Nghiên cứu khoa học quản lý giáo dục theo nhu cầu xã hội

Nghiên cứu khoa học quản lý giáo dục theo nhu cầu xã hội

(GD&TĐ) - Dù ở mức độ nào, nghiên cứu khoa học (NCKH) cũng đều hướng đến con người, vì con người, hay nói rộng ra, thành công hay thất bại, giá trị hay không giá trị, hiện đại hay lỗi thời trong các sản phẩm nghiên cứu cũng ảnh hưởng tới đời sống con người, xã hội, hay chí ít cũng là những gợi ý, nhắc nhở cho những người đi sau suy ngẫm. Vẫn đề ở đây là cần xác định, xã hội đang cần gì, đang trông cậy đòi hỏi gì vào các nhà nghiên cứu, vào sản phẩm khoa học và công nghệ.  

Nhu cầu là khái niệm chỉ sự đòi hỏi, khao khát về mặt tâm lý và vật chất của con người, phản ánh tâm lý tồn sinh và phát triển của loài người. NCKH theo nhu cầu xã hội được coi là nhiệm vụ cấp bách, sống còn đặt ra đối với tất cả ngành khoa học ở mọi quốc gia. NCKH theo nhu cầu xã hội mang ý nghĩa nhân văn, nhân sinh, phản ánh sự gắn kết NCKH với nhu cầu kinh tế - xã hội, gắn kết nhà khoa học và người dân. Đó cũng là mối “lương duyên”, hay sự tương tác hai chiều sở cầu sự phát triển trong chính sách phát triển kinh tế, xã hội của bất cứ quốc gia nào. Trong phạm vi của lĩnh vực giáo dục và đào tạo, NCKH Quản lý giáo dục (QLGD) là một ngành nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học quản lý nhà nước, phục vụ giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực lao động hiện đại, đáp ứng mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững của đất nước. Cho nên, NCKH QLGD không chỉ mang tính lý luận, lý thuyết vạch đường cho chiến lược, tổ chức, quá trình dạy học và QLGD mà còn mang tính thực tiễn, ứng dụng cao, đáp ứng phù hợp nhu cầu của người học và xã hội.

Một lớp bồi dưỡng quản lý giáo dục (ảnh minh họa/ Inernet)
Một lớp bồi dưỡng quản lý giáo dục (ảnh minh họa/ Inernet)

Một số suy nghĩ từ thực trạng nghiên cứu về khoa học QLGD

Khi nghiên cứu bất cứ môn khoa học nào đều cần thiết dựa vào cơ sở lý luận và thực tiễn, vào sự đánh giá tổng kết lý luận, thực tiễn để đề xuất nhiệm vụ mới, sự sáng tạo. Đến hôm nay, NCKHQLGD đã có một chặng đường phát triển, song những gì thu được là còn quá ít, nên vẫn chỉ dừng lại ở mức độ ban đầu, “chập chững”, thiếu hẳn một hệ thống lý luận đồng bộ, đầy đủ; vẫn chưa tổng kết được tính hiệu quả nghiên cứu đáp ứng thực tiễn.

Những năm cuối thập kỷ bảy mươi của thế kỷ trước, ở Liên Xô cũ cũng đã rộ lên những cuộc bàn luận về lý luận quản lý nói chung, các nhà khoa học đã khẳng định quản lý là khoa học, “tính khoa học của nó được đảm bảo bằng một hệ thống các khoa học”, và đặt ra yêu cầu phải đầu tư nghiên cứu những vấn đề thuộc về quản lý một cách nghiêm túc hơn là thành lập hàng loạt những phòng, ban, trung tâm, trường, viện…mà không hề có “một sự bổ sung” mới mẻ nào về lý luận quản lý(2). Cũng có thể nói gần tương tự như thế đối với lý luận về KHQLGD ở nước ta. Điểm lại các công trình, sách nghiên cứu về lịch sử sư phạm học, giáo dục học, QLGD… ở nước ta thì thấy không nhiều. V

ào những thập niên cuối thế kỷ XX, nguồn tư liệu chủ yếu là sách dịch từ các nước XHCN nên khó tránh khỏi sự phiến diện hoặc đơn giản áp đặt cơ sở lý luận khoa học vào thực tiễn nghiên cứu. Việc nghiên cứu khoa học giáo dục nói chung còn mang nặng tính kinh nghiệm; kinh nghiệm từ thực tiễn phong trào thi đua “hai tốt”, học tập “Bắc Lý” trong những năm vừa qua cũng chỉ dừng lại ở mức độ lời khuyên, áp dụng trên phạm vi hẹp, và khó có thể phát triển thành lý luận QLGD. Hơn nữa, khi ngành khoa học QLGD được thành lập (gần đây một số trường mới mở mã ngành đào tạo đại học, cao học, nghiên cứu sinh về QLGD), số lượng chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên quá ít, có khá nhiều người không chuyên, “chuyển sân” bắt đầu nghiên cứu khoa học QLGD. Vì thế để tạo ra được cơ sở lý luận về khoa học QLGD, cần phải có tầm nhìn chiến lược nhằm hoàn thiện hệ thống đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học QLGD. Trước hết cần phải đào tạo, gây dựng đội ngũ các nhà nghiên cứu chuyên sâu về khoa học QLGD, tạo hành lang pháp lý, khuyến khích nghiên cứu những vấn đề lý luận QLGD mới mẻ, hiện đại, phù hợp với chế độ, chính sách, chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế. Cần thực hiện nghiên cứu chuyên sâu và hệ thống với khoa học QLGD kết hợp tính tích hợp và mở rộng nghiên cứu liên ngành với các môn khoa học khác.

NCKH QLGD theo nhu cầu xã hội là nói đến mối quan hệ cung - cầu giữa hoạt động NCKH QLGD với môi trường kinh tế - xã hội, những tổ chức, cá nhân sử dụng sản phẩm nghiên cứu. Tức là, phải đánh giá đúng nhu cầu của người học, của trường học, của cán bộ QLGD, của ngành giáo dục và toàn xã hội. Đơn vị NCKH QLGD nói chung làm đầu mối cung cấp ra “thị trường” sản phẩm, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày một khó tính của khách hàng. Bởi đây là thị trường đặc biệt, người sử dụng sản phẩm nói chung là “tinh khôn”, không chấp nhận hàng thứ cấp. Có thể thấy, NCKH QLGD hiện nay chưa thực sự được tiến hành đồng bộ giữa các vấn đề: lý luận và thực tiễn, yêu cầu và nhu cầu, chủ thể và đối tượng nghiên cứu, năng lực và chất lượng, đầu tư và hiệu quả, nghiệm thu đánh giá và sử dụng hợp lý sản phẩm…nên không khó để phát hiện ra những bất cập, yếu kém trong tất cả các khâu. Tính chuyên môn hóa trong nghiên cứu không cao, sự mập mờ theo những lối mòn định sẵn làm giảm đi chất lượng của các công trình, đề tài, dự án; hơn nữa, tính liên ngành, liên bộ môn cũng chưa được nghiên cứu đầy đủ để áp dụng có hiệu quả trong thực tế nghiên cứu, cũng như áp dụng vào quản lý mô hình sư phạm cụ thể. Tính chuyên nghiệp đối với cán bộ, cơ quan nghiên cứu cũng chưa được chú ý, tư tưởng hành chính hóa trong hoạt động nghiên cứu vẫn còn nặng nề dẫn đến công tác tổ chức thực hiện và chất lượng hiệu quả nghiên cứu thấp.

Công tác quản lý hoạt động NCKH đã và đang có những cải tiến, đổi mới, song vẫn chậm, chưa theo kịp với yêu cầu thực tế. Các hoạt động về quản lý, tổ chức, triển khai, kiểm tra, đánh giá NCKH QLGD còn mang nặng tính hình thức, chưa chặt chẽ ở nhiều khâu: xét chọn đề tài, tổ chức hội đồng khoa học, đánh giá nghiệm thu, công bố sản phẩm, … Các cơ sở đào tạo và NCKH QLGD chưa thực sự năng động, nhạy bén, chưa hình thành được các định hướng, mục tiêu và kế hoạch phát triển NCKH cụ thể dựa trên năng lực của cơ sở và nhu cầu của ngành và xã hội nên dễ sa vào đầu tư chệch hướng hoặc dàn trải. Các đề tài nghiên cứu được hình thành một cách thụ động, tự phát và tản mát nên tính khả thi, ứng dụng thực tiễn không cao gây lãng phí nguồn đầu tư.

Kinh phí cấp cho mỗi đề tài nghiên cứu thường eo hẹp, cho dù có tăng hàng năm nhưng mức tăng ít, không theo kịp tỷ lệ đồng tiền trượt giá, nên khó có thể thực hiện nghiên cứu một cách cơ bản và trọn vẹn. Nhiều công trình nghiên cứu vì không đủ kinh phí, phải dừng lại hoặc nảy sinh tâm lý “làm cho xong” của cả tác giả và cơ quan chủ quản. Hơn nữa, NCKHQLGD thuộc ngành khoa học xã hội, khó kêu gọi tài trợ (hoặc nếu có thì kinh phí không cao) từ các tổ chức, doanh nghiệp nên hiện tượng thiếu kinh phí hoặc chịu lỗ vẫn sảy ra, ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý tác giả và chất lượng công trình. Trong đợt kiểm tra tự đánh giá trường đại học vừa qua cho thấy, cơ chế, chính sách của nhiều trường còn chưa phù hợp để tạo động lực, thu hút nhà khoa học, cán bộ, giảng viên tham gia nghiên cứu, viết giáo trình, viết sách, công bố công trình nghiên cứu trên tạp chí uy tín trong nước và quốc tế.

Thực tế đòi hỏi, nếu không cải tiến, đổi mới triệt để hơn nữa về lãnh đạo quản lý, tổ chức hoạt động NCKH thì không thể có sản phẩm chất lượng cao, không thể đáp ứng nhu cầu của ngành và xã hội. Đã đến lúc tự bản thân mỗi cơ sở nghiên cứu phải xác định, nếu không đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, đầu tư, phát triển đội ngũ có chất lượng để khẳng định danh hiệu và thương hiệu; môi trường không hấp dẫn đối với đối tượng người học, sản phẩm nghiên cứu không đáp ứng nhu cầu thực tiễn thì sẽ bị tự đào thải, hoặc thu hẹp tầm ảnh hưởng, hoạt động trong ngành và xã hội.

Ảnh mh
Ảnh mh

Những gợi mở bước đầu để thay đổi tư duy, phương pháp NCKH QLGD

Thứ nhất, như đã đề xuất ở trên, cần thiết phải hoàn thiện hệ thống lý luận khoa học về QLGD, hệ thống tri thức về QLGD và môi trường giáo dục nhằm khắc phục sự chủ quan, phiến diện, kinh nghiệm chủ nghĩa khi NCKH. Đây là vấn đề nhiều khi bị coi là “mặc định”, quá yên tâm với những gì khoa học QLGD đã làm được trong mấy thập kỉ qua, cũng giống như, nói đổi mới phương pháp dạy học là lấy người học là trung tâm, phát huy năng lực người học, nhưng vẫn thiếu khung lý luận tinh xác, thuyết phục nên thực tế dạy học vẫn chưa đổi mới căn bản, đáng kể! Khoa học QLGD vẫn đang thiếu hệ thống cơ sở lý luận hiện đại, phù hợp với sự thay đổi của môi trường giáo dục, với người học và công nghệ dạy học. Cũng có thể mạnh dạn đề xuất các vấn đề để tạo sự chuyển biến, hoàn thiện cơ sở lý luận, lý thuyết về KHQLGD như: sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo triệt để, cụ thể hơn, đầu tư các nguồn lực để đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ chuyên gia, phát triển công tác dịch thuật và giao lưu quốc tế, chuyên nghiệp hóa các khâu: giao, nhận, tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng đề tài, dự án, giáo trình…

Thứ hai, cần tiến hành nghiên cứu, khảo sát, đánh giá chính xác thực trạng hoạt động giáo dục và đào tạo ở mọi cấp học, các yếu tố trong và ngoài nhà trường để đưa ra những dự báo, kế hoạch nghiên cứu khoa học sát với thực tiễn. Cũng giống như nhiều ngành nghiên cứu khác, NCKH QLGD cũng cần đi trước một bước so với thực tiễn, vừa phải phục vụ yêu cầu hiện tại vừa dự báo chính xác để đáp ứng nhu cầu tương lai.

Thứ ba, cần đổi mới tư duy khi xây dựng các chương trình NCKHQLGD và cơ chế hình thành các đề tài NCKH ở các cấp, nâng cao trình độ quản lý, tổ chức hoạt động NCKH, tăng cường tính năng động, nhạy bén và khả năng thích ứng với yêu cầu, nhu cầu thực tế của cá nhân, đơn vị nghiên cứu. Xác định cụ thể về nhiệm vụ nghiên cứu và mục tiêu cần đạt của từng công trình, đề tài, dự án và có chế độ kiểm định năng lực, điều kiện cần thiết đối với cá nhân, tổ chức tham gia nghiên cứu.

Thứ tư, từ chiến lược phát triển NCKH và thế mạnh của đơn vị, cơ sở để xây dựng các chương trình, kế hoạch NCKH QLGD phù hợp; tùy theo mức độ để tập trung ưu tiên những vấn đề mà ngành và thực tế hoạt động QLGD đang đòi hỏi.

Thứ năm, hàng năm số lượng công trình đề tài, dự án, luận văn, luận án…tham gia nghiên cứu QLGD khá lớn, song tính ứng dụng thực tiễn vẫn chưa được kiểm định, đánh giá một cách khách quan, chính xác; hoạt động chuyển giao các kết quả nghiên cứu vào thực tế rất giới hạn, chưa gắn liền và thuyết phục đối với các đối tượng sử dụng. Do vậy, cần đổi mới hiệu quả hơn nữa công tác kiểm tra, đánh giá đề tài, tổ chức hội đồng nghiệm thu, bảo vệ luận văn, luận án, xác lập cơ chế minh bạch, chặt chẽ, hợp lý trong nghiên cứu, đánh giá và chuyển giao, ứng dụng sản phẩm NCKH.

Thứ sáu, đưa công tác marketing vào trường học, các cơ sở nghiên cứu, làm tốt công tác quảng bá hình ảnh. Marketing giáo dục là hoạt động nhằm duy trì, phát triển mối quan hệ giữa các cơ sở, đơn vị nghiên cứu và khách hàng, xã hội ngày càng chặt chẽ và có trách nhiệm hơn. Sản phẩm nghiên cứu cần được thông tin giới thiệu đến cá nhân, tổ chức có nhu cầu sử dụng một cách kịp thời và đảm bảo chất lượng.

Thứ bảy, tạo môi trường tự do, trân trọng văn hoá tri thức, trong đó phải kể đến chế độ đãi ngộ, đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, để cán bộ nghiên cứu có môi trường và điều kiện vật chất tốt, phát huy hết năng lực sáng tạo.

Thay lời kết

Nhu cầu luôn tồn tại trong con người, xã hội. Đòi hỏi của người học, của xã hội vào NCKH nói chung và khoa học QLGD nói riêng như là một quy luật tất yếu về sự phát triển không ngừng của giáo dục và đào tạo. Khoa học công nghệ đã và đang thực hiện sứ mệnh hoàn hảo, làm thay đổi cuộc sống con người, tạo ra những chế định mới trong mối quan hệ xã hội. Và, khoa học giáo dục, QLGD cũng đã hòa nhập cùng sứ mệnh đó hằng hy vọng mang đến sự đổi thay kì diệu trong giáo dục và đào tạo nhằm phát triển và hoàn thiện nhân cách người học, gia tăng hàm lượng văn hóa trong sản phẩm giáo dục.

Giá trị cung- cầu trong giáo dục liên quan đến những khái niệm như: thị trường giáo dục, marketing giáo dục, dịch vụ giáo dục,… đều là những khái niệm mới ở nước ta rất cần được nghiên cứu và bàn bạc kỹ lưỡng. Để NCKH QLGD tiếp cận được thị trường giáo dục, đáp ứng nhu cầu xã hội nên chăng giải quyết tốt những yếu tố hòa hợp cơ bản như: nhu cầu của xã hội và khả năng đáp ứng của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu; năng lực, trình độ và khả năng thích ứng của các nhà khoa học và cơ sở đào tạo, nghiên cứu với đòi hỏi của thực tế; kế hoạch chiến lược phát triển NCKH với dự báo nhu cầu xã hội; hệ thống cơ chế, tổ chức, quản lý NCKH với chế độ, chính sách, khuyến khích NCKH... 

Đỗ Tiến Sỹ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ