(GD&TĐ) - 5h30 sáng, tiếng chuông báo hiệu giờ thức giấc đã điểm, nhiều khuôn mặt còn ngái ngủ trở dậy thật nhanh gấp gọn chăn màn và ùa xuống sân trường. Không có sự chậm chạp, tất cả đều đúng giờ, đúng nguyên tắc – cả thầy và trò.
Dạy võ để kìm chế tính xấu
Đấy là bắt đầu một giờ tập thể dục buổi sáng của các học sinh Trường THPT nội trú IVS. Ngôi trường trực thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam. Thành lập từ năm 2009, trường là nơi duy nhất tại miền Bắc chú trọng phát triển tài năng của những học sinh cá biệt. Học sinh vào trường đa phần từ lớp 6 - 12, nhiều em thiếu vắng tình thương, sự quan tâm sát sao của gia đình. Tính tình các em hiếu động, thích quậy phá, có em từng đi “dạt nhà”, không nghe lời ba mẹ, nghiện game... Nhưng thật lạ, chỉ sau một thời gian học tại IVS, các em đều có những chuyển biến rõ rệt.
Trường THPT nội trú IVS có cách giảng dạy hiện đại, khác biệt so với nhiều ngôi trường THPT khác. Ngoài dạy văn hóa buổi sáng, mỗi buổi chiều, học sinh được chú trọng rèn luyện năng khiếu, phát triển thể chất bên cạnh việc ôn kiến thức văn hóa. IVS là trường phổ thông duy nhất hiện nay bắt buộc học sinh học võ Vovinam để rèn luyện thể chất và khí chất, coi võ như môn học chính tại trường.
“Dùng võ để rèn luyện tính hiếu động, thích quậy phá của học sinh được áp dụng phổ biến tại các trường thiếu sinh quân ở Nga và có tác dụng rất tốt”, thầy Đặng Văn Nguyên, Trưởng phòng Đào tạo IVS chia sẻ về cách giảng dạy của trường. “Học sinh có cá tính mạnh, ưa làm thủ lĩnh sẽ tìm thấy ở võ Vovinam chất “kiềm”, tăng tính kỷ cương, kỷ luật. Đó là lý do, nhà trường dùng Vovinam dạy học trò. Qua đó, các trò được rèn tinh thần võ đạo, biết kính trên nhường dưới, lấy đạo đức chinh phục kẻ yếu thế”, thầy Nguyên nhấn mạnh.
Cách giảng dạy văn hoá của ngôi trường có 200 học sinh này là khai thác ưu điểm cách dạy tại các nước Bắc Âu: Học sinh có cá tính mạnh hấp thụ bài giảng bằng phương pháp trực quan sinh động nhanh, nhớ lâu hơn học sinh bình thường. Mỗi giờ lên lớp, giáo viên dùng máy chiếu, đưa câu chuyện hấp dẫn vào bài giảng. Ngoài giờ lên lớp, thầy trò kèm cặp nhau học, các giáo viên ăn ngủ ngay tại phòng ký túc với trò khiến học sinh ở đây tiến bộ từng ngày.
Chị Nguyễn Thủy Tiên, một phụ huynh học sinh có con gửi vào Trường IVS tâm sự: “Con gái ở nhà được bố mẹ chiều quá nên cháu muốn gì được nấy. Học lớp 9 nhưng con đã bỏ học, trốn nhà đi chơi, bài vở xao nhãng. Nhiều khi cháu còn... đi qua đêm không về. Gia đình lo lắng gửi cháu vào một số trường để rèn nhưng không thấy kết quả. Từ hồi cháu học ở IVS, dù mới 20 ngày nhưng cháu đã biết nghe lời hơn, ngoan và tiến bộ trông thấy”.
Tập luyện võ thuật tại trường IVS |
Mái nhà của bốn phương
Em Nguyễn Hương Quỳnh, sinh năm 1997, năm nay học lớp 9. Quỳnh kể, em sống với bà ngoại vì bố mẹ đi làm ăn xa. Ở Hải Phòng, Quỳnh trốn học thường xuyên, nhưng hiện giờ, em chuyên tâm học tốt và chỉ hy vọng sau lớp 12 sẽ về Hải Phòng chăm sóc cho bà.
Ở IVS nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Như Ứng Hữu Đức, sinh năm 1998, từng được giải Ba cấp tỉnh môn Toán lớp 9, giải Nhất Quốc gia môn Toán máy tính bỏ túi. Lúc mới vào IVS, Đức “giả điên”, rất quậy, không nghe lời ai. Đến hôm nay, cậu bé tỏ rõ sự trưởng thành. Không còn mặc cảm tự ti vì lỗi thi trượt trường chuyên. Đức phát hiện ra năng khiếu đánh đàn ghi-ta rất nghệ sỹ của mình sau những giờ học căng thẳng. Bên cạnh đó là ý thức, trách nhiệm và tình yêu thương đối với gia đình. Trước kia, Đức kể, đi học về, em chỉ lên mạng, ít khi đi chơi hay giao tiếp với bạn bè, sống khép mình.
Cho học sinh lớp 7 - 8 viết tiểu luận cũng là cách dạy mới của Trường IVS. Thầy Nguyên chia sẻ, viết luận giúp các em tự học, kích thích tư duy độc lập, tính sáng tạo. Môn học viết thư được nhà trường tổ chức vào những giờ ngoại khoá nhưng được hầu hết học sinh yêu thích. Viết thư nhắc học sinh nhớ lại tình cảm gia đình, tăng nhận thức về lòng yêu thương cho những học sinh tưởng như “không thể phục hồi” tình yêu và các giá trị nhân văn. Có nhiều em, trong những bức thư gửi về gia đình nhân ngày 20/11, 8/3 đã khiến ba mẹ cảm động rơi nước mắt.
Ngoài rèn võ, nhà trường đưa môn Yoga giảng dạy thứ 7 và chủ nhật hàng tuần. Yoga giúp học sinh tĩnh tâm, phát triển cân bằng hai bán cầu não, rất tốt cho tư duy. Không chỉ học sinh, các thầy cô trong trường cũng thích thú với môn Yoga này và luyện tập rất hăng say.
Tại IVS, thầy và trò coi nhau như “anh em, bè bạn”, đó là tâm sự của nhiều học sinh tại trường. Thầy Phạm Văn Thân, giáo viên dạy võ bồi hồi nhớ lại kỷ niệm khó quên: “Một lần, thấy các em học sinh không nghe lời, tôi rất buồn và nói: Các em không nghe lời thì thầy sẽ rời khỏi đây”. Nhóm nam sinh nước mắt ngắn dài vây quanh thầy hơn một tiếng đồng hồ xin thầy thay đổi quyết định. “Hành động đó của học sinh khiến tôi hiểu rằng, trong trái tim các em có thầy”.
Tấm bảng trong dãy nhà ký túc để răn dạy học sinh in hai thứ tiếng: “To be good, and to do good. Thats all we have to do – Là người tốt và làm việc tốt, đấy là tất cả những gì ta cần phải làm”. Nhà trường khuyến khích học sinh sử dụng ngoại ngữ mọi lúc mọi nơi, Tiếng Anh là môn phải học giỏi khi ra trường. Mỗi năm, vài chục học sinh khối 12 rời IVS, nhiều bạn đỗ các trường ĐH Kinh tế, Công an, Học viện cảnh sát… có bạn đi du học, trưởng thành trong công việc và cuộc sống.
Kim Cúc