Nghĩa cử nhỏ, ý nghĩa lớn

GD&TĐ - Có những bác sĩ, nhân viên y tế cứ đến giờ nghỉ lại vội vàng đến điểm hiến máu tình nguyện hoặc tham gia hiến máu bất cứ lúc nào khi có bệnh nhân cần máu. Việc làm tưởng như đơn giản ấy đôi khi lại đóng vai trò quyết định trong việc giành giật sự sống cho người bệnh. Còn với đội ngũ nhân viên y tế, đây là việc làm bình thường như bao công việc khác. Việc làm xuất phát từ trách nhiệm, từ “mệnh lệnh của trái tim”.

Nhân viên y tế luôn sẵn sàng hiến giọt máu của mình khi người bệnh cần
Nhân viên y tế luôn sẵn sàng hiến giọt máu của mình khi người bệnh cần

Khan hiếm máu: Bệnh nhân lo 1, bác sĩ lo 10

Trong suy nghĩ của nhiều người, hẳn những ai làm nghề y sẽ chẳng sợ gì bởi họ là “khắc tinh” của các loại bệnh tật. Nhưng thực tế không hẳn như vậy. Trong y khoa, bác sĩ giỏi chỉ là một phần. Các yếu tố làm nên thành công cuộc phẫu thuật hay ca điều trị còn là trang thiết bị y tế, thuốc, vật tư, đặc biệt là máu.

Máu cần cho bất cứ trường hợp nào khi vào viện. Do vậy, chỉ định xét nghiệm máu gần như là bắt buộc với các bệnh nhân. Bệnh viện cũng phải có ngân hàng máu để cung cấp cho người bệnh khi cần. Tuy nhiên, là chế phẩm đặc biệt, không thể thay thế nên máu đôi khi rơi và tình trạng khan hiếm. Thiếu máu khiến nhiều bệnh nhân không được truyền máu để điều trị bệnh. Thiếu máu, các ca phẫu thuật nhiều khi cũng phải tạm dừng…

Nói vậy để thấy máu quan trọng với người khỏe mạnh, càng đặc biệt quan trọng với người bệnh và các bệnh viện. Nhờ dòng máu nóng của mọi người, nhiều bệnh nhân được cứu sống trong gang tấc. Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Nghệ An cấp cứu bệnh nhân băng huyết, đờ tử cung sau đẻ. Nhập viện trong tình trạng hơi thở yếu và mạch dường như không bắt được, máu lênh láng trên cáng lẫn sàn nhà và vẫn còn tiếp tục rỉ ra. Kết quả xét nghiệm máu hiện dòng chữ đỏ rực như muốn cảnh báo trường hợp nguy kịch (sốc mất máu, rối loạn đông máu nặng do băng huyết sau sinh).

Hiện tỷ lệ người hiến máu ở nước ta khoảng 1,6% dân số. Lực lượng hiến máu chủ yếu là học sinh, sinh viên, các đối tượng khác chỉ chiếm 37%. Do đó, việc dịch chuyển đối tượng hiến máu, vận động các tầng lớp nhân dân khác tham gia hoạt động tình nguyện này sẽ giúp tránh được tình trạng thiếu máu xảy ra trầm trọng tại một số thời điểm như hiện nay.

Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Tuấn Dương - Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương 

Bệnh nhân nhanh chóng được hội chẩn và đẩy lên phòng mổ cấp cứu. Vào phòng mổ cũng là lúc bệnh nhân rơi vào trạng thái rối loạn đông máu nặng nên cuộc phẫu thuật trở nên khó khăn gấp bội, đòi hỏi mọi thao tác của ê kíp nhanh gọn, cẩn thận nhất có thể. Bệnh nhân được truyền máu bù, xử lý tai biến sản khoa. 7 lít máu và huyết tương được truyền cho người bệnh, tai biến sản khoa được xử lý nên tình trạng đông máu được cải thiện, sức khỏe bệnh nhân khá hơn.

Sau 10 ngày, bệnh nhân đã vượt qua sóng gió của cuộc sinh nở. Số máu truyền cho bệnh nhân là sự chung tay góp sức của rất nhiều người. 7 lít máu được truyền còn nhiều hơn số máu trong cơ thể mỗi người. Còn với người bệnh, việc vượt cửa tử ngoạn mục nhờ nguồn máu của cộng đồng như là lần thay máu chính mình.

Đôi khi mệt nhưng ngập tràn niềm vui

Áp lực là những gì nhân viên y tế miêu tả về công việc của mình. Áp lực tại phòng khám trong việc phát hiện bệnh, tiên lượng đến chỉ định điều trị rồi đến phẫu thuật. Chỉ khi nào tình trạng bệnh nhân thuyên giảm hoặc ca mổ thành công, áp lực với họ mới vơi đi phần nào.

Nhưng những áp lực đó không đủ để ngăn bước họ hướng tới việc thiện nguyện. Và hiến máu tình nguyện là một trong những việc làm được nhiều người lựa chọn. Với họ, việc thường xuyên phải chứng kiến nhiều bệnh nhân ở lằn ranh giữa sự sống và cái chết vì thiếu máu để cấp cứu trên bàn mổ nên hiểu rõ máu quan trọng nhường nào. Vì thế, bằng trách nhiệm nghề nghiệp và cả mệnh lệnh từ trái tim, các bác sĩ, nhân viên y tế đều sẵn sàng hiến máu bất kỳ lúc nào.

Theo chia sẻ của ThS.BS Nguyễn Đình Hiếu – Khoa Ngoại chấn thương (Bệnh viện E), đây là lần thứ 10 tôi tham gia hiến máu. Tôi sẽ còn tham gia hiến máu nhiều lần nữa, vì tôi hiểu hàng nghìn người bệnh đang chờ những giọt máu để được cấp cứu, được kéo dài sự sống. Còn với Nguyễn Minh Nhật, sinh viên Y 4 (Trường ĐH Y Hà Nội), giải thích cho việc luôn có mặt tại chương trình hiến máu tình nguyện của trường cũng như các bệnh viện do em hiểu thiếu máu hoặc không được truyền máu kịp thời đồng nghĩa với việc tước đi một phần sự sống, một cơ hội sống của người bệnh. Do vậy, ở đâu có điểm hiến máu tình nguyện, em đều cố gắng sắp xếp thời gian để đến. Theo Nhật, việc di chuyển, hiến máu trong điều kiện áp lực học tập nhiều khi cũng thấy mệt nhưng em cũng được đền bù bởi niềm vui, sự rạng rỡ, khỏe mạnh của người bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ