giá sâu hơn nữa tính hữu dụng của các chi giả tháo lắp được - sản phẩm đã được phòng thí nghiệm này phát triển suốt một thập niên qua.
Trước khi thử sức với hệ thống chi giả mới, ông Baugh phải trải qua một cuộc phẫu thuật tại bệnh viện Johns Hopkins nhằm tái làm cứng chắc các cơ mục tiêu.
"Đây là một dạng phẫu thuật tương đối mới, giúp phân bổ lại các dây thần kinh từng kiểm soát cánh tay và bàn tay.
Thông qua việc tái phân bổ các dây thần kinh hiện hữu, chúng tôi có thể giúp những người bị cụt phần cánh tay trên kiểm soát chi giả chỉ bằng cách nghĩ về hành động họ muốn thực hiện", chuyên gia phẫu thuật chấn thương Albert Chi giải thích.
Sau khi hồi phục, ông Baugh đã tới phòng thí nghiệm để huấn luyện sử dụng các cánh tay giả. Trước hết, ông làm việc với các nhà nghiên cứu về hệ thống nhận dạng mẫu.
Trong đó, các chuyên gia đã sử dụng các thuật toán nhận dạng mẫu để nhận diện các cơ riêng rẽ đang co rút, việc chúng giao tiếp với nhau tốt tới mức nào cũng như biên độ và tần suất của chúng. Họ thu thập các thông tin rồi biến nó thành các cử động thực sự bên trong một chi giả.
Tiếp đến, ông Baugh được lắp đặt một bộ phận ổ cắm tùy chỉnh cho thân và vai, giúp nâng đỡ các cánh tay giả cũng như tạo kết nối thần kinh với các dây thần kinh đã được làm cứng cáp ban đầu.
Khi các cánh tay giả được lắp đặt hoàn chỉnh, ông Baugh cảm thấy mình như "bước vào một thế giới hoàn toàn khác". Ông đã di chuyển được nhiều vật thể, kể cả một chiếc chén rỗng từ kệ thấp lên giá cao - nhiệm vụ đòi hỏi ông kiểm soát 8 cử động riêng rẽ.
Nhóm nghiên cứu đã vô cùng phấn khích với những gì ông Baugh làm được. Bước tiếp theo, họ sẽ để ông Baugh về nhà cùng với một nguyên mẫu 2 cánh tay giả điều khiển bằng ý nghĩ để xem chúng tương thích với cuộc sống thường nhật của ông thế nào.