Nghiên cứu sinh sản nhân tạo cá hồng mi Ấn Độ

GD&TĐ - Cá hồng mi Ấn Độ chưa được nghiên cứu sinh sản trong điều kiện nhân tạo tại nước ta nên vẫn phụ thuộc vào nguồn cá nhập.

Cá hồng mi Ấn Độ được các nhà khoa học Việt cho sinh sản nhân tạo thành công.
Cá hồng mi Ấn Độ được các nhà khoa học Việt cho sinh sản nhân tạo thành công.

Cá hồng mi Ấn Độ chưa được nghiên cứu sinh sản trong điều kiện nhân tạo tại nước ta nên vẫn phụ thuộc vào nguồn cá nhập. Nhóm các nhà khoa học đã nghiên cứu sinh sản nhân tạo thành công loài cá này.

Loài cá cảnh có giá trị kinh tế cao

ThS Nguyễn Thị Kim Liên, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cho biết, cá hồng mi Ấn Độ (Sahyadria denisonii) thuộc họ Cyprinidae, có nguồn gốc từ Ấn Độ.

Kích thước của cá trưởng thành từ 9cm trở lên, màu sắc chủ đạo là đen, đỏ, trắng, nổi bật với màu bạc và một sọc đen chạy dọc cơ thể, một sọc đỏ chạy từ phía miệng qua mi trên rồi dọc ra quá nửa thân phía sau. Thức ăn của chúng bao gồm cả động và thực vật để duy trì vẻ đẹp tự nhiên cũng như để sinh trưởng và phát triển tốt.

Với tiềm năng về giá trị kinh tế cao, cá hồng mi Ấn Độ đang được quan tâm nghiên cứu ở các nước trên thế giới. Theo kết quả khảo sát của một số doanh nghiệp nhập khẩu cá cảnh, hiện nay Indonesia là nước sản xuất giống cá hồng mi Ấn Độ nhiều nhất.

Tại Việt Nam, cá hồng mi Ấn Độ đã và đang được thương mại với số lượng lớn vì có giá trị kinh tế vừa đáp ứng được nhu cầu của người nuôi. Nguồn cá này chủ yếu nhập từ Indonesia. Cá nhập thường có kích thước từ 4 - 6cm, được thuần dưỡng trong điều kiện nuôi nhân tạo sau đó bán ra thị trường.

Nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu đặc điểm sinh học sinh sản; nghiên cứu kỹ thuật sinh sản, ương nuôi cá bột lên cá giống; xây dựng quy trình sản xuất giống cá hồng mi Ấn Độ và đánh giá hiệu quả kinh tế.

Kết quả cho thấy, trong quá trình thuần dưỡng, cá hoàn toàn thích nghi với điều kiện tại TPHCM: Tỷ lệ sống sau thuần dưỡng dao động từ 89,5 - 95%. Kết quả nuôi vỗ ghi nhận tỷ lệ thành thục của cá đực là 80,65%, cá cái 63,16%.

Khối lượng và chiều dài cá đực thành thục tương ứng là 11,16 g/con, 9cm và 18,11 g/con, 9 - 10cm đối với cá cái. Độ béo Fulton của cá dao động từ 1,06 đến 1,23 đối với cá cái và 0,85 đến 1,12 đối với cá đực. Tỷ lệ thành thục của cá 75%.

Hệ số thành thục thấp nhất ở giai đoạn II cho cá đực và cá cái tương ứng là 2,26% và 2,23%, cao nhất ở giai đoạn V là 7,86% và 11,56%. Kích thước noãn bào, sức sinh sản tương đối và sức sinh sản tuyệt đối tương đương với công bố trên thế giới. Mùa vụ sinh sản của cá là quanh năm và tập trung nhiều nhất từ tháng 7 đến tháng 3 dương lịch.

Trong sinh sản nhân tạo sử dụng Ovaprim với 1 liều duy nhất (liều lượng 0,4 ml/kg cá cái và 0,2 ml/kg cá đực) kết quả ghi nhận tỷ lệ sinh sản trung bình 71%, thời gian hiệu ứng 11 giờ 15 phút sau khi tiêm.

Thời gian phát triển của phôi cá là 30 tiếng ở nhiệt độ nước 29 độ C, sức sinh sản tuyệt đối trung bình 736 trứng/cá cái, tỷ lệ thụ tinh là 84 - 85% và tỷ lệ nở là 84%. Thời gian tái thành thục của cá đực là 2 tuần, của cá cái từ 8 đến 9 tuần.

Nghiên cứu thức ăn tạo màu đẹp cho cá

ThS Nguyễn Thị Kim Liên cho biết, kết quả ương nuôi cá hồng mi Ấn Độ cho thấy, từ giai đoạn cá 3 đến 10 ngày tuổi thức ăn là luân trùng cho tỷ lệ sống cao nhất 83,83%. Khi không chuẩn bị được luân trùng thì ấu trùng Artemia vẫn cho tỷ lệ sống cao (76,17%).

Giai đoạn ương cá từ 10 đến 90 ngày tuổi thức ăn tốt nhất là trùn chỉ kết hợp sinh khối Artemia, cá có tỷ lệ sống 78,72%, chiều dài 5,09cm và khối lượng 3,033 g/con. Giai đoạn này có thể dùng thức ăn viên thay thế cho trùn chỉ và sinh khối Artemia vẫn mang lại tỷ lệ sống cao trong sản xuất (70,94%).

Thí nghiệm ảnh hưởng Astaxanthin lên màu sắc cá hồng mi Ấn Độ ghi nhận, trộn với liều lượng 40 mg/kg thức ăn và thời gian cho ăn 2 tháng với cá có kích thước 6cm sẽ giúp cá có màu sắc đẹp, đáp ứng được yêu cầu của thị trường cá cảnh.

Nhóm nghiên cứu cũng đã xây dựng quy trình sản xuất giống cá hồng mi Ấn Độ (bao gồm quy trình nuôi vỗ cá bố mẹ, kích thích sinh sản, ương nuôi) và đánh giá hiệu quả kinh tế với các thông số kỹ thuật cụ thể như: Tỷ lệ cá thành thục 75 - 80%, tỷ lệ sinh sản 70%, sức sinh sản tuyệt đối 750 trứng/cá cái, tỷ lệ trứng thụ tinh 80 - 85%, tỷ lệ trứng nở 80 - 85% và tỷ lệ sống khi ương đến 3 tháng tuổi 70 - 75%.

Theo tính toán, chi phí sản xuất cho 1 con cá giống có kích thước 4 - 5 cm là 6.348 - 6.993 VNĐ/con. Lợi nhuận dự tính cho sản xuất 1.000 con cá hồng mi Ấn Độ kích thước 4 - 5cm (ương 90 ngày) khoảng 18 triệu đồng. Kết quả đề tài có thể chuyển giao cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá cảnh tại TPHCM, góp phần cung cấp con giống cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bể cá mini tròn Bể cá mini ago dad