Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hạn chế mổ phiên từ 1/3:

Người bệnh hoang mang, bác sĩ đau xót

GD&TĐ - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thông báo, từ 1/3, cơ sở y tế này bắt đầu hạn chế mổ phiên (mổ theo lịch) vì thiếu hóa chất, vật tư y tế.

Lượng bệnh nhân tới thăm khám tại Bệnh viện Việt Đức đã giảm so với những ngày trước.
Lượng bệnh nhân tới thăm khám tại Bệnh viện Việt Đức đã giảm so với những ngày trước.

Tình huống không mong muốn này đang tác động nghiêm trọng tới người bệnh, nhân viên y tế tại đây.

Bác sĩ đau đớn khi phải nhắn tin hoãn mổ

Sáng 1/3, sau khi chính thức hạn chế mổ phiên như đã thông báo, lượng bệnh nhân tới thăm khám tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức được ghi nhận đã sụt giảm so với những ngày trước đó. Trong đó, nhiều người tới làm thủ tục xin chuyển viện.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, anh Phạm Huy Hoàng (32 tuổi, quê Hải Phòng) chia sẻ: “Mẹ tôi nhập viện từ cách đây 4 hôm do gặp vấn đề về khớp gối, các bác sĩ kết luận cần phẫu thuật, nhưng bệnh viện hẹn chờ 1 tháng nữa vì tạm hoãn mổ.

Cực chẳng đã, chúng tôi đành làm thủ tục thanh toán viện phí và chuyển viện để mẹ sớm được mổ. Thực sự là rất buồn, gia đình tôi đưa người thân lên đây với hy vọng được điều trị từ những chuyên gia hàng đầu, nhưng giờ lại chật vật đi tìm chỗ mổ, trong khi người ốm thì đau đớn. Thú thực là chúng tôi đang rất hoang mang”.

Trong khi đó, chị Đặng Thị Tâm (42 tuổi, Hưng Yên) cho biết, theo lịch thì ngày 2/3 tới đây, người nhà chị sẽ được phẫu thuật. Tuy nhiên, cách đây 2 ngày, gia đình đã nhận được thông báo từ bệnh viện về việc hoãn mổ với lý do hết vật tư, hoá chất. “Các bác sĩ cũng đã giải thích, tư vấn để gia đình tôi chuyển viện cho người nhà. Chúng tôi hiểu thực trạng của bệnh viện nhưng cũng vô cùng hoang mang và buồn bã”, chị Tâm chia sẻ.

Tính riêng trong ngày 1/3, hàng trăm bệnh nhân đã phải dời lịch mổ, hoãn mổ do bệnh viện chỉ ưu tiên phẫu thuật những bệnh nhân nặng và bệnh nhân cấp cứu, hạn chế mổ phiên.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, một bác sĩ đang làm việc tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: “Theo lịch trước đó, ngày 1/3 tôi sẽ mổ cho gần 20 bệnh nhân. Song, từ vài ngày trước, chính tôi là người phải cầm điện thoại để thông báo cho bệnh nhân của mình về việc hoãn mổ”.

Theo bác sĩ này, trong số mà bác sĩ phải nhắn tin thông báo có những bệnh nhân đã chờ cả tháng mới đến lượt nhập viện và mổ. Ngoài ra, còn rất nhiều bệnh nhân khác cũng đang xếp hàng chờ mổ. “Quả thật, bản thân tôi vô cùng đau xót khi nghe những câu hỏi như “tại sao lại thế?”, “để lâu thế có sao không bác?”… từ người bệnh.

“Thật khó có thể tin được, tại một bệnh viện ngoại khoa hạng đặc biệt lớn nhất và duy nhất của cả nước; mổ toàn những ca nặng nhất, khó nhất và nhiều nhất cả nước; chỉ đạo chuyên khoa cho toàn miền Bắc và 3 tỉnh miền Trung, mà lại lâm vào cảnh thiếu các loại hoá chất vật tư y tế, chỉ vì vướng các loại quy định không thể đấu thầu”, bác sĩ này bày tỏ.

Cũng theo bác sĩ này, thực tế, bệnh viện đã rất cố gắng khắc phục thiếu thốn từ nhiều tháng nay. Đồng thời, bệnh viện cũng cố gắng hết sức để có thể phục vụ bệnh nhân được tốt nhất. “Tôi chỉ hy vọng bệnh nhân thông cảm cho bệnh viện, thông cảm cho ngành y tế đang gặp khó khăn ở giai đoạn này”, bác sĩ tâm tư.

Một bác sĩ khác thì cho biết: “Rất buồn khi bệnh viện buộc phải hoãn mổ phiên vì thiếu vật tư, hóa chất. Tuy nhiên, đây là việc bất khả kháng. Chúng tôi cũng không thể làm khác khi không có đủ vật tư, hóa chất để phẫu thuật. Mặc dù vậy, với các bệnh nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe thì bệnh viện cũng sẽ cố gắng thu xếp để bệnh nhân không phải chờ đợi quá lâu”.

Bác sĩ này chia sẻ, không chỉ người bệnh, mà bệnh viện cũng rất mong muốn tình trạng này sớm được tháo gỡ. Có như vậy, bệnh nhân mới bớt khổ và các bác sĩ được chuyên tâm điều trị mà không phải đứng trước tình cảnh éo le này.

Bệnh viện Việt Đức cho biết sẽ ưu tiên mổ cấp cứu.

Bệnh viện Việt Đức cho biết sẽ ưu tiên mổ cấp cứu.

Một tháng mới có thể hoạt động bình thường trở lại

“Ngày 24/2, Bộ Y tế cho biết đã có báo cáo về các vướng mắc trong mua sắm thuốc, thiết bị y tế. Bộ Y tế đề xuất Chính phủ các giải pháp tháo gỡ trước thực trạng nhiều bệnh viện trên cả nước cần “cấp cứu” vì thiếu vật tư, thiết bị y tế. Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội cho phép sửa đổi Luật Dược, xây dựng để ban hành cơ chế đặc thù về dự trữ đối với các thuốc hiếm, cần thiết cho điều trị… Đối với mua sắm trang thiết bị y tế, Bộ Y tế nêu khó khăn, vướng mắc đang gặp phải như Nghị định 63 và thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn chi tiết về nội dung, phương pháp xây dựng quyết định mua sắm và dự toán mua sắm. Do đó, các đơn vị lúng túng trong việc thực hiện”.

Lý giải về vấn đề này, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, mỗi năm, bệnh viện phẫu thuật gần 80.000 ca, lượng tiêu hao vật tư y tế, hóa chất rất lớn.

Tuy nhiên hiện nay, theo thống kê, có nhiều hóa chất, vật tư y tế đã cạn kiệt. Bệnh viện đã họp rất nhiều lần, kể cả họp Đảng ủy, họp Hội đồng khoa học mở rộng tới tất cả trưởng các bộ phận, đơn vị để tháo gỡ, nhưng vẫn rất khó khăn.

Do vậy, sau cuộc họp với các khoa phòng ngày 22 và 23/2, bệnh viện đã có thông báo hạn chế tối đa mổ phiên, chỉ duy trì mổ cấp cứu. Theo đó, bệnh viện sẽ cân nhắc chỉ định xét nghiệm khi thật cần thiết, hạn chế tối đa các xét nghiệm cho bệnh nhân không cấp cứu.

GS.TS Trần Bình Giang cũng thông tin, nhiều trang thiết bị y tế đã hết hạn từ ngày 31/12/2022 nhưng chưa được gia hạn. Điều này dẫn đến bệnh viện không mua được hóa chất xét nghiệm và một số vật tư y tế tiêu hao...

Trong đó, bệnh viện không mua được các hóa chất định lượng nồng độ thuốc trong máu của bệnh nhân ghép tạng, các hóa chất miễn dịch, hóa chất khí máu, vật tư hút máu đông, miếng dán cố định phẫu trường, kim gây tê tủy sống...

“Luật cho phép nếu trong trường hợp khẩn cấp có thể mua hóa chất, vật tư y tế để cứu người theo hình thức chỉ định thầu, còn mổ phiên thì không áp dụng hình thức đó được.

Đồng thời, bệnh viện cũng không thể để người nhà bệnh nhân mua vật tư y tế, hóa chất từ ngoài vào mổ vì liên quan đến sự an toàn, tính mạng con người. Do vậy, bệnh viện sẽ ưu tiên cho mổ cấp cứu”, GS. TS. Trần Bình Giang cho hay.

Cũng theo Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bác sĩ lâm sàng sẽ đánh giá đúng tình trạng cấp cứu của người bệnh, để hồi sức, mổ cấp cứu theo quy định.

Đồng thời, cân nhắc ra chỉ định xét nghiệm khi thật sự cần thiết hoặc trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các khoa xét nghiệm trước khi ra chỉ định. Với trường hợp cấp cứu, yêu cầu hồ sơ bệnh án phải ghi đầy đủ tình trạng cấp cứu của người bệnh để ra chỉ định mổ cấp cứu.

Lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết thêm, kể cả khi việc đấu thầu, mua sắm vật tư tiêu hao, hóa chất... diễn ra thuận lợi và nhanh chóng thì sớm nhất cũng phải khoảng một tháng các hoạt động phẫu thuật của bệnh viện mới có thể trở lại bình thường.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là bệnh viện hạng đặc biệt, đầu ngành ngoại khoa. Năm 2022, bệnh viện thực hiện hơn 79.000 ca mổ. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 2.000 bệnh nhân nội trú và khoảng 2.000 bệnh nhân đến khám.

Nguyên nhân của tình trạng trên là đa số hóa chất do các công ty cung cấp, kèm theo máy đặt, mượn. Trước đây, cơ quan chức năng cho phép thanh toán bảo hiểm y tế với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy đặt, mượn do nhà thầu cung cấp. Như vậy, bệnh viện có nguồn thu cũng như cơ sở pháp lý để đấu thầu mua sắm hóa chất, triển khai các xét nghiệm phục vụ người bệnh.

Tuy nhiên, điểm mới trong Nghị quyết 144 quy định các hợp đồng ký sau tháng 11/2022 (thời hạn áp dụng đến tháng 11/2023) sẽ không được bảo hiểm y tế chi trả. Do đó, từ tháng 12 năm ngoái, bệnh viện không thể kéo dài hình thức mượn máy, đặt theo kết quả đấu thầu hóa chất như trước, dẫn đến thiếu hụt.

Đặc biệt, những hóa chất quan trọng và ảnh hưởng đến cấp cứu, khám, điều trị bệnh nhân như công thức máu, đông máu, Mg... đã hết số lượng thầu. Mặt khác, hiện các vật tư tiêu hao phục vụ mổ chỉ đủ dùng trong một tháng, nhưng hầu hết giấy phép với những sản phẩm này vẫn chưa được gia hạn, nên không thể mua sắm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ