Ngôi trường học trải nghiệm sáng tạo, sống trách nhiệm yêu thương

GD&TĐ - Sáng thứ Hai, Gia Hân, lớp 6A1 dậy sớm, nhưng thay vì mang balo đến trường THCS&THPT Lômônôxốp học, cô bé cầm theo một chiếc túi nhỏ, trong đó có sổ tay, bút, thước kẻ... Hôm nay Gia Hân đi học Trải nghiệm sáng tạo cùng các bạn trong trường!

Học sinh khối 6 Trường THCS&THPT Lômônôxốp học về văn hóa và lịch sử ở Bảo tàng Dân tộc học
Học sinh khối 6 Trường THCS&THPT Lômônôxốp học về văn hóa và lịch sử ở Bảo tàng Dân tộc học

Học STEM giữa thiên nhiên

Ngày học trải nghiệm sáng tạo của Gia Hân và các bạn khối 6 rất phong phú: Học quan sát về cây và hoa, ghi chép xem có bao nhiêu loại hoa ở khu du lịch sinh thái các em được dã ngoại, rồi cùng làm việc nhóm, phân công nhau để làm bài slide thu hoạch sau chuyến đi; cùng nhiệt tình cổ vũ bạn học trong giải bơi khối 6, thi nấu ăn... Gia Hân hơi căng thẳng một chút, bởi em còn đại diện lớp hùng biện trước toàn khối chủ đề bảo vệ môi trường…

Một ngày học giữa thiên nhiên thu về những kiến thức thật bổ ích. Gia Hân và các bạn cứ mong ngóng đến đợt trải nghiệm sáng tạo tiếp theo - tham quan Bảo tàng dân tộc học – nơi các em được học hỏi thêm kiến thức về lịch sử, về văn hóa, và còn hứa hẹn làm các phóng viên nhí khi thầy cô treo giải về các cuộc phỏng vấn nhanh bằng tiếng Anh du khách nước ngoài ở bảo tàng nữa!

Được biết, Hệ thống giáo dục Lômôn xốp đã chính thức triển khai chương trình Trải nghiệm sáng tạo được 2 năm nay với sự ủng hộ nhiệt tình của cha mẹ học sinh. Theo thầy Nguyễn Phú Cường – Chủ tịch Hội đồng Quản trị, giáo dục STEM - dạy tích hợp giữa khoa học, kỹ thuật, công nghệ, toán học đã được nhà trường mở rộng ra tích hợp cả các môn khoa học xã hội, đưa các em đi học thực tế, học sinh nhà trường được đánh giá ngoài. 

Học sinh trường THCS&THPT Lômônôxốp tự tin phỏng vấn du khách nước ngoài bằng tiếng Anh
Học sinh trường THCS&THPT Lômônôxốp tự tin phỏng vấn du khách nước ngoài bằng tiếng Anh

Thầy cô đóng vai học sinh đi trải nghiệm

Để có được những giờ học trải nghiệm lý thú cho học sinh, các giáo viên trong trường đã đóng vai học sinh đi trải nghiệm trước. Địa điểm được các thầy cô đến tận nơi để khảo sát tình hình, nơi có bể bơi, sân bóng, có vườn thực vật…  xem có thể xây dựng các chuyên đề học tập như thế nào hợp với thực tế.

Sau buổi trải nghiệm, các thầy cô gửi tới tổ chuyên môn và ban giám hiệu bản kế hoạch chi tiết một buổi trải nghiệm cho học sinh ở bộ môn mình phụ trách: Thời lượng trải nghiệm, chủ đề, câu hỏi đặt ra, kết quả thu được, bài tập cho học sinh… Có thể coi đây là kịch bản chi tiết buổi trải nghiệm sáng tạo của học sinh từ các thầy cô giáo, để cùng một chuyến đi, nhưng lớp thì làm kỹ sư xây dựng, lớp làm nhà sinh vật học nghiên cứu cây cỏ, côn trùng, lớp tập làm nhà kiến trúc…

Khẩu hiệu của trường Lômônôxốp chính là: Học trải nghiệm sáng tạo, sống trách nhiệm yêu thương. Và học trải nghiệm sáng tạo chính là cái cốt lõi của STEM.  Việc thu lượm sau mỗi lần trải nghiệm sáng tạo không chỉ là kiến thức mà còn là sự gắn bó thầy trò, tập thể lớp, là những tình bạn thân thiết và cả bài học về cách ứng xử cuộc sống.

Học sinh được tạo cơ hội để bày tỏ quan điểm riêng, góc nhìn riêng của bản thân về cuộc sống xung quanh. Ở đây, các thầy cô tôn trọng tính cá nhân của học sinh, và cũng từ đó hiểu thêm về lớp trẻ và có những định hướng phù hợp cho các em.

Cùng làm việc nhóm nghiên cứu thực vật
Cùng làm việc nhóm nghiên cứu thực vật

Hướng tới giáo dục khai phóng

Khẩu hiệu của Trường Lô mô nô xốp còn nhấn mạnh đến “Sống trách nhiệm yêu thương” - theo thầy Nguyễn Phú Cường, có thể hiểu đây chính là giáo dục khai phóng - làm thế nào để khơi gợi các em, giúp các em tìm ra chân lý, tự tin hơn.

Các giáo viên nhà trường tổ chức chuyên đề học tập, mời chuyên gia đến trường để nói về lòng biết ơn thầy cô, bố mẹ, kể những câu chuyện súc tích, những tấm gương cụ thể… Sống trách nhiệm yêu thương không chỉ với thầy cô, với bố mẹ mà còn là với xã hội, với người nghèo, với những người có hoàn cảnh khó khăn. Không phải là chỉ có những hoạt động chuyên đề mà trong mỗi giờ học Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân… cũng lồng ghép những nội dung này để xây dựng cho các em nhân cách, để các em dần thấm nhuần những nội dung này.

Trường Lômônôxốp rất chú ý đến các hoạt động của đội thiếu niên, đoàn thanh niên. Mỗi buổi họp là một buổi để các em chủ động xây dựng chương trình học tập cho mình và các bạn cùng lớp. Quan điểm của các thầy cô là để các em được tham gia trong xây dựng nội dung chương trình, phát huy tính sáng tạo của học sinh và tạo ra những bài học gần gũi, thiết thực với các em, qua đó tự xây dựng nhân cách cho mình.

Hỏi thầy Chủ tịch Hội đồng Quản trị, rằng có phải trường có nhiều tiền thì sẽ dễ dàng để tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, giáo dục khai phóng không? Thầy khẳng định: Yếu tố quan trọng nhất chính là con người!

Trường đặt yêu cầu với giáo viên cần chủ động sáng tạo. Giám hiệu cũng đề ra 15 yêu cầu với giáo viên, để nói rằng các thầy cô giáo dục Chân Thiện Mỹ, bản thân các thầy cô đối xử với nhau, Hội đồng quản trị đối xử với người lao động cũng cần chú ý. Từ cô trông trẻ buổi trưa cũng là một giáo viên. Cứ như thế, tính nhân văn được quán triệt. Giáo viên được tạo điều kiện làm việc, được tôn trọng. Mô hình phát triển của nhà trường được rất nhiều trường bạn đến học hỏi.

Hai năm triển khai công khai, nhiều năm trước làm âm thầm, thầy Nguyễn Phú Cường chia sẻ kinh nghiệm: Trước tiên cần có quyết tâm đổi mới. Khi đã có sự chuẩn bị rồi thì cần tạo điều kiện cho giáo viên, trước hết về kinh phí để giáo viên chủ động sáng tạo trong giảng dạy. Tiếp nữa, muốn huy động học sinh thì cần phải yêu thương các em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ