Tiếng đàn tranh với giai điệu du dương được nữ nghệ sĩ ở Gia Lai đánh trên nền nhạc hiện đại tạo nên một sự kết hợp hài hòa, mang đến cảm giác tươi mới nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc.
Đàn tranh kết hợp nhạc hiện đại
Những năm qua, nhạc hiện đại dần chiếm lĩnh thị trường âm nhạc và được đông đảo giới trẻ yêu thích. Chính vì vậy các loại nhạc cụ truyền thống dần bị quên lãng. Mong muốn nhạc cụ dân tộc có một “chỗ đứng” vững chắc trong lòng các bạn trẻ, nữ nghệ sĩ Hồ Như Quỳnh (25 tuổi, TP Pleiku, Gia Lai) kết hợp đàn tranh với nhạc hiện đại nhằm thu hút người nghe.
Mặc dù không sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, thế nhưng từ nhỏ Như Quỳnh đã say mê âm nhạc. Để thỏa mãn đam mê, Như Quỳnh được gia đình tạo điều kiện, tiếp cận với các loại đàn, như: Guitar, organ... Không những thế, vào năm học lớp 12, nữ sinh còn thử sức với đàn tranh. Lúc bấy giờ, Như Quỳnh vừa học, vừa vào TPHCM để ôn thi chuyên ngành âm nhạc.
Cuối năm 2022, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Đàn tranh tại Nhạc viện TPHCM, Như Quỳnh đi biểu diễn ở nhiều môi trường khác nhau. Thế nhưng, trong những chuyến lưu diễn ấy, chị nhận thấy giới trẻ hiện nay không mấy mặn mà với loại nhạc cụ truyền thống này.
Không muốn các bạn trẻ quên đi nhạc cụ dân tộc, Như Quỳnh quyết định kết hợp biểu diễn đàn tranh trên các thể loại nhạc hiện đại. Nữ nghệ sĩ trình diễn, quay lại video đăng tải lên mạng xã hội và được nhiều người đón nhận, ngợi khen. Điều này khiến Như Quỳnh thấy rất vui, hạnh phúc và tiếp thêm sức mạnh, động lực để chị đưa nhạc cụ truyền thống đến gần các bạn trẻ hơn.
“Việc dung hòa giữa truyền thống và hiện đại đòi hỏi người nghệ sĩ phải rất tinh tế để vừa giữ được bản sắc dân tộc vừa đáp ứng thị hiếu khán giả. Để đàn tranh hòa vào giai điệu sôi động của nhạc hiện đại, người chơi đàn phải nắm vững nhiều kỹ thuật và khả năng xử lý linh hoạt. Người đánh đàn tranh cần phải cảm nhạc tốt, điều chỉnh lực gảy phù hợp để tiếng đàn không bị lấn át.
Tôi mong rằng, sẽ mang một chút mới lạ đến nhạc cụ truyền thống nhằm thu hút mọi người lắng nghe, cảm nhận. Đặc biệt sẽ có nhiều người bị thu hút bởi loại nhạc cụ tuy đơn giản nhưng mang đến âm thanh trong trẻo, cuốn hút”, Như Quỳnh chia sẻ.

Truyền lửa đam mê
Không chỉ dừng lại ở việc kết hợp đàn tranh với nhạc hiện đại, Như Quỳnh còn mở lớp dạy nhạc cụ truyền thống cho học sinh. Lớp học thu hút hơn 30 học viên, đặc biệt có hơn 20 em theo học đàn tranh.
Tại lớp học, các em được “cô giáo” Như Quỳnh hướng dẫn, chỉ bảo tận tình về lịch sử, cấu tạo, kỹ thuật chơi đàn tranh. Bên cạnh đó, học viên được học cách thẩm âm, luyến láy… theo nhịp điệu.
Để giúp các em dễ làm quen với đàn tranh, Như Quỳnh hướng dẫn chơi những bài nhạc thiếu nhi, vừa vui tươi lại vừa phù hợp với lứa tuổi. Khi thành thạo, các em được tiếp cận với các kỹ thuật khó, đặc biệt là khi chơi nhạc dân ca, đờn ca tài tử…
“Tôi không kỳ vọng đào tạo các em trở thành những nghệ sĩ chuyên nghiệp. Tôi chỉ mong mang đến những kiến thức nền tảng để các em có thể đánh được những bài nhạc từ đơn giản đến phức tạp.
Qua đó, phát hiện những học viên có năng khiếu, tố chất nhằm hướng các em tham gia vào trường nghệ thuật, thỏa niềm đam mê của bản thân. Bên cạnh đó, tôi hy vọng các em sẽ yêu thích, đam mê và lưu giữ những nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam”, Như Quỳnh tâm sự.
Là một trong số ít những học viên nam của lớp, em Cao Thái Sơn (học sinh Trường THCS Trần Phú, TP Pleiku) bảo rằng, bản thân chọn chơi đàn tranh mà không phải các loại nhạc cụ hiện đại vì em bị cuốn hút bởi âm thanh mảnh mai, trong sáng. Sau khi được tiếp cận, học đàn tranh em ngày càng bị lôi cuốn và tự hào hơn vì đất nước Việt Nam có những loại nhạc cụ tuy đơn giản nhưng lắng đọng. Cùng với đó em có thêm kiến thức về lịch sử dân tộc.
“Em sẽ cố gắng chăm chỉ, học thật tốt để đánh thành thạo đàn tranh và học thêm một số loại nhạc cụ dân tộc. Em hy vọng mình có thể góp chút sức để đưa đàn tranh đến gần với mọi người, đặc biệt là các bạn học sinh như em”, em Thái Sơn nói.
Nói về dự định trong tương lai, Như Quỳnh hy vọng có thể truyền động lực cho học trò học và biểu diễn đàn tranh. Bên cạnh đó, chị cũng mong muốn được kết hợp cùng các nghệ sĩ, ca sĩ, rapper… người Gia Lai nhằm tạo nên một tác phẩm mang bản sắc riêng của phố núi Pleiku.
Đặc biệt, với những sản phẩm sắp tới trình diễn, Như Quỳnh sẽ cố gắng đầu tư nhằm mang đến một “làn gió mới” cho khán giả, đặc biệt là những người yêu thích nhạc cụ dân tộc.