Nghễnh ngãng vì viêm tai giữa

GD&TĐ - Nghễnh ngãng là tình trạng bất thường về thính lực, gây điếc nhẹ nghe lúc được lúc không, câu rõ câu mất. Đa số do biến chứng bệnh viêm tai giữa.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Tình trạng “điếc không sợ súng”

Viêm tai giữa là bệnh có thể mắc ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, đối tượng mắc chủ yếu vẫn là trẻ em từ 6 đến 36 tháng tuổi (do cấu tạo của tai chưa hoàn chỉnh và khả năng miễn dịch kém), tỉ lệ mắc bệnh hơn 80% trước tuổi lên 3.

Nhiều trường hợp, bệnh xảy ra có vẻ nhẹ nhàng, vì không có biểu hiện nào mang tính rầm rộ và gây sự chú ý, lo lắng. Điều này tạo ra suy nghĩ về tính chất ít nghiêm trọng của bệnh.

Song, sự tiến triển ngấm ngầm của bệnh có thể sẽ để lại di chứng suốt đời cho người bệnh trong tình trạng nghễnh ngãng đáng thương. Do đó, bệnh cần được phát hiện sớm và điều trị hiệu quả để tránh... “điếc không sợ súng” về sau.

Nguyên nhân gây viêm tai giữa là do vi khuẩn hoặc virus từ bên ngoài tai đột nhập vào bên trong gây ra. Bối cảnh mắc bệnh là do đợt cảm lạnh, cảm cúm hoặc cơ địa dị ứng gây tắc nghẽn cửa mũi sau, vùng họng và vòi nhĩ. Sự tắc nghẽn này gây ứ đọng dịch tiết và dẫn đến nhiễm trùng tai giữa.

Đặc biệt ở trẻ nhỏ, các vòi nhĩ chưa phát triển nên thường hẹp và nằm ngang hơn làm cho việc thoát dịch khó khăn. Ngoài ra, tổ chức V.A (Adenoids) nằm phía sau mũi, gần vị trí cửa mở của các vòi nhĩ. Nên khi trẻ bị viêm V.A thì nguy cơ dẫn đến viêm tai giữa rất cao. Đó là lý do tại sao trẻ nhỏ dễ bị viêm tai giữa hơn trẻ lớn và người lớn.

Bên cạnh đó, các đối tượng sau đây có nguy cơ bị viêm tai giữa rất cao:

- Trẻ có dị tật vùng mũi họng.

- Trẻ thường xuyên bú bình và sử dụng núm vú giả.

- Lây nhau ở nhà trẻ.

- Chịu áp lực từ những thay đổi về độ cao và khí hậu.

- Người tiếp xúc nhiều hoặc ở vùng có mức độ ô nhiễm không khí cao.

- Mắc các bệnh cảm cúm, cảm lạnh, viêm xoang, nhiễm trùng vùng tai.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Có thể gây biến chứng nặng

Tai giữa là khu vực nằm phía sau màng nhĩ khi bị nhiễm trùng sẽ gây sưng, đau chảy dịch và sốt. Các nhà chuyên môn căn cứ vào mức độ, tình trạng và tính chất của viêm tai giữa chia thành các loại sau:

- Viêm tai giữa cấp tính: Xảy ra đột ngột, rầm rộ. Tình trạng bệnh thường là một biến chứng của rối loạn chức năng vòi nhĩ trong đợt nhiễm trùng hô hấp trên do virus.

- Viêm tai giữa mạn tính: Là bệnh viêm tai giữa kéo dài, thường trên 3 tháng. Diễn biến bệnh dai dẳng, màng nhĩ bị thủng, mủ và dịch tiết qua đó chảy ra ngoài kéo lê từ ngày này qua ngày khác.

- Viêm tai giữa ứ dịch: Là tình trạng tai giữa bị viêm tiết dịch, nhưng màng nhĩ không bị thủng. Do đó, toàn bộ dịch tiết ra bị ứ đọng lại trong khu vực tai giữa đẩy màng nhĩ căng phồng và đau.

Nhìn chung, viêm tai giữa có vài điểm khác biệt giữa người lớn và trẻ nhỏ:

- Người lớn: Thường chỉ có biểu hiện đau tai, chảy dịch và khó nghe.

- Trẻ nhỏ: Ngoài đau tai, chảy dịch, nghe kém thường có sốt, khó ngủ, quấy khóc, ăn kém, bú kém, phản ứng kém với âm thanh và mất thăng bằng.

Soi tai thông thường bằng đèn hoặc nội soi tai sẽ xác định các thương tổn trong tai. Bệnh viêm tai giữa có thể gây biến chứng nặng như viêm xương chũm, nhiễm trùng huyết, hôn mê do viêm tắc mạch máu não.

Biến chứng thường gặp nhất trong bệnh viêm tai giữa không điều trị hoặc điều trị kém hiệu quả là nặng tai, khó nghe hoặc điếc. Trẻ còn bú, nếu bị viêm tai giữa gây ảnh hưởng sức nghe sẽ chậm phát triển, kém năng động và chậm nói hơn các trẻ bình thường cùng lứa tuổi.

Hướng điều trị và phòng bệnh

Người bệnh thường được chỉ định các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm và kháng dị ứng qua đường uống hoặc tiêm. Bên cạnh đó còn dùng các thuốc xịt tại chỗ như thuốc nhỏ vệ sinh tai và nhỏ tai, thuốc vệ sinh mũi và nhỏ mũi. Một số trường hợp cần thiết cần bơm hơi để thông vòi nhĩ. Thời gian điều trị thường dao động từ 7 - 14 ngày.

Các trường hợp bệnh kéo dài, đáp ứng kém với các thuốc điều trị sẽ được xem xét nạo V.A hoặc cắt amidan để loại bó tiêu điểm gây nhiễm trùng. Trường hợp bị thủng màng nhĩ không tự lành cần phải phẫu thuật vá lại màng nhĩ để phục hồi khả năng nghe.

Một số cách phòng bệnh: Giữ ấm trong mùa lạnh; tăng cường vận động và thể dục rèn luyện thân thể nâng cao sức đề kháng; cho trẻ bú mẹ, hạn chế thời gian ngậm bình bú và núm vú giả; tránh tiếp xúc khói thuốc lá, thường xuyên vệ sinh tay sạch sẽ, không sờ tay bẩn vào tai. Một chế độ dinh dưỡng tốt cũng góp phần hạn chế tỉ lệ mắc bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

TIN BUỒN

TIN BUỒN

GD&TĐ - Gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin: