Ngày 19/8, thông tin từ Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, triển lãm ‘Nghiên bút còn thơm’ sẽ được tổ chức nhằm hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô.
Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 31/8 đến 25/9 tại Tiền đường, Nhà Thái học, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Triển lãm sẽ trưng bày 70 tác phẩm với những nội dung, ý nghĩa, ý tưởng nghệ thuật cụ thể. Ngoài ra còn có 41 tác phẩm nhỏ được chọn lựa riêng, ngẫu nhiên với tinh thần chắt lọc tinh hoa bút mực trong quá trình sáng tác chuẩn bị cho triển lãm của các tác giả.
Triển lãm “Nghiên bút còn thơm” giới thiệu và trưng bày nghệ thuật thư pháp Quốc ngữ theo hướng hiện đại kết hợp với nghệ thuật sắp đặt cùng sự phối kết hợp với ánh sáng tạo nên hiệu ứng và cách nhìn mới về thư pháp Quốc ngữ với công chúng yêu nghệ thuật nói chung và thư pháp nói riêng.
Nội dung các tác phẩm thư pháp, bao gồm các tác phẩm chính và các tác phẩm sắp đặt đều được lấy cảm hứng để viết và sáng tác từ những nội dung thơ văn Quốc âm (chữ Nôm), Quốc ngữ của các danh nhân trong lịch sử và văn học nước nhà như: Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh và nhiều danh nhân khác gắn bó hoặc có những sáng tác về Thăng Long - Hà Nội, về Văn Miếu – Quốc Tử Giám, những bài thơ, áng văn nổi tiếng; văn chương thời nay viết về Thăng Long, về Hà Nội.
Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám được biết đến là một trong những địa điểm tổ chức thư pháp có tiếng. Vào tháng 8/2023, triển lãm “Tâm thanh tâm hoạ” với gần 50 tác phẩm của hai thư pháp gia Lưu Thanh Hải và Huỳnh Mỹ Lý đến từ TPHCM được trưng bày đã góp phần cho sự kết nối những người hoạt động thư pháp của mọi miền đất nước, làm cho các hoạt động thư pháp ngày càng đa dạng, hấp dẫn và hướng đến giá trị văn hoá.