Một số em dùng vải cũ và đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng. Khủng hoảng kinh tế càng khiến vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn.
Từ năm 14 tuổi, Janani, sống tại Sri Lanka, phải nghỉ học nhiều ngày mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt. Những lúc trong nhà không có sẵn băng vệ sinh, em buộc phải dùng vải vụn từ quần áo cũ để thay thế.
“Em cảm thấy rất xấu hổ khi phải dùng vải. Nếu nghỉ học vì chuyện này, sẽ chẳng ai giảng lại cho bọn em những bài đã bỏ lỡ, đúng không?”, Janani hỏi.
Khảo sát của tờ DW với hơn 500 nữ sinh tại 6 trường học ở Sri Lanka cho thấy khoảng 46% gặp khó khăn trong việc mua băng vệ sinh hàng tháng. Riêng tại một trường học, con số này lên tới 81%.
Mẹ của Janani làm nghề hái chè và mỗi ngày kiếm được khoảng 1.350 rupee. Chị chỉ có thể mua băng vệ sinh cho con gái khi tài chính cho phép. Những lúc không có, Janani thường tự hỏi: “Tại sao mình lại phải có kinh nguyệt?”.
Gần một nửa số nữ sinh tham gia khảo sát cho biết các em thường nghỉ học trong kỳ kinh và ảnh hưởng rõ rệt đến việc học tập của các em. “Em cứ nghĩ mãi về chuyện đó nên không thể tập trung học được”, Girija, 14 tuổi, nói. Nhiều bạn bè cùng lớp cũng đồng tình với em.
Cô giáo Anthonyraj Devaneshi cho biết trường chỉ có thể cung cấp một miếng băng vệ sinh cho học sinh trong trường hợp khẩn cấp, nhưng không đủ điều kiện để hỗ trợ thường xuyên.
Bà Rashmira Balasuriya, Giám đốc Sáng kiến Arka, tổ chức hoạt động nhằm xóa bỏ nghèo đói trong kỳ kinh nguyệt, đồng thời là cố vấn kỹ thuật cho Hiệp hội Kế hoạch hóa Gia đình Sri Lanka, nhận định tình hình trở nên nghiêm trọng hơn sau đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế.
Chuyên gia này cảnh báo việc dùng vải ở các vùng đồi núi tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Đơn cử, do thiếu ánh nắng khiến vải khó khô hoàn toàn, từ đó làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Janani từng bị nhiễm trùng khi dùng vải và sau đó chuyển sang sử dụng băng vệ sinh. “Dùng vải thật sự rất khó chịu. Em luôn cảm thấy không an toàn. Em sợ phải ngồi xuống vì lo lắng sẽ gặp sự cố. Việc đi lại, ngồi hay ngủ cũng trở nên khó khăn”, nữ sinh cho hay.
Cô giáo Thiruchelvam Mangala Roobini cho biết nhận thức về kinh nguyệt trong học sinh vẫn còn rất hạn chế. Với tình trạng nghèo khó, kinh nguyệt trở thành rào cản học tập của nữ sinh và ngăn cản các em duy trì học tập. Nhiều em đã bỏ học hoàn toàn sau khi nghỉ học quá nhiều vì kinh nguyệt.
Đại diện Bộ Giáo dục Sri Lanka cho biết nhận thức rõ ràng về tình trạng trên, nước này sẽ khởi động chương trình phát phiếu giảm giá băng vệ sinh từ cuối tháng 5. Còn các tổ chức phi chính phủ khuyến nghị Sri Lanka cần quan tâm hơn đến những rào cản khiến trẻ em gái không thể tới trường để tìm biện pháp xử lý, khắc phục.
Theo Viện Advocata, giá một gói 10 miếng băng vệ sinh đã tăng 92% sau dịch Covid-19 và lạm phát, từ 140 lên 270 rupee. Mặt hàng này đang bị đánh thuế nhập khẩu ở mức 51%. Một nghiên cứu của Advocata công bố năm 2021 cho thấy gần một nửa phụ nữ tại Sri Lanka không chi tiêu cho các sản phẩm vệ sinh cá nhân.