Có thể khẳng định thời gian qua báo chí đã có những đóng góp rất lớn trong việc phát hiện, đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Minh chứng là rất nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn đều do báo chí phát hiện, phanh phui. Báo chí cũng góp tiếng nói rất quan trọng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.
Nhiều người cho rằng chưa bao giờ báo chí được coi trọng và phóng viên báo chí “có uy” như hiện nay. Nhận định này khá chính xác!
Tuy nhiên, cùng với cái “uy” của mình thì một số phóng viên báo chí đã vượt qua giới hạn chức trách, nhiệm vụ của mình, đó là vai trò của người đưa tin, phản ánh sự thật, chống cái xấu, dấn thân đấu tranh cho lẽ phải, giữ gìn, lan tỏa giá trị văn hóa, nhân văn.
Một số phóng viên báo chí đã không vượt qua cám dỗ của đồng tiền, bị lợi ích vật chất làm cho tầm thường, “mờ mắt”, run tay. Những người này đã dùng các bài báo, chứng cứ, thông tin điều tra, thu thập được để đe dọa, tống tiền, trục lợi.
Đối tượng mà họ nhắm đến đương nhiên là quan chức tham nhũng, vi phạm pháp luật hoặc doanh nghiệp làm ăn gian dối, phi pháp.
Cũng vì tiền mà một số phóng viên báo chí sẵn sàng “bẻ công” ngòi bút ca ngợi những kẻ phạm pháp hoặc trù dập, vu khống người vô tội, người đấu tranh cho lẽ phải. Điều này không những vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà nguy hiểm hơn đó là hành động dung túng, tiếp tay, bao che cho hành vi sai phạm.
Hành động này, nhất định sẽ tác động tiêu cực đến trật tự xã hội, công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, giá trị văn hóa lành mạnh cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.
Do đó, để ngăn chặn tình trạng các cơ quan báo chí ngoài việc tăng cường bồi dưỡng, giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo thì phải có những biện pháp để phòng ngừa vi phạm như quản lý chặt chẽ việc phóng viên liên hệ, tiếp xúc trực tiếp với đối tượng đang điều tra chống tiêu cực.
Đặc biệt là đối với các bài chống tiêu cực thì không tùy tiện, dễ dãi trong việc “gỡ bài”, tránh tình trạng “sáng đăng, trưa gặp, tối gỡ” như nhận định của lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương.
Bởi vì, khi ngòi bút càng sắc, kỹ năng càng nhạy bén, người dân và xã hội đã đặt trọn niềm tin thì càng phải chăm nom, giữ gìn. Chỉ có như vậy mới có thể sớm lấy lại và củng cố niềm tin của dư luận, đồng thời xây dựng, bảo vệ nền báo chí lành mạnh, nhân văn của nước nhà.