Các nghiên cứu trước đây từng chỉ ra rằng, "tỉ lệ ngón tay" - chỉ số được xác định bằng chiều dài ngón tay đeo nhẫn chia cho chiều dài ngón tay trỏ, ký hiệu 2D:4D - chịu ảnh hưởng của sự tiếp xúc với hoóc môn trong bào thai.
Cụ thể là, những ai sở hữu ngón tay đeo nhẫn dài hơn nhiều khả năng tiếp xúc với lượng hoóc môn testosterone cao hơn và điều này thường gắn với hành vi hung hăng hơn.
Một nghiên cứu mới của Đại học McGill (Canada) phát hiện, tỉ lệ ngón tay còn tác động đến cả cách đàn ông cư xử với phụ nữ. Trong nghiên cứu, những người tình nguyện đã điền vào các mẫu được lập ra, dựa vào sự tương tác xã hội kéo dài 5 phút hoặc hơn. Họ đánh dấu vào những mục mình đã thực hiện trong một danh sách các hành vi cho sẵn.
Nhóm nghiên cứu phân loại các hành vi thành "dễ chịu" hoặc "dễ gây nổi cáu". Họ nhận thấy, các nam giới có tỉ lệ 2D:4D nhỏ (chiều dài của ngón tay được đo từ nếp gấp nơi ngón tay nối liền với lòng bàn tay, tới đầu chóp ngón tay) có số hành vi "dễ chịu" nhiều hơn gần 1/3 và có hành vi "dễ gây nổi cáu" ít hơn 1/3 so với những bạn đồng giới sở hữu tỉ lệ lớn hơn.
GS Debbie Moskowitz, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: "Khi tiếp xúc với phụ nữ, những người đàn ông sở hữu tỉ lệ 2D:4D nhỏ hơn có xu hướng thực hiện các hành vi chẳng hạn như lắng nghe chăm chú, mỉm cười, thỏa hiệp, bày tỏ sự trấn an và khen người khác.
Họ cư xử theo cách đó trong cả các mối quan hệ yêu đương và quan hệ với bạn bè, đồng nghiệp nữ. Ngược lại, các quý ông sở hữu tỉ lệ 2D:4D lớn hơn nhiều khả năng hay sinh sự với những người đàn ông và phụ nữ mà họ tiếp xúc".
Tuy nhiên, sự khác biệt về tỉ lệ 2D:4D của phụ nữ trong nghiên cứu không cho thấy bất kỳ ảnh hưởng lớn nào đến hành vi của họ. Nhóm nghiên cứu cũng khám phá ra rằng, đàn ông có tỉ lệ 2D:4D nhỏ hơn còn sinh nhiều con hơn.
Các chuyên gia nhận định, mặc dù việc tiếp xúc với hoóc môn không thể dự đoán được hành vi của mỗi cá nhân nhưng mối liên hệ trên đồng nghĩa chiều dài của ngón tay có thể giúp nhận diện những người sở hữu các đặc điểm cá nhân nhất định nói trên.