Người cổ đại ăn ốc từ 30.000 năm trước

Một khai quật khảo cổ mới ở Tây Ban Nha tiết lộ rằng con người ăn ốc từ thời kỳ đồ đá cũ cách đây 30.000 năm.

Người cổ đại ăn ốc từ 30.000 năm trước

Các nhà khảo cổ phát hiện hàng trăm vỏ ốc cháy gần lò lửa và phần còn lại của nhiều loài động vật khác dọc theo một vách đá trú ẩn ở Tây Ban Nha. Phát hiện này cho thấy, những người sống trong thời kỳ đồ đá cũ trên bán đảo Iberia ăn ốc sớm hơn 10.000 năm so với những người láng giềng ở Địa Trung Hải, Livescience đưa tin.

“Những con ốc có lẽ không cung cấp lượng calo đáng kể trong chế độ ăn uống của cư dân thời kỳ đồ đá cũ, nhưng nó cung cấp một lượng vitamin A, B3, B6 và B12 và nhiều chất dinh dưỡng khác quan trọng”, nhà khảo cổ học Javier Fernández từ Viện IPHES Tây Ban Nha nói.

“Mặc dù ốc hiện diện rất nhiều trong thời kỳ đồ đá cũ, việc giải thích chúng là một nguồn thực phẩm trong thời kỳ này rất phức tạp”, ông cho biết thêm.

Fernández và đồng nghiệp thực hiện khai quật trong khu vực Benidorm, Tây Ban Nha từ ba năm trước đây, khi họ bắt gặp dấu hiệu đầu tiên của cư dân cổ đại. 

Trong phát hiện mới, một lò lửa cổ, công cụ bằng đá, xương động vật, hành trăm vỏ ốc cho thấy bằng chứng về việc nấu ăn thời cổ đại. Xương của nhiều loài động vật khác tại hiện trường bị bẻ gãy bởi con người để lấy tủy xương.

“Vỏ ốc đốt cháy thuộc cùng một loài Iberus alonensis, ngày nay chúng thường xuất hiện trong những món ăn ở Tây Ban Nha như cơm thập cẩm. 

Gần các vỏ ốc là than của cây thông và cây bách xù, những con ốc có kích thước tương tự nhau cho thấy chúng bị bắt khi đạt kích thước tối đa, khoảng 1 tuổi”, Javier Fernández nói.

Hiện vẫn chưa rõ vì sao người ta ăn ốc vào thời điểm này mà không phải là sớm hơn, nhưng nền văn hóa của con người đã trải qua một quá trình chuyển đổi vào thời gian này - con người biết cách sử dụng nguồn tài nguyên trong chế độ ăn uống hiệu quả hơn.

Theo vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ