Dù đồng lương nhà giáo vẫn còn khiêm tốn nhưng tất cả sẵn sàng mở rộng vòng tay hỗ trợ, giúp đỡ đồng nghiệp trong khó khăn, hoạn nạn…
Sát cánh cùng đồng nghiệp
Trong những năm qua, đời sống của đội ngũ cán bộ, nhà giáo và người lao động trong ngành Giáo dục đã được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn thầy cô giáo gặp khó khăn về nhà ở hoặc lâm vào cảnh bệnh tật.
Đứng trước khó khăn, họ luôn được đồng nghiệp, nhà trường giúp đỡ, hỗ trợ để sớm vượt qua, yên tâm công tác. Điều đáng quý nhất chính là tấm lòng tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, không hề phân biệt giáo viên hay nhân viên trường học, một người gặp khó là tất cả đồng lòng giúp đỡ.
Như trường hợp của thầy Lư Văn Sáu, Hiệu trưởng Trường THCS Thới An Đông (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ). Thầy Sáu mang trong mình căn bệnh ung thư nhưng bản thân luôn quyết tâm công tác, dạy học và bám trường, bám lớp dù phải vô hóa chất định kỳ. Nhờ có gia đình, nhà trường và các em học sinh, thầy Sáu đã nỗ lực vượt qua bệnh tật, sức khỏe ngày càng hồi phục.
Vui nhất là ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, Thường trực Công đoàn ngành Giáo dục kết hợp với Sở GD&ĐT TP Cần Thơ đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ thầy trong không khí ấm áp, nghĩa tình…
Chia sẻ về nỗ lực vượt qua bệnh tật của bản thân, thầy Sáu cho biết: “Hình ảnh đồng nghiệp, thầy cô, học sinh thân thương đã níu chân tôi lại. Tất cả mọi người gặp đều vui vẻ nhưng âm thầm nhắn những dòng tin ngắn gọn: Cố lên; Biến cái không thể thành có thể; Sẽ sát cánh cùng thầy… Điều này như có nhiều bàn tay đang đẩy tôi đến phía trước, tôi ngộ ra rằng cuộc sống này vẫn đẹp biết bao, tôi yêu đời, đời sẽ yêu tôi, từ đó ý nghĩ hạn hẹp về cuộc sống của bản thân cũng không còn nữa…”.
Không chỉ riêng thầy Lư Văn Sáu, ngày Nhà giáo Việt Nam, Thường trực Công đoàn Ngành kết hợp với Sở GD&ĐT Cần Thơ còn đến thăm, động viên một số thầy cô giáo đang bị bệnh. Buổi gặp mặt thân tình phần nào chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống, trong công tác và động viên thầy giáo, cô giáo cố gắng lạc quan để vượt qua bệnh tật, tiếp tục đóng góp tâm huyết cho ngành Giáo dục. Công đoàn ngành Giáo dục TP Cần Thơ cũng đã trao trợ cấp cho 4 thầy cô giáo ở quận Bình Thủy, Ô Môn, Phong Điền, Vĩnh Thạnh với tổng số tiền là 12.000.000 đồng (3.000.000 đồng/suất)…
Đối với những nhà giáo về hưu ở TP Sa Đéc (Đồng Tháp), nếu gặp khó khăn hoặc muốn làm ăn kinh tế sẽ được Hội Cựu giáo chức hỗ trợ cho vay không tính lãi. Được thành lập từ năm 2007, đến nay nguồn quỹ của Hội Cựu giáo chức có khoảng 200 triệu đồng. Từ quỹ này đã giúp nhiều giáo viên về hưu kinh tế khó khăn, cần vốn để làm ăn, phát triển kinh tế…
Mỗi trường hợp sẽ được Hội giải ngân từ 5 - 10 triệu đồng trong thời gian 1 năm. Hết thời hạn này, người vay trả vốn và nếu có nhu cầu vay tiếp Hội sẽ giải ngân lần 2, lần 3… Tất cả các lần vay, Hội đều không tính lãi. Trao đổi với chúng tôi, thầy Nguyễn Văn Mốt, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP Sa Đéc, cho biết: “Vì nguồn quỹ phát huy hiệu quả nên được nhiều người góp vốn, nhờ đó mà quỹ tăng lên 200 triệu đồng. Tính từ ngày quỹ thành lập đến nay, Hội đã giải ngân cho trên 200 lượt cựu giáo chức vay mà chưa hề bị nợ xấu lần nào...”.
Những mái ấm nghĩa tình
Đối với thầy cô giáo công tác ở vùng sâu, vùng xa, ngôi nhà chính là niềm mơ ước của nhiều người. Như trường hợp của thầy Phạm Văn Nghĩa, giáo viên Trường THPT Cao Lãnh 2 và ông Nguyễn Thành Vụ, nhân viên Trường THPT Lấp Vò 2 (Đồng Tháp).
Hoàn cảnh gia đình của thầy Nghĩa và ông Vụ rất khó khăn, thu nhập gia đình chỉ nhờ vào đồng lương hàng tháng; đã nhiều năm tiết kiệm mà vẫn chưa thể xây dựng được ngôi nhà. Nhờ sự hỗ trợ từ quỹ Mái ấm công đoàn đã tiếp thêm nguồn tài chính để hoàn thành được ngôi nhà mà cả gia đình mong ước. Sau thời gian thi công, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Công đoàn cơ sở Trường THPT Cao Lãnh 2 và Trường THPT Lấp Vò 2 đã bàn giao nhà Mái ấm công đoàn cho gia đình thầy Phạm Văn Nghĩa và ông Nguyễn Thành Vụ với tổng số tiền hỗ trợ là 70.000.000 đồng.
Mới đây, Công đoàn ngành Giáo dục Đồng Tháp phối hợp với Công đoàn cơ sở Trường THPT Đỗ Công Tường đã bàn giao nhà Mái ấm công đoàn cho gia đình ông Dương Tấn Phát - nhân viên bảo vệ của trường với số tiền hỗ trợ là 35.000.000 đồng từ chương trình Mái ấm công đoàn năm 2015 của Liên đoàn Lao động tỉnh.
Không giấu được niềm vui, ông Dương Tấn Phát, cho biết: “Có một ngôi nhà là điều mà bản thân tôi và gia đình mơ ước bấy lâu nay nhưng chưa thực hiện được. Giờ đây có sự quan tâm của các cấp và giúp đỡ của tập thể cán bộ, giáo viên và nhân viên nên niềm mong ước đó trở thành hiện thực. Với hơn 50 m2 diện tích xây dựng, ngôi nhà thực sự là một mái ấm bao gồm các hạng mục như điện, nước, nhà vệ sinh, bếp ăn, mái hiên… Có được ngôi nhà, tôi đã yên tâm công tác và cố gắng hoàn thành thật tốt nghiệm vụ của mình”.
Trong những năm qua, xây dựng “Mái ấm công đoàn tập thể giáo viên” được xem là một trong những thành tích nổi bật của tỉnh An Giang. Do địa phương có cả vùng đồng bằng, vùng sâu, vùng xa và miền núi nên nhà ở cho giáo viên là hết sức cần thiết. Để giải quyết khó khăn, từ năm 2007, Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang phát động Quỹ “Mái ấm Công đoàn”.
Sau 8 năm thực hiện, nguồn quỹ này đã xây mới 1.313 căn, sửa chữa 267 căn và xây 28 “Mái ấm Công đoàn tập thể giáo viên” với tổng kinh phí hơn 50 tỉ đồng… Vừa qua tỉnh đã tiến hành bàn giao 2 Mái ấm công đoàn tập thể giáo viên huyện Tịnh Biên. Trong đó Mái ấm Công đoàn tập thể giáo viên xã Văn Giáo xây dựng trên diện tích 238,4 m2 và mái ấm tại xã An Cư có diện tích 155,7 m2. Hai căn nhà mái ấm đều có kết cấu 3 phòng, bố trí chỗ ở cho 12 giáo viên với tổng kinh phí đầu tư trên 1 tỉ đồng do Liên đoàn Lao động tỉnh hỗ trợ từ nguồn Quỹ Mái ấm Công đoàn và huyện đối ứng 40% kinh phí…