Ngọn cờ trong xây dựng trường học thông minh

GD&TĐ - Nhằm hướng đến xây dựng trường học thông minh, trong 2 năm học vừa qua, Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM) đã lần lượt cho đi vào hoạt động các Phòng thực hành STEAM, Phòng học STEM với kính thực tế ảo; Phòng học các bộ môn khoa học công nghệ và ngoại ngữ bằng Ipad; Phòng học với tivi tương tác; Nhà kính vườn sinh học 4.0...

Học sinh sử dụng kính thực tế ảo
Học sinh sử dụng kính thực tế ảo

Trang bị các phòng học hiện đại

Đây là ngôi trường công lập đầu tiên tại TPHCM “dám nghĩ, dám làm” với những ý tưởng táo bạo, đi đầu trong việc xây dựng trường học 4.0, nhằm mang đến cho học sinh không gian học tập sáng tạo, thông minh, nguồn học liệu số phong phú.

Tiết học về “Phòng chống hỏa hoạn, kỹ năng thoát khỏi đám cháy” tại phòng kính thực tế ảo khiến các em học sinh lớp 9 vô cùng thích thú và hứng khởi.

Khi sử dụng kính thực tế ảo, học sinh được đặt mình trong không gian một đám cháy thực thụ, có lửa, khói và xung quanh có những vật dụng hỗ trợ, mặt nạ, bình xịt, khăn... Nhiệm vụ của các em là lấy đúng các vật dụng cần thiết để phòng hộ, biết cúi thấp người khi di chuyển, làm sao để thoát ra khỏi đám cháy nhanh nhất.

Được biết, kính thực tế ảo được tích hợp với 85 bài học của một số chuyên đề. Khi HS đeo kính vào để trải nghiệm học tập, hình ảnh rất sinh động, chân thật.

Ngoài ra, HS còn được học tập trải nghiệm phòng học STEAM với các thiết bị hiện đại như máy quét 3D, 16 bộ thiết bị công cụ và nhiều đồ dùng cần thiết khác; trải nghiệm với phòng học khoa học, ngoại ngữ bằng Ipad; học tập tại nhà kính vườn sinh vật 4.0; trồng rau sạch và quản lý vườn sinh vật bằng phần mềm theo định hướng Internet of things.

Để mang đến cho HS những chuyên đề thú vị và bổ ích như trên, thầy Nguyễn Trung Anh Vũ, trưởng nhóm Vật lý của trường chia sẻ, các giáo viên trong tổ đã cùng bàn bạc và đưa ra kế hoạch chi tiết cách làm và tập huấn cho nhau. Là một trong những ngôi trường đi đầu về dạy học theo định hướng STEAM cũng như ứng dụng các thiết bị dạy học hiện đại trong giảng dạy nên chủ yếu các giáo viên tự tìm hiểu và hỗ trợ cho nhau. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm tự nâng cao các kỹ năng.

Việc ứng dụng các thiết bị dạy học hiện đại vào giảng dạy khiến giáo viên gần như phải đổi mới từng ngày, từ cách dạy, cách tiếp cận vấn đề, cách tích hợp kiến thức, lựa chọn chuyên đề học tập phù hợp, tìm kiếm nguồn học liệu, cho đến cách đánh giá HS.

Các tiết học hướng học sinh vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn. “Nhìn thấy các em học tập thoải mái, hứng khởi, hiệu quả, giáo viên chúng tôi cũng vui lây nên đều rất nỗ lực để mang đến cho các em những chuyên đề thú vị hơn nữa”, thầy Anh Vũ nói.

Phòng thực hành STEAM

Phòng thực hành STEAM

Vườn Sinh học 4.0
Vườn Sinh học 4.0

Hướng đến tiệm cận với giáo dục thế giới

Được biết, Trường THCS Lê Quý Đôn đang từng bước phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý, giảng dạy, học tập… đáp ứng xu thế 4.0. TS Phạm Đăng Khoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường đang hướng đến xây dựng một môi trường học đường năng động với nguồn học liệu phong phú, các thiết bị dạy học hiện đại, các bài giảng, các chuyên đề được thiết kế tích hợp, lồng ghép để các em HS được thực học, thực nghiệm và hình thành các kỹ năng cần thiết trong thế kỷ 21.

Ngoài ra, đây cũng là bước chuẩn bị của trường nhằm đáp ứng đổi mới giáo dục, chuẩn bị cho chương trình phổ thông mới. “Khi nhà trường trang bị các phòng học thông minh thì người đầu tiên phải đi đầu trong tự đổi mới mình chính là các giáo viên. Họ phải nỗ lực, tự nâng cao, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, đồng thời qua đó, kích thích niềm đam mê nghiên cứu khoa học của cả giáo viên, lẫn học sinh”.

Bên cạnh đó, khi đưa vào sử dụng phòng học thông minh, trường cũng rất muốn cho các em thông qua các tiết học trải nghiệm phát huy được sở trường, khả năng, những lợi thế của mình để từ đó định hướng được nghề nghiệp tương lai. Có nhiều em, qua từng chuyên đề đã khiến thầy cô rất bất ngờ với khả năng tư duy sáng tạo khi tự làm ra những sản phẩm hữu dụng, như máy lạnh mini, máy hút bụi mini, mô hình xe chạy bằng năng lượng mặt trời, thiết kế hệ thống điện gió, bể cá thông minh…

Từ những hiệu quả bước đầu trong việc triển khai các phòng học thông minh đáp ứng việc dạy học, nhà trường đã nhận được những phản hồi rất tích cực của phụ huynh học sinh, sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo.

Đây chính là động lực để trường tiếp tục có những ý tưởng táo bạo trong dạy và học, hướng đến tiếp cận với giáo dục tiên tiến của thế giới, nhằm phát triển toàn diện học sinh, giúp các em tự tin vươn ra quốc tế.

Từ 2 năm nay, nhà trường đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều đoàn tham quan của các trường học trong và ngoài thành phố đến giao lưu, học tập mô hình.

Khi tôi đeo đuổi thực hiện ý tưởng nào đó, tôi đều nghĩ đến đối tượng được hưởng lợi nhất là các em HS. Các em học tập say mê, hứng khởi trong bầu không khí thoải mái, trong điều kiện, môi trường tốt… thì sẽ luôn tự tin, phát huy được nền tảng đã có để chinh phục những điều lớn lao hơn trong cuộc sống.

TS Phạm Đăng Khoa - Hiệu trưởng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ