Cùng với các bộ trưởng và tướng lĩnh khác của Venezuela, ông Padrino được cho là đã chấp nhận các thỏa thuận được tổng thống tự xưng Juan Guaido thảo ra. Lộ trình này sẽ bao gồm lời kêu gọi bầu cử mới trong vòng 1 tháng – một trong những lời hứa chính của ông Guaido – và việc công nhận ông Guaido là nguyên thủ quốc gia “hợp pháp và tạm thời”.
Về phần mình, Chủ tịch Tòa án Công lý tối cao Maikel Moreno – một đồng minh của ông Maduro, được cho là đã lên kế hoạch tuyên bố Quốc hội lập hiến – một cơ quan lập pháp trung thành với ông Maduro – là bất hợp pháp.
Theo báo cáo trên, động thái này sẽ giúp quân đội thông báo một cách hợp pháp với ông Maduro rằng ông phải rời khỏi Venezuela sang Cuba hoặc sẽ bị giam giữ theo lệnh của tòa án.
Thỏa thuận trên lẽ ra đã được ký tại căn cứ quân sự La Carlota ở Caracas – nơi mà hôm 30/4, trong một clip, ông Guaido đã thúc giục các lực lượng vũ trang và thường dân tham gia lật đổ ông Maduro.
Tuy nhiên, nỗ lực đảo chính của ông Guaido không đủ sức mạnh để lật đổ ông Maduro khi người đứng đầu quân đội lên tiếng ủng hộ chính phủ.
Theo hãng tin ABC, các quan chức Nhà trắng đã không biết chuyện gì đã xảy ra vào hôm 30/4, trong khi đó một số nguồn tin cho rằng kế hoạch đảo chính đã bị ông Padrino làm hỏng vì ông đã quay lại ủng hộ ông Maduro vào phút chót.
Thật tình cờ, đặc phái viên Mỹ Elliott Abrams tại Venezuela hôm 1/5 cho biết các quan chức cao cấp của Venezuela, trước đó đàm phán về sự ra đi của ông Maduro, đã “tắt điện thoại của mình”.
Hôm qua (2/5), ông Maduro đã gặp các quan chức quân đội hàng đầu, kêu gọi họ đẩy lùi “bất kỳ âm mưu đảo chính nào”. “Không ai phải sợ hãi – đây là lúc bảo vệ quyền hòa bình của chúng ta” – ông Maduro nói tại một buổi lễ có sự tham gia của 4.500 quân nhân.
Tướng Padrino cũng tham gia sự kiện trên và nói: “Chúng tôi đến để khẳng định lòng trung thành của chúng tôi với chỉ huy tối cao của các lực lượng vũ trang, là tổng thống duy nhất của chúng tôi, TT Nicolas Maduro”.