Nghề vớt xác trên sông

Nghề vớt xác trên sông

(GD&TĐ) - Mỗi khi đêm về, giấc ngủ của vợ chồng ông không được trọn vẹn. Và như một thói quen đã được định hình bao năm qua, hễ trên sông có động là ông lập tức bật dậy như một bản năng. 

Người “gác cổng” ở sông tử thần

Tôi tìm đến bờ sông Sài Gòn đoạn chân cầu Bình Lợi (phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM), nơi được xem là cây cầu tử thần vào một ngày đầu tháng bảy. Ở khu vực này, hầu như ai cũng biết đến ông Nguyễn Văn Chúc (sinh năm 1957), không phải vì nghề chài lưới ông vẫn mưu sinh hằng ngày mà vì cái việc cứu người, vớt xác ông đã làm suốt hơn 30 năm qua trên dòng sông Sài Gòn. Ông đã cứu không biết bao nhiều người sa cơ gặp nạn, những người đi tìm cái chết. Ông cũng chính là người đã lặn tìm được thi thể những người bạc mệnh đưa về cho gia đình họ, cho dù bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng.

Gió sông thổi lồng lộng phả vào thuyền, trời đã sẫm tối, ông Chúc vừa nói vừa ôm ngực ho khan. Hơn 30 năm lênh đênh trên sông nước, ngụp lặn dưới dòng nước để vớt xác chết, cứu hàng chục mạng người khiến ông hao tổn nhiều sinh lực. Đối với ông Chúc, việc vớt xác, cứu người là công việc hằng ngày nên ông cũng không thể nhớ hết được có bao nhiêu người được ông cứu sống, xác người được vớt. Cố lục trí nhớ, ông thuật lại chuyện ông cứu sống hai người cách đây không lâu. Một tốp công nhân của công ty Đường sắt đang thi công sửa chữa cây cầu Bình Lợi thì bất ngờ dàn giáo bị sập, cả 5 người rơi xuống sông. Lúc ấy, vợ chồng ông đang buông lưới đanh cá, nghe tiếng động, ông Chúc ném tất cả, nổ máy ghe ào ra giữa sông. Ba người đã bơi được vào bờ, hai người còn lại được ông cứu. Và cũng chính lần ấy, anh công nhân tên Trần Đình Đức (ngụ tỉnh Nghệ An) đã xin được làm con nuôi của vợ chồng ông. Cho đến nay, đã 7 năm qua, Đức đã có một gia đình nho nhỏ ở quận Bình Thạnh và thi thoảng Đức lại đưa vợ con đến thăm ba mẹ nuôi của mình. Cách đây không lâu, ông Chúc chứng kiến cảnh một nhóm học sinh thách đố nhau trên cầu. Cậu học sinh đã nhảy cầu xuống sông tự bơi vào bờ để chứng tỏ “anh hùng” với các bạn nữ. Tuy nhiên, do đuối sức, cậu ta bơi được giữa chừng thì chìm xuống. Ngay lập tức, ông Ba Chúc lao mình về phía trước vớt cậu ta lên thoát khỏi cái chết trong gang tấc trước sự sợ hãi của nhóm học sinh còn mặc nguyên đồng phục.

Ông Chúc (trái) cùng vợ con sau giờ lao động cực nhọc
Ông Chúc (trái) cùng vợ con sau giờ lao động cực nhọc

Rồi một trường hợp đặc biệt khác khiến ông Chúc không thể quên khi cứu cô gái trầm mình thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Sau khi được cứu sống, cô gái đã kể lý do trầm mình với ân nhân. Do không thể ở chung cùng một mái nhà với người chồng sau của bà nội. Tháng nào người ông này cũng buộc cô phải đưa toàn bộ số tiền lương công nhân, nếu không sẽ bị đánh đập, chửi mắng thậm tệ và không cho vào nhà. Uất ức, cô tìm đến đoạn cầu Bình Lợi – nơi được mệnh danh là cây cầu tử thần để trầm mình mong thoát khỏi cảnh tù túng. Cám cảnh cô gái, vợ chồng ông sắm quần áo và cho cô tá túc dưới chiếc ghe nhỏ của gia đình ông. Thế nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn, cô gái xin phép ra đi. Từ dạo đó đến nay, cô chưa một lần ghé lại thăm ông. Thế nhưng ông không xem đó là chuyện buồn, bởi công việc thầm lặng đó ông xem như một thiên chức của mình khi gắn với dòng sông Sài Gòn.

Dứt cơn ho, ông Chúc uống một hớp rượu như để xua tan cái lạnh của gió sông rồi thổ lộ với tôi: “Có những lúc khi tôi mò vớt được xác người thân, thân nhân người chết, người được cứu sống tìm đến đặt vấn đề bồi dưỡng, hỏi vợ chồng tôi muốn gì,.. nhưng lần nào vợ chồng tôi cũng từ chối”. Tiếp lời chồng, bà Nguyễn Thị Hinh - vợ ông nói: “Ai cũng muốn tiền, nhưng đồng tiền phải do mình tự làm ra, chứ giữa lúc người ta đang buồn rầu vì tang tóc mà mình ngửa tay nhận tiền coi sao được?”. Chỉ tay về phía cầu Bình Lợi, bà Hinh nói rất nhiều người chán đời đã tìm đến cây cầu này gieo mình xuống quyết đi tìm cái chết: “Khi hay tin người thân nhảy cầu tự tử được vợ chồng tôi cứu sống, người thân của người tự tử tri ân lại biếu tiền. Rồi khi không tìm được xác dù rằng đã thuê nhiều người hụp lặn, biết vợ chồng tôi rành rẽ khúc sông này, người ta tìm đến đặt vấn đề, hứa sẽ trả thù lao hậu hĩnh”. Những lúc như thế, vợ chồng người “gác sông” chỉ biết nhìn nhau cười, cảm ơn tấm lòng của họ, sẵn sàng giúp mà không nghĩ đến thù lao.

Ông Chúc cùng vợ và cháu ngoại
Ông Chúc cùng vợ và cháu ngoại

Trôi dạt đời thương hồ

Đập tay vào mạn thuyền, ông cho biết chiếc thuyền, cũng là căn nhà trú ngụ của gia đình ông- bao năm qua đã được một số người ẩn danh giúp đỡ 70 triệu đồng, thông qua một vị linh mục để ông đóng mới. Trên chiếc thuyền tròng trành, ông kể về đời mình gắn bó với dòng sông nhiều kỷ niệm.

Sinh ra trên con thuyền, từ năm lên 8, ông đã thạo việc chài lưới và theo cha đánh cá trên sông. Năm 1977, ông nên duyên vợ chồng với người phụ nữ vốn cũng đồng cảnh chài lưới. Sau đám cưới, ông được gia đình hai bên cho một chiếc xuồng để ra riêng. Đôi vợ chồng trẻ hằng ngày lênh đênh theo con nước lớn nước ròng tìm kiếm con cá mưu sinh theo lẽ tự nhiên. Rồi những đứa trẻ lần lượt ra đời cũng trên chiếc xuồng này. Đêm đến, sợ các con ngủ lăn khỏi mạn thuyền xuống nước, nên vợ chồng ông phải nằm chắn hai đầu để cho con ngủ. 

Thời gian cứ thế trôi đi, ngày nay, 3 con lớn đã có chồng, lên bờ thoát khỏi cuộc sống lênh đênh. Chỉ còn 2 cô con gái gắn bó với sông nước cùng vợ chồng ông, một đứa đi làm, còn một đứa đi học. Bây giờ điều ông tự hào nhất là đứa con gái út đang theo học lớp 10 một trường THPT thuộc quận Bình Thạnh, rất chăm ngoan và học giỏi. Nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên xem ra cô con gái út cũng phải nghỉ học theo ba mẹ buông lưới thả câu. Ngày trước tôm cá còn nhiều, những mẻ lưới trĩu nặng cá đã giúp ông nuôi các con khôn lớn.

Cầu Bình Lợi, nơi thường xảy ra các vụ tự tử
Cầu Bình Lợi, nơi thường xảy ra các vụ tự tử

Nhưng bây giờ, càng lúc càng khó khăn hơn. Nước sông đã ô nhiễm nặng, hủy diệt các nguồn lợi thủy sản. Thế nhưng do gắn đời mình trên mạn thuyền, nên ông Chúc vẫn buông chài trên sông đều đặn, mỗi ngày thu nhập được khoảng 30 - 40 ngàn tiền cá, cũng đủ giúp gia đình ông vượt qua những khó khăn thường nhật. Cũng có lúc vì cuộc sống, ông định bỏ nghiệp chài lưới lên bờ nhưng như ông chia sẻ thì ông không thể bỏ nơi đây để đi nơi khác làm ăn, bởi một phần ông không thích hợp với những nghề trên bờ và phần nữa dòng sông này đã có quá nhiều kỷ niệm, nuôi sống bao thế hệ gia đình ông. Hay vì ông sinh ra là gắn với thiên chức cứu người, vớt xác. Cũng may cho ông, mấy năm gần đây, nghe tiếng ông, trạm quản lý đường sông số 10 thuộc Đoạn quản lý đường sông đã hợp đồng cùng ông với nhiệm vụ làm vệ sinh các phao phân luồng trên sông, đồng thời khôi phục các đèn tín hiệu hư hỏng với mức lương 2 triệu đồng/tháng. “Cũng nhờ vậy mà gia đình cũng vượt qua được khó khăn” – ông Chúc tâm tư.

Bây giờ, vợ chồng ông đã bước qua tuổi 54, vẫn lặng lẽ sống cuộc đời thanh bần ở mép sông, tối đi giăng lưới buông câu, sáng ra neo bờ, gặp xác chết thì vớt, thấy người tự tử thì cứu… Mặc cho cuộc sống hối hả nhộn nhịp trên bờ, ông sống bình thản giữa lúc người ta quay cuồng trong cơn lốc cơm áo gạo tiền, công danh địa vị.

Thái Khuê

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ