Người dân đổ xô đi chuẩn hóa thông tin thuê bao di động

GD&TĐ - Lo ngại bị khóa sim 1 chiều sau ngày 31/3, người dân đã đổ xô đến điểm giao dịch của các nhà mạng để thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao di động.

Nhiều người dân tìm đến điểm giao dịch của nhà mạng Viettel trên đường Nguyễn Cơ Thạch (Hà Nội) để chuẩn hóa thông tin thuê bao di động trong ngày 29/3.
Nhiều người dân tìm đến điểm giao dịch của nhà mạng Viettel trên đường Nguyễn Cơ Thạch (Hà Nội) để chuẩn hóa thông tin thuê bao di động trong ngày 29/3.

Ấn định hạn cuối chuẩn hóa thông tin thuê bao di động

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), cho biết, sau ngày 31/3/2023, các nhà mạng bắt đầu thực hiện khóa 1 chiều với những thuê bao có thông tin không trùng khớp với thông tin đối soát trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Những thuê bao này sẽ bị nhà mạng khóa thông tin 2 chiều và sau 2 tháng sẽ chấm dứt hợp đồng nếu thuê bao không đăng ký chuẩn hóa thông tin cá nhân. Cục Viễn thông nhấn mạnh việc yêu cầu các nhà mạng cương quyết dừng hoạt động của những thuê bao có thông tin không chính xác theo quy định.

Theo Cục Viễn thông, việc chuẩn hoá thông tin được thực hiện theo quy định tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP. Bộ TT&TT yêu cầu các mạng phải thông báo tới khách hàng và xây dựng nhiều kênh hỗ trợ chuẩn hóa thông tin (trực tuyến qua ứng dụng, trang web, đến trực tiếp cửa hàng hoặc nhân viên nhà mạng tới gặp khách hàng).

Các nhà mạng được chỉ đạo phải rà soát phân loại, cá thể hóa theo từng nhóm thuê bao cần chuẩn hóa để truyền thông, bảo đảm người dân tiếp cận đầy đủ thông tin, dễ dàng cập nhật, đồng thời tránh làm phiền khách hàng đã có thông tin đúng.

Việc rà soát, chuẩn hóa thông tin thuê bao của người sử dụng dịch vụ viễn thông di động để đảm bảo trùng khớp với thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đánh giá là hoạt động cần thiết nhằm góp phần ổn định trật tự xã hội; kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi sử dụng sim điện thoại có thông tin đăng ký không đúng quy định, thực hiện hành vi lừa đảo, quảng cáo sai sự thật, thiếu văn hóa, trái với thuần phong mỹ tục…

Theo số liệu từ Cục Viễn thông, tính đến ngày 28/3 đã có hơn 1,8 triệu thuê bao thực hiện chuẩn hóa lại thông tin cá nhân, chiếm 46,89% số thuê bao thuộc diện phải chuẩn hóa. Cục Viễn thông cho hay, hiện vẫn còn khoảng gần 2 triệu thuê bao chưa chuẩn hóa, số thuê bao này có nguy cơ bị khóa nếu không đăng ký lại thông tin cá nhân.

Trước thực trạng đó, một số nhà mạng muốn lùi thời hạn khóa thuê bao theo quy định là ngày 31/3 để nhiều người kịp thời chuẩn hóa thông tin. Liên quan đến nội dung này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long khẳng định thời điểm ngày 31/3 là hạn cuối cùng để các thuê bao thực hiện chuẩn hóa thông tin. Nếu sau thời điểm này, khách hàng chưa chuẩn hóa sẽ bị khóa thuê bao. Bộ TT&TT yêu cầu các nhà mạng phải thực hiện nghiêm túc.

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT, việc lùi thời hạn sẽ làm cho nhiều thuê bao chần chừ trong việc chuẩn hóa thông tin khi nhận được thông báo từ nhà mạng. Vì vậy, Bộ TT&TT kiên quyết thực hiện nghiêm túc thời gian khóa thuê bao sau ngày 31/3 và các nhà mạng tiếp tục chuẩn hóa lại thông tin cá nhân cho những thuê bao bị khóa.

Việc chuẩn hóa thông tin thuê bao di động được tiến hành khá nhanh chóng.

Việc chuẩn hóa thông tin thuê bao di động được tiến hành khá nhanh chóng.

Nghỉ làm để đi chuẩn hóa thông tin trước “giờ G”

Ghi nhận của Báo GD&TĐ tại một số điểm giao dịch của các nhà mạng Viettel, Vinaphone, Mobifone cho thấy số lượng người dân tìm đến để tiến hành chuẩn hóa thông tin trước “giờ G” tăng đột biến. Nhiều người chia sẻ đã phải xin nghỉ làm để có thể đi chuẩn hóa sim.

Chị Phan Thị Bích (phường Mỹ Đình II, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết sau khi tan làm buổi sáng, chị phải xin công ty nghỉ nửa buổi làm để đi chuẩn hóa thông tin thuê bao di động tại một điểm giao dịch của nhà mạng Viettel nằm trên đường Nguyễn Cơ Thạch (Nam Từ Liêm).

“Tôi làm chuyên về lĩnh vực bất động sản nên số thuê bao hiện tại là “sợi dây” liên kết với nhiều khách hàng quen. Mặc dù không nhận được thông báo của nhà mạng yêu cầu phải chuẩn hóa lại thông tin, nhưng khi kiểm tra theo hướng dẫn, tôi thấy chủ số thuê bao mang tên chồng tôi.

Do yêu cầu hiện nay đòi hỏi thông tin thuê bao phải chính chủ nên cả 2 vợ chồng tôi phải ra đăng ký lại để đảm bảo quyền lợi”, chị Bích cho biết.

Tại điểm giao dịch của nhà mạng Viettel có địa chỉ ở phố Nhổn (phường Xuân Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội), ông Vũ Văn Toản (63 tuổi, trú tại xã Di Trạch, Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, do trước đây ông được con trai mua cho một sim điện thoại chưa đăng ký thuê bao chính chủ, nên sau khi kiểm tra, ông Toản đã đi thực hiện chuẩn hóa thông tin.

“Sim điện thoại tôi có lưu nhiều số liên lạc của người thân, bạn bè, nếu bị khóa sẽ rất bất tiện. Dự định là sẽ phải chờ lâu nhưng tôi khá bất ngờ khi thủ tục thực hiện chuẩn hóa thông tin lại diễn ra rất nhanh chóng”, ông Toản chia sẻ.

Ông Toản đánh giá việc yêu cầu chuẩn hóa thông tin thuê bao di động là một quy định rất đúng đắn, sẽ giảm được các cuộc gọi lừa đảo, chào bán sản phẩm gây phiền hà cho người dân.

Ghi nhận người dân làm thủ tục chuẩn hóa thông tin thuê bao di động tại điểm giao dịch của nhà mạng Vinaphone trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội).

Ghi nhận người dân làm thủ tục chuẩn hóa thông tin thuê bao di động tại điểm giao dịch của nhà mạng Vinaphone trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội).

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Thu (Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng tìm đến điểm giao dịch của nhà mạng Vinaphone nằm tại số 641 trên đường Phạm Văn Đồng để cập nhật thông tin, điều chỉnh từ CMND 9 số sang 12 số để đảm bảo tương thích khi rà soát với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Nhân viên tại điểm giao dịch cho biết, số lượng khách hàng đến chuẩn hóa thông tin thuê bao tăng mạnh vào những ngày cuối tháng 3, đặc biệt là vào khoảng 3 ngày gần đây khi sát đến ngày cuối cùng để thực hiện chuẩn hóa. Việc này dẫn đến cường độ làm việc của nhân viên trong ngày rất cao.

Để tránh tình trạng quá tải và phải chờ đợi lâu khi trực tiếp đến cửa hàng chuẩn hóa thông tin thuê bao, nhân viên này cho biết, người dân có thể tiếp cận việc chuẩn hóa thông tin bằng nhiều cách khác nhau.

Ví dụ như chuẩn hóa thông tin thông qua ứng dụng điện thoại thông minh hay các trang web của các nhà mạng hoặc gọi tổng đài tư vấn để có được phương án tối ưu nhất.

Một nhân viên nhà mạng Mobifone cho biết, do nhà mạng không thể tự truy cập vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên việc so sánh, đối chiếu thông tin sẽ rất mất thời gian.

Thêm vào đó, do thời gian gấp rút mà số lượng thuê bao cần chuẩn hóa không nhỏ, nên nhà mạng này phải tăng cường nhân sự, tăng thời gian tiếp khách hàng trong những ngày gần đây.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.