Nghịch lý chỗ trọ mùa thi

Nghịch lý chỗ trọ mùa thi

(GD&TĐ) - Trong khi các sĩ tử toát mồ hôi tìm chỗ trọ cho vài ngày tuyển sinh, sẵn sàng chịu “chặt chém” với giá đắt ngang khách sạn thì không ít nhà trọ miễn phí không đủ người, ký túc xá trường ĐH cho thuê với giá rất rẻ còn thừa cả nghìn chỗ.

Năm 2012, Trường ĐH Võ Trường Toản còn thừa hàng trăm chỗ ở miễn phí trong KTX.
Năm 2012, Trường ĐH Võ Trường Toản còn thừa hàng trăm chỗ ở miễn phí trong KTX.

Nhà trọ giá cao kín chỗ

Cũng căn phòng ấy nhưng giá thu được trong 3 ngày thi bằng tiền cho thuê phòng cả tháng. Đó là lý do tại sao, nhiều chủ nhà trọ tìm mọi cách tận dụng triệt để diện tích căn nhà trong mùa thi ĐH. Không chỉ tranh thủ phòng trống vì sinh viên về quê nghỉ hè, nhiều chủ nhà còn “dồn” cả gia đình vào ở một chỗ để lấy phòng cho thuê, thậm chí tận dụng cả nhà bếp, gác xép...

Một chủ nhà trọ tại ngõ Núi Trúc (Hà Nội) cho biết: Mọi năm nhu cầu sĩ tử và người nhà thuê chỗ ở trong những đợt thi ĐH rất đông, khu này thường không đáp ứng đủ vì ở gần nhiều điểm thi. Năm nay, chị quyết định tận dụng khu bếp diện tích khoảng 8 m2 để cho thuê với giá 530 nghìn đồng/ngày – cao hơn cả giá phòng khách sạn tiêu chuẩn 2 sao ở Hà Nội với tiện nghi đầy đủ.

Ở một số khu bớt “nóng” hơn, để tìm được một chỗ ở tạm được, thí sinh và người nhà cũng phải trả ít nhất 300 - 400 nghìn đồng/ngày. Anh Hiến - Chủ nhà trọ tại ngõ 66 đường Thái Thịnh II (Hà Nội) tranh thủ phòng trống sinh viên về nghỉ hè thí sinh thi ĐH thuê ngắn hạn.

Để ở căn phòng khoảng 20 m2 này, thí sinh phải trả giá 450 nghìn đồng/ngày; nếu chấp nhận ở ghép, một người phải trả “đổ đồng” mỗi ngày 150 nghìn đồng/ngày. “Nhà tôi gần nhiều trường đại học lớn như ĐH Thủy lợi, ĐH Y, ĐH Ngoại thương... Chị không đến sớm chắc chắn sẽ không còn phòng” – Chủ nhà nói chắc như đinh đóng cột.

Tại những khu vực “nóng” như gần Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐHSP Hà Nội, giá nhà trọ trong mùa thi “leo thang” từng ngày. Những khu nhà cấp 4, diện tích chỉ trên chục mét vuông, ẩm thấp, nóng bức, nhưng chủ trọ cũng lấy ít nhất 100 nghìn đồng mỗi người một ngày.

Chị Oanh - Chủ một nhà trọ trên phố Tạ Quang Bửu - cho biết: Với phòng thoáng mát, sạch sẽ, đầy đủ điện nước như của chị, giá mỗi người ở một ngày là 130 nghìn đồng; trường hợp thuê riêng phòng, không muốn ở chung sẽ phải trẻ 1,2 triệu đồng trong 3 ngày thi. Nếu có nhu cầu nên đặt cọc sớm, nếu không cận ngày thi, chắc chắn “cháy” phòng.

Thí sinh trọ thi ĐH tại làng sinh viên Hacinco. Ảnh: NN
Thí sinh trọ thi ĐH tại làng sinh viên Hacinco. Ảnh: NN

Ế ẩm ký túc xá

Nhằm hỗ trợ thí sinh, rất nhiều trường ĐH đã dành chỗ trong ký túc xá với mức giá rẻ như cho. Thế nhưng, với nhiều điều kiện thuận lợi: gần địa điểm thi, an ninh đảm bảo, phòng ốc khang trang... các ký túc xá vẫn không nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các sĩ tử.

Mặc dù lượng chỗ ở trong ký túc xá rất hạn chế nhưng năm nay Trường ĐH Hoa Sen vẫn dành khoảng vài chục chỗ ở cho các thí sinh trong 2 đợt thi ĐH. Ký túc xá có cơ sở vật chất và hệ thống phòng khang trang, đầy đủ tiện nghi, với sức chứa từ 4 đến 8 người trên phòng, tuy nhiên chỉ cho giới nữ thuê.

Cô Đặng Thị Huệ - Phụ trách Ban quản lý KTX sinh viên Trường ĐH Hoa Sen - cho biết; Trường chỉ lấy giá 50 nghìn đồng/ngày cho một phòng có quạt và 70 nghìn đồng/ngày cho phòng máy lạnh, đã bao gồm cả phục vụ wifi, truyền hình cáp, nước uống, giường đệm, tủ đa năng. KTX ở ngay gần trung tâm nên tiện lợi cho việc đi lại. Tuy nhiên, dù giá cả rất rẻ, phòng ốc khang trang và đủ tiện nghi nhưng theo cô Huệ, dường như thí sinh không mấy quan tâm:

“Năm trước, cả mùa tuyển sinh chỉ có trên chục em đăng ký. Năm nay, trường dành ra khoảng vài chục chỗ ở, không giới hạn sinh viên thi vào ĐH Hoa Sen, bất cứ thí sinh nào đi thi cùng phụ huynh có nhu cầu chỗ ở đến đăng ký đều được xem xét. Các em chỉ cần mang theo mang theo ảnh 3X4, giấy CMND bản chính và bản sao” – Cô Huệ cho hay.

Tại ĐH Công nghiệp Hà Nội – một trong những trường có lượng thí sinh đông nhất cả nước, thầy Hà Xuân Quang - Phó Hiệu trưởng - cho biết: Năm nay trường dành khoảng 3.000 chỗ ở trong ký túc xá cho thí sinh dự thi tại trường, có căng tin, nhà ăn, phục vụ gửi xe, an ninh đảm bảo an toàn; kinh phí rất rẻ, chỉ khoảng 30 – 40 nghìn đồng/ngày. Rút kinh nghiệm năm 2012, thí sinh đến ở chưa đến 2.000 em, còn thừa trên 1.000 chỗ, năm nay trường đã gửi luôn thông báo có chỗ ở trong ký túc xá cho thí sinh kèm giấy báo dự thi.

Hỗ trợ 1.000 chỗ trọ cho thí sinh và phụ huynh tại khu ký túc xá của trường mỗi đợt thi, hoàn toàn miễn phí, vậy mà năm 2012, Trường ĐH Võ Trường Toản cũng chỉ tiếp nhận được khoảng 600 thí sinh, còn thừa đến 400 chỗ.

Theo anh Lâm Triệu Hoàng Duy - Cán bộ phòng Công tác HSSV, năm nay, trường tiếp tục hỗ trợ 2.000 chỗ ở miễn phí (trong 2 đợt thi). Chỗ khá rộng rãi, an ninh trật tự đảm bảo vì có bảo vệ trực 24/24 giờ. Lý giải hiện tượng không nhiều thí sinh đến ở, anh Duy cho rằng, có thể do điều kiện nhà trường chưa đáp ứng được nhu cầu của thí sinh, cũng có thể ở trong ký túc xác không được tự do như thuê bên ngoài.

Sinh viên tình nguyện tìm nhà trọ giá rẻ tiếp sức mùa thi. Ảnh: NN
Sinh viên tình nguyện tìm nhà trọ giá rẻ tiếp sức mùa thi. Ảnh: NN

Những nhà trọ giá... 0 đồng

Trong khi rất nhiều người tranh thủ mấy ngày thi ĐH để “hét” giá trên trời, thì không ít tấm lòng thấu hiểu những vất vả nhọc nhằn của thí sinh đến từ nơi xa đã tìm mọi cách cho thí sinh có chỗ ở khang trang hoàn toàn miễn phí.

Được coi là ngôi nhà đầu tiên của Hà Nội dành chỗ ở miễn phí cho thí sinh nghèo từ các miền quê lên Hà Nội thi ĐH, Trung tâm dạy nghề Nhân Đạo (Ngõ Linh Quang, Hà Nội) cứ đầu tháng Bảy lại chỉnh trang lại phòng ốc để chào đón sĩ tử.

Thầy Trần Duyên Hải – Giám đốc Trung tâm - vui vẻ cho biết: Chúng tôi vừa quét lại vôi ve, sơn cầu thang, chỉnh trang phòng ốc rất đẹp để đón thí sinh. Cũng giống như mọi năm, năm nay Trung tâm có 40 chỗ ở với sẵn sàng điện, nước, quạt, bàn học. Hy vọng, những em đến đây đều an tâm học tốt, thi tốt.

“Ý tưởng giúp thí sinh chỗ trọ bắt đầu cách đây khoảng 10 năm. Khi đó, một lần có việc đến khu Cầu Giấy đúng mấy ngày thi, tôi gặp thí sinh bị mất cắp hết, ngồi khóc rất đáng thương. Lúc đó, tôi chợt nghĩ, các em toàn gia đình nghèo, lên Hà Nội ở những khu không an ninh như thế này ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý học tập, thi cử.

Trong khi đó, dân Thủ đô còn rất nhiều nhà rộng, nhiều CLB, các nhà văn hóa... sao không tận dụng những địa điểm đó để giúp các em có chỗ ở. Nghĩ vậy, tôi đã vận động các nơi tham gia, dần dần thành phong trào. Tại Trung tâm dạy nghề nhân đạo, chỗ ở không nhiều, nhưng tôi hy vọng, mỗi mùa thi, 40 em được giúp đỡ sẽ phần nào vì thế mà thi đạt kết quả tốt hơn, đó là niềm vui lớn nhất” – Thầy Hải tâm sự.

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ